Tại kết luận kiểm toán năm 2015 vừa ban hành, Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra hàng loạt sai phạm xảy ra tại Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines).
Cụ thể, Kiểm toán Nhà nước cho biết, việc quản lý các khoản nợ tạm ứng, nợ phải thu khách hàng, ứng trước cho người bán... đã gây lãng phí, giảm hiệu quả sử dụng vốn.
Bên cạnh đó, cơ quan kiểm toán cho rằng, việc ra quyết định đầu tư tài chính của Vinalines tiềm ẩn rủi ro thiệt hại vốn đầu tư, khoản vay khó thu hồi.
Kiểm toán Nhà nước cũng đòi hỏi cần phải có người chịu trách nhiệm về việc thực hiện nghĩa vụ của Người đại diện quản lý vốn góp tại doanh nghiệp khác đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thua lỗ, mất vốn hoặc tồn tại nhiều rủi ro tài chính.
Kết luận kiểm toán còn chỉ ra hàng loạt sai phạm khác tại Vinalines đó là ký hợp đồng thiếu chặt chẽ, không có chế tài xử phạt đã dẫn đến bị khách hàng chiếm dụng; trả trước cho người bán tiềm ẩn rủi ro không có khả năng được hoàn trả, nguy cơ mất vốn. Doanh nghiệp này còn mua vật tư về nhập kho chưa sử dụng, gây ứ đọng vốn; áp dụng giá cước không phù hợp giá cước đã kê khai.
Ngoài ra, một loạt các đơn vị thành viên của Vinalines vẫn chưa công khai thông tin tài chính trên trang thông tin điện tử của công ty như công ty CP Cảng Đà Nẵng, công ty TNHH MTV Cảng Nghệ Tĩnh.
Người đại diện của các công ty: Công ty CP Vận tải biển và Hợp tác lao động quốc tế, công ty CP Đại lý Hàng hải Việt Nam, Công ty CP Cảng Đà Nẵng, Công ty TNHH MTV Cảng Nghệ Tĩnh, Công ty CP Vận tải biển Vinaship, Công ty CP Cảng Quảng Ninh lập báo cáo giám sát tài chính không đầy đủ nội dung theo quy định tại Nghị định số 61/2013/NĐ-CP.
Cũng theo kết luận kiểm toán, việc quyết định đầu tư xây dựng cầu cảng số 2 cảng Ba Ngòi không phù hợp với nhu cầu thực tế của đơn vị khai thác.
Kiểm toán Nhà nước đề nghị Vinalines và các đơn vị thành viên thực hiện kiểm điểm và chỉ đạo kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với các tập thể, cá nhân liên quan đến các nội dung kiểm toán nói trên và một số sai phạm khác.
Mặc dù đã được tái cơ cấu, song cho đến nay, tình hình sản xuất kinh doanh của Vinalines vẫn chật vật khó khăn. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2015, tổng tài sản của Vinalines sụt giảm 21%, kết quả kinh doanh tiếp tục thua lỗ thêm 425 tỷ đồng, trong khi khoản lỗ sau thuế chưa phần phối còn tới trên 16.600 tỷ đồng khiến vốn chủ sở hữu âm gần 6.600 tỷ đồng. Đã gần giữa tháng 8/2016 song Vinalines vẫn chưa công bố báo cáo tài chính cả năm 2015.
Trước đó, trong một báo cáo được Kiểm toán Nhà nước gửi Bộ Tài chính, cơ quan này đã phải ngán ngẩm đánh giá, “thực trạng tài chính đến 31/12/2014 của Vinalines rất khó khăn, yếu kém”.
Tại thời điểm cuối năm 2014, Vinalines bị âm vốn chủ sở hữu 10.768,2 tỷ đồng. Lỗ sau thuế 3.478,5 tỷ đồng với 19 đơn vị lỗ hơn 4.332,6 tỷ đồng trong khi 20 đơn vị chỉ lãi gần 887 tỷ đồng.
Kết quả bê bết này đã khiến khoản lỗ lũy kế của Vinalines sau kiểm toán lên tới 24.180,7 tỷ đồng vào cuối năm 2014, con số này cao hơn so với số liệu tại báo cáo tài chính do Vinalines tự tính toán là gần 21.000 tỷ đồng.
Mặc dù với việc thực hiện tái cơ cấu, Vinalines đã, đang và dự kiến sẽ thoái vốn, giảm tỷ lệ nắm cổ phần chi phối tại nhiều cảng biển quan trọng (cửa ngõ, đầu mối) song số tiền thu về dự kiến chỉ là 4.128 tỷ đồng trong khi dư nợ tới 31/3/2015 của Vinalines là 8.739 tỷ đồng.
Trước tình hình tài chính khó khăn, Vinalines vừa kiến nghị bán thanh lý lô 6 tàu vẫn còn đóng dở dang. Trong khi tổng số tiền đầu tư mà doanh nghiệp này rót vào 6 tàu trên là 539,1 tỷ đồng thì khoản tiền thu về ước chỉ được 27,8 tỷ đồng, nghĩa là chấp nhận mất vốn khoảng 511,2 tỷ đồng trong thương vụ trên.
Ngoài ra, hiện Vinalines cũng chờ ý kiến của Bộ Giao thông Vận tải về việc bán thanh lý 6 tàu đang khai thác với tổng trọng tải gần 250.000 DWT, trong đó 2 con tàu Vinalines Global và Vinalines Trader có trọng tải mỗi chiếc trên dưới 70.000 DWT.