Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) vừa phải phát văn bản cậy nhờ Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) “nói hộ” với Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội, nơi đang thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của Công ty TNHH MTV Vận tải Viễn dương Vinashin (Vinashinlines) cho phép bán sớm hệ thống tàu Lash Sông Gianh để tránh nhận thêm những thiệt hại về tài chính.
Trước đó, vào cuối tháng 8/2015, Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội đã ra thông báo thụ lý đơn yêu cầu làm thủ tục phá sản của Vinashinlines, khiến quá trình thanh lý đội tàu chuyên dụng được khởi động từ năm 2012 bị tắc.
Theo ông Lê Triêu Thanh, Phó tổng giám đốc Vinalines, kể từ thời điểm Tòa án ra quyết định mở thủ tục phá sản, Vinashinlines mất quyền triển khai việc xử lý tài sản.
Đây là lý do khiến đơn vị sở hữu tàu phải hoàn trả lại số tiền đặt cọc trị giá 12 tỷ đồng (tương đương 20% giá trị hợp đồng) cho Công ty Vật tư thiết bị Vietship, đơn vị duy nhất chấp nhận trả 60 tỷ đồng theo giá sắt vụn để “rước” khối tài sản tai tiếng này.
Cần phải nói thêm rằng, đội tàu lash Sông Gianh thuộc tài sản của Vinashin được chuyển về Vinalines theo Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam – Vinashin hồi năm 2010.
Là “tác phẩm” của Vinashin, hệ thống lash Sông Gianh được giao cho Vinashinlines khai thác và bắt đầu hoạt động thử nghiệm vào năm 2008. Hệ thống này khi đó được quảng cáo là phương thức vận tải tiên tiến, đem lại hiệu quả kinh tế. Trong đó, tàu lash mẹ có trọng tải 11.000 tấn có thể chở được hơn 40 chiếc sà lan trọng tải 200 tấn vừa đi sông, vừa đi biển, có thể nhận và trả hàng tại những nơi có điều kiện luồng lạch hạn chế và không cần hệ thống cầu cảng lớn.
Tuy nhiên, chỉ sau 9 tháng thử nghiệm chở xi măng tuyến Hải Phòng - TP.HCM, Vinashinlines đã phải dừng khai thác do không hiệu quả. Nguyên nhân được cho là do các trang thiết bị trên tàu không đồng bộ, rẻ tiền, đóng theo công nghệ cũ. Khôi hài nhất là hải trình tuyến Bắc - Nam của hệ thống lash Sông Giang tốn mất hơn 20 ngày, khiến không một chủ hàng nào dám thuê.
Hiện tại, phần lớn hệ thống tàu lash vẫn đang neo đậu tại khu vực Quảng Ninh (3 sà lan và 9 tàu đẩy; các phần khác đang neo đậu rải rác tại Hà Tĩnh, Quảng Bình và TP.HCM.
“Do Vinashinlines gặp khó khăn về tài chính, nên hệ thống tàu lash không được cấp nhiên liệu, bảo quản, bảo dưỡng trong thời gian dài, vì thế các trang thiết bị của tàu xuống cấp trầm trọng, tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, gây mất mỹ quan khu vực”, ông Thanh cho biết.
Theo giá trị sổ sách, tính đến ngày 30/4/2014, hệ thống tàu lash của Vinashinlines được xác định là 365 tỷ đồng, nhưng dư nợ gốc mua tàu tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) và Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) đã vượt quá con số 300 tỷ đồng; số nợ gốc phải trả cho Công ty Tài chính TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy (VFC) là hơn 4,4 triệu USD.
Được biết, cơ hội duy nhất để sớm nối lại thương vụ thanh lý hệ thống tàu lash Sông Gianh đang nằm trong tay Tòa án Nhân dân TP.Hà Nội.
Theo quy định của Luật Phá sản, quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản có quyền đề nghị thẩm phán cho xử lý ngay những tài sản bảo đảm có nguy cơ bị phá hủy hoặc bị giảm đáng kể về giá trị. Tuy nhiên, tới thời điểm hiện tại, Vinashinlines vẫn chưa nhận được thông báo của Toà án liên quan tới việc chỉ định quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản
Ngay cả khi bán được hệ thống tàu lash Sông Gianh, số tiền mà Vinashinlines thu được là bằng không, do trả nợ vay cho 3 tổ chức tài chính là VFC, VDB chi nhánh Hải Phòng; BIDV chi nhánh Đông Đô.
Lãnh đạo Vinalines cho biết, hiện Tổng công ty đang cân đối nguồn tiền để gom lại tàu mẹ, tàu dắt, các xà lan về một chỗ, đợi lệnh bán từ Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội.
“Nếu thời gian xử lý đối với hệ thống tàu lash kéo dài sẽ ảnh hưởng lớn đến việc thu nợ vay vốn tín dụng của Nhà nước từ việc xử lý tài sản bảo đảm cũng như giá trị của tài sản, nhất là khi mùa mưa bão đang tới gần”, ông Thanh cho biết.