Kiếm tiền thời VN-Index “sideway”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Khuyến nghị được đưa ra từ giới chuyên gia chứng khoán là nhà đầu tư cần hướng tới các cổ phiếu cơ bản đang được định giá tốt.
Các cổ phiếu có yếu tố cơ bản tốt đang thu hút sự quan tâm của dòng tiền. Các cổ phiếu có yếu tố cơ bản tốt đang thu hút sự quan tâm của dòng tiền.

“Dòng tiền sẽ tìm về cổ phiếu cơ bản”

Nhịp giảm hơn 13 điểm trong phiên 15/4 đã đưa chỉ số VN-Index về dưới 1.460 điểm. Thanh khoản tiếp tục duy trì ở mức thấp so với giai đoạn trước, với chưa đầy 22.000 tỷ đồng giá trị khớp lệnh trên sàn HOSE và chiếu theo nhận định của nhóm chuyên gia phân tích của Chứng khoán SSI thì chưa phát đi tín hiệu tạo đáy trong ngắn hạn để từ đây chỉ số bật lên.

Thị trường chứng khoán vừa trải qua giai đoạn bị tác động bởi nhiều thông tin bất lợi ở cả trong nước và quốc tế. Ở trong nước là nhiều tin đồn thất thiệt. Còn rủi ro từ bên ngoài là việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) quyết định nâng lãi suất USD, xung đột Nga - Ukraine leo thang và các biện pháp trừng phạt của phương Tây với Nga khiến chuỗi cung ứng hàng hóa thế giới thêm đứt gẫy.

Từ góc nhìn của ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Agriseco, nhịp giảm trong thời gian qua là tất yếu. Rất nhiều mã cổ phiếu đã tăng quá nóng, vượt xa giá trị thực của doanh nghiệp. Đặc thù của thị trường chứng khoán Việt Nam là số lượng nhà đầu tư cá nhân rất lớn, tâm lý dễ bị ảnh hưởng bởi tin đồn, nên càng kích hoạt đà bán tháo với các cổ phiếu đầu cơ.

Theo ông Khoa, trong tháng 4 này, các doanh nghiệp đang dần công bố kết quả kinh doanh quý I và dòng tiền sẽ luân chuyển đến cổ phiếu của những doanh nghiệp có nền tảng cơ bản tốt, ghi nhận kết quả kinh doanh quý I tăng trưởng mạnh. Tuy nhiên, doanh nghiệp có sự tăng trưởng trong quý I có thể chia làm hai nhóm. Nhóm 1 là những doanh nghiệp tăng trưởng trên mức nền so sánh thấp của cùng kỳ. Nhóm 2 là các doanh nghiệp có sự tăng trưởng ổn định qua các năm như ngân hàng, dệt may, thủy sản…

Bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

Trong bối cảnh nhiều tin giả, tin đồn như thời gian gần đây, nhà đầu tư cần theo dõi thông tin chặt chẽ tại các nguồn thông tin chính thống, tránh bị tác động tâm lý không mong muốn, dẫn đến sai lầm trong đầu tư.

Thực tế các phiên giao dịch tuần qua cũng cho thấy, các cổ phiếu ngành dệt may, thủy sản, phân bón - những lĩnh vực đang có sự tăng trưởng đột phá về lợi nhuận trong quý đầu năm đã lội ngược dòng đi lên.

Ông Khoa dự báo, VN-Index có thể đi ngang trong vùng 1.400 - 1.450 điểm trong thời gian tới, bởi sau mùa công bố báo cáo quý I/2022, thị trường sẽ rơi vào vùng trũng thông tin và đón nhận hiệu ứng “Sell in May”.

Đồng quan điểm, ông Trương Quang Bình, Phó giám đốc Phân tích nghiên cứu, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, xu hướng thị trường chứng khoán trong quý II là tiếp tục đi ngang và tích lũy.

Để VN-Index bứt phá qua mốc 1.500 điểm, theo ông Bình, cần có động lực từ nhóm ngân hàng. Ngoài ra, thị trường có thể sẽ xuất hiện những phiên giảm sâu vì thông tin tiêu cực tác động đến thị trường chưa hết, yếu tố mùa vụ cũng không kém phần quan trọng.

“Thời điểm này, dòng tiền sẽ tìm về những cổ phiếu cơ bản tốt do định giá của nhóm cơ bản vẫn ở mức thấp. Thực tế, P/E của VN30 đang thấp hơn P/E của VN-Index, chứng tỏ thời gian qua cổ phiếu vừa và nhỏ tăng khá mạnh, trong khi nhóm bluechip đang tích lũy”, ông Bình nhận xét.

Cơ hội kiếm tiền khó khăn hơn

Trong báo cáo mới phát hành, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) dự báo xu hướng đi ngang của thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục kéo dài, với các nhịp tăng hoặc giảm đan xen trong quý II/2022. Nhất là khi các yếu tố rủi ro (Fed tăng lãi suất, xung đột Nga - Ukraine, lạm phát...) và thuận lợi (kinh tế trong nước phục hồi, gói kích thích kinh tế của Chính phủ, sức khoẻ các doanh nghiệp được cải thiện) dần định hình.

Theo KBSV, diễn biến thị trường sắp tới sẽ có sự phân hóa rõ nét, dòng tiền quay vòng và tìm đến nhóm ngành được hưởng lợi từ các điều kiện vĩ mô. Công ty này đã lựa chọn 5 ngành kỳ vọng hưởng lợi lớn nhất trong phần còn lại của năm 2022.

Thứ nhất, ngành bán lẻ, đặc biệt là hàng tiêu dùng không thiết yếu sẽ được hưởng lợi từ việc bỏ hẳn các quy định giãn cách xã hội và nhu cầu tiêu dùng phục hồi.

Thứ hai, ngành du lịch sẽ phục hồi mạnh sau hai năm đóng băng bởi dịch Covid-19 nhờ việc mở cửa toàn bộ hoạt động du lịch đối với cả khách nội địa và khách nước ngoài từ giữa tháng 3, giảm quy định nhập cảnh.

Thứ ba, ngành ngân hàng với kỳ vọng cầu tín dụng tăng trưởng mạnh trong năm nay (quanh 14%) nhờ định hướng chính sách hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước cùng nhu cầu vốn phục hồi từ phía doanh nghiệp, nợ xấu được hoàn nhập khi sức khỏe doanh nghiệp phục hồi trong bối cảnh các ngân hàng đã chủ động trích lập ở mức cao trong năm 2021.

Thứ tư, ngành bất động sản khu công nghiệp, với kỳ vọng sự phục hồi của lĩnh vực công nghiệp sẽ tiếp tục tăng tốc trong năm 2022, khi các trung tâm công nghiệp lớn đón dần công nhân từ các tỉnh quay trở lại làm việc và các chuyên gia từ đối tác đến Việt Nam để nghiên cứu, ký kết hợp đồng. Bên cạnh đó là xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng vẫn đang diễn ra trong nhiều năm trở lại đây.

Thứ năm, nhóm doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu như dệt may, thủy sản tiếp tục hưởng lợi với kỳ vọng hoạt động sản xuất bình thường trở lại, không bị gián đoạn trong thời gian dài như năm 2021 và sức cầu từ các đối tác thương mại lớn tiếp tục phục hồi.

Nhận định cơ hội kiếm tiền trên thị trường chứng khoán trong năm 2022 khó khăn hơn so với hai năm trước, ông Nguyễn Hồng Điệp, Giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư S-Talk cho rằng, rất có thể trong vài thời điểm, thị trường sẽ có những cú sụt sâu.

“Khi sụt quá sâu sẽ là cơ hội bắt đáy, giúp nhà đầu tư lãi một số phần trăm khi hồi lại, song nhà đầu tư cũng không nên kỳ vọng quá cao. Tóm lại, kênh đầu tư chứng khoán vẫn là kênh đầu tư tốt, nhưng phải cần tư duy, cần tư vấn chuẩn từ chuyên gia và sự cẩn trọng hơn so với quá khứ gần”, ông Điệp nêu quan điểm.

Các chuyên gia cũng gợi ý, chiến lược đầu tư hiệu quả nhất trong giai đoạn này là hạn chế lướt sóng vào những doanh nghiệp có thông tin gây ảnh hưởng, tranh thủ những phiên giảm sâu để tích lũy thêm cổ phiếu cơ bản tốt, hưởng lợi từ hậu Covid-19, chính sách vĩ mô, đặc biệt là nhóm VN30.

Kiều Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục