Kiểm toán lưu ý về khả năng hoạt động liên tục của Vietravel (VTR)

Trong Báo cáo tài chính bán niên năm 2021 của Vietravel (UPCoM: VTR), hãng kiểm toán đã lưu ý người đọc về khả năng hoạt động liên tục của công ty "mẹ" Vietravel Airlines.

Công ty cổ phần Du lịch và Tiếp thị giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel, UPCoM: VTR) vừa công bố Báo cáo tài chính bán niên năm 2021 sau nhiều lần lỗi hẹn.

Ban lãnh đạo Vietravel lý giải, do dịch bệnh kéo dài và diễn biến phức tạp khiến doanh thu thuần của công ty sụt giảm nghiêm trọng từ 917,2 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2020 còn 545,6 tỷ đồng trong cùng kỳ năm nay.

Đồng thời, giá vốn bán hàng tăng khiến lợi nhuận sau thuế nửa đầu năm nay âm hơn 293,3 tỷ đồng.

Trong mục “Vấn đề nhấn mạnh”, Công ty TNHH Kiểm toán và tư vấn A&C muốn lưu ý người đọc Báo cáo tài chính đến thuyết minh số VII.3 trong Bản thuyết minh Báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ về khả năng hoạt động liên tục của Vietravel.

Theo đó, kỳ kế toán 6 tháng đầu năm nay, công ty lỗ hơn 293 tỷ đồng và số lỗ luỹ kế đến cuối tháng 6/2021 là 326 tỷ đồng, vượt vốn góp của chủ sở hữu 118,3 tỷ đồng.

Đồng thời, nợ ngắn hạn của Vietravel vượt hơn tài sản ngắn hạn là 456,7 tỷ đồng. Các yếu tố này có thể ảnh hưởng đến khả năng hoạt động liên tục của Tập đoàn.

Kết quả kinh doanh luỹ kế 6 tháng đầu năm nay của Vietravel so với cùng kỳ năm ngoái (Đvt: tỷ đồng).

Song, theo Vietravel, tính đến thời điểm phát hành Báo cáo này, công ty đã hoàn thành nghĩa vụ thanh toán các trái phiếu thường đến hạn với số tiền gốc và lãi lần lượt là 700 tỷ đồng và 57,7 tỷ đồng.

Tập đoàn này cũng đạt được thoả thuận với các ngân hàng về việc gia hạn nợ và cơ cấu lại thời hạn trả các khoản vay.

Thêm vào đó, họ đang có một số kế hoạch thu hút vốn hoạt động bằng việc phát hành trái phiếu, tăng vốn điều lệ; thương lượng với các đối tác có tiềm lực tài chính đầu tư vào Công ty TNHH Hàng không lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines).

Do đó, Báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ của Vietravel được lập dựa trên giải thiết Tập đoàn hoạt động liên tục.

Điểm tích cực của trong kỳ của Vietravel là dòng tiền từ hoạt động kinh doanh dương gần 200 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái âm hơn 27 tỷ đồng. Dòng tiền thuần từ hoạt động đầu tư âm hơn 321 tỷ đồng.

Ngoài ra, doanh nghiệp này đã trả nợ gốc vay gần 381,5 tỷ đồng, đồng thời vay thêm 479 tỷ đồng.

Cơ cấu trong tổng doanh thu của Vietravel luỹ kế 6 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm ngoái (Đvt: đồng Việt Nam).

Tổng tài sản đến cuối kỳ của Vietravel ở mức 1.922 tỷ đồng, tăng 64 tỷ đồng so với hồi đầu năm cùng nợ phải trả tăng vọt thêm 351 tỷ đồng, lên 2.040 tỷ đồng.

Nợ ngắn hạn chiếm phần lớn trong tổng nợ phải trả với hơn 1.191 tỷ đồng vay/nợ thuê tài chính ngắn hạn. Ngoài ra, công ty này còn ghi nhận khoản vay/nợ thuê tài chính dài hạn hơn 17 tỷ đồng.

Vốn chủ sở hữu đến cuối kỳ của công ty "mẹ" hãng hàng không Vietravel Airlines đã âm hơn 118.3 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối âm 326 tỷ đồng.

Các khoản phải thu dài hạn khác của Vietravel đến cuối tháng 6/2021 so với đầu năm. (Đvt: đồng Việt Nam).

Trong khi chi phí bán hàng trong 6 tháng đầu năm nay được Vietravel kiểm soát chặt chẽ thì chi phí quản lý doanh nghiệp lại tăng 28%, lên gần 123 tỷ đồng; trong đó, chi phí cho nhân viên xấp xỉ 51 tỷ đồng và chi phí dịch vụ mua ngoài 51,2 tỷ đồng.

Ngoài ra, trong khoản chi phí khác, công ty này bị phạt hơn 1,2 tỷ đồng do vi phạm hợp đồng trong khi 6 tháng đầu năm 2020 chỉ 920 triệu đồng.

Thêm vào đó, Vietravel có 2 khoản chi phát sinh so với cùng kỳ gồm 20,7 triệu đồng phí bồi hoàn do huỷ tour khách và 1 tỷ đồng ủng hộ bão lụt.

Tính đến cuối tháng 6/2021, Vietravel có 1.472 nhân viên (tăng 6 nhân viên so với đầu năm); hơn 50 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn và 11,8 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng với kỳ hạn không quá 3 tháng.

Hồng Phúc
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục