20 năm học cách kiếm tiền bền vững trên thị trường chứng khoán

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tham gia thị trường chứng khoán từ những năm đầu, nếm đủ cả thành quả ngọt ngào và trái đắng, tôi dần học được cách đầu tư dựa trên yếu tố cốt lõi của doanh nghiệp. 
20 năm học cách kiếm tiền bền vững trên thị trường chứng khoán

Những ngộ nhận ban đầu

Năm 2006, tôi biết đến thị trường chứng khoán nhờ nhiều người bạn tôi tham gia đầu tư và kiếm được lợi nhuận khá tốt.

Tôi bắt đầu tìm hiểu và tham gia vào thị trường với số vốn ban đầu khiêm tốn. Giai đoạn này, cơ hội kiếm lợi nhuận khá dễ dãi và từ đó như một vòng xoáy cuốn tôi vào thị trường.

Thực tế khi đó, tôi không hề có phương pháp, cách lựa chọn cổ phiếu cụ thể nào, mà chỉ đơn thuần là lựa chọn ngẫu nhiên một cổ phiếu ưa thích để mua vào. Trên sàn cũng không có nhiều sự lựa chọn đa dạng như hiện nay.

Nhưng cũng vì lý do số lượng cổ phiếu trên sàn khá ít, trong khi dòng tiền đổ vào liên tục nên giá các cổ phiếu cứ được đẩy lên liên tục. Nhờ vậy mà tôi có được lợi nhuận khá nhanh chóng và tôi bắt đầu nghĩ rằng, kiếm tiền trên thị trường chứng khoán thật đơn giản, chỉ cần mua là có lời.

Trong thời điểm hiện tại, khi chứng kiến nhóm cổ phiếu phá sản tại Mỹ được nhà đầu tư mua tăng 100%, 200% như Hertz, Whiting Petroleum, Pier 1, J.C. Penney.

Cổ phiếu FANGDD, một công ty bất động sản của Trung Quốc tăng hơn 2.000% trong tháng 6 có thể chỉ vì tên công ty này gần giống nhóm cổ phiếu FANG, gồm 4 công ty công nghệ hàng đầu nước Mỹ (Facebook, Amazon, Netflix và Alphabet), tôi lại liên tưởng đến cách tăng giá của các cổ phiếu trên thị trường chứng khoán trong nước những năm 2006 - 2007.

Giai đoạn này, tôi chủ yếu đầu tư vào các cổ phiếu đang hút dòng tiền như SAM, REE, GMD, KDC, liên tục mua bán và chốt lời cổ phiếu.

Sự hưng phấn không chỉ có ở mình tôi mà đi đâu cũng nghe mọi người bàn tán về thị trường chứng khoán, nào là “mua con gì”, rồi “chốt lời bao nhiêu”. Trong cơn say chiến thắng, tôi đã không thể rút chân ra kịp.

Đầu tháng 3/2007, thị trường giảm điểm rất mạnh chỉ trong 2 tháng, đến tháng 5/2007 thì hồi phục, nhưng sau đó thị trường vẫn tiếp tục giảm.

Với thói quen giao dịch liên tục trước đó và tâm lý khá bảo thủ, tôi kiên quyết nắm giữ cổ phiếu để chờ hồi phục và điều tồi tệ nhất xảy ra vào cuối tháng 10/2007 khi thị trường liên tục giảm 10%, 20%, 30%, 50%… vẫn không hồi phục. Thời điểm đó, tôi và các nhà đầu tư khác cùng nhìn tài khoản bị bốc hơi từng ngày.

Sau cú sốc đó, tôi bắt đầu tìm hiểu sâu hơn về thị trường chứng khoán. Trải qua mất mát, tôi mới ngộ ra rằng, đầu tư chứng khoán không dễ dàng như mình từng tưởng tượng.

Tôi bắt đầu nhận ra cách tiếp cận thị trường của mình quá đơn giản, khi may mắn bước vào thị trường sóng tăng, thị trường đã tạo ra cho tôi cảm giác tự mãn và rất nhanh chóng đã lấy lại toàn bộ lợi nhuận tôi thu được, thậm chí còn khiến tôi bị âm vốn nặng.

Tôi bắt đầu tìm hiểu từ sách báo về phong cách đầu tư của những nhà đầu tư thành công trên thế giới nhưWarren Buffett, Philip Fisher… và nhận ra những cách tiếp cận cần thay đổi.

Bài học đầu tư phải hiểu doanh nghiệp

Sau khi tìm hiểu về cách đầu tư của những nhà đầu tư huyền thoại, cũng như xem lại lịch sử thị trường, tôi nhận ra điều quan trọng nhất khi đầu tư chứng khoán là phải biết mình đang đầu tư vào doanh nghiệp nào, đâu là vấn đề cốt lõi của doanh nghiệp.

Phương pháp đầu tư của tôi được xây dựng lại dựa trên doanh nghiệp hoạt động kinh doanh cốt lõi tăng trưởng, doanh nghiệp đang có điểm rơi lợi nhuận có thể ghi nhận trong tương lai gần. Đặc biệt, cổ phiếu giao dịch với mức định giá P/E vừa phải so với thị trường, cũng như với ngành.

Đi theo nguyên tắc ấy, đầu năm 2013, tôi quyết định đầu tư cổ phiếu GAS, một doanh nghiệp niêm yết mới trong lĩnh vực dầu khí. Điểm hấp dẫn nhất ở cổ phiếu này chính là doanh nghiệp gần như độc quyền khai thác và vận chuyển khí đốt, song P/E chỉ có 7,46 lần, với mức EPS 2012 là 5.175 đồng.

Tôi đầu tư vào cổ phiếu GAS cho tới giữa năm 2014, khi chứng kiến giá dầu có xu hướng lao dốc khi tăng trưởng kinh tế Trung Quốc có dấu hiệu giảm tốc do nhiều năm xây dựng quá mức, nhu cầu tiêu thụ dầu khí được dự báo giảm.

Trong khi cung đang vượt cầu, thành viên Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) lại không hành động kịp thời để cắt giảm sản lượng.

Chính điều này đã làm tôi thay đổi quan điểm về triển vọng ngành dầu khí từ khả quan với mức giá dầu cao sang bi quan, lo ngại khó khăn kéo dài. Với kinh nghiệm trong quá khứ, khi triển vọng ngành thay đổi tôi nhanh chóng thoát khỏi vị thế nắm giữ cổ phiếu này.

Hay với việc đầu tư cổ phiếu “họ” cao su thiên nhiên, hồi đầu năm 2017, sau khi Trung Quốc ra chính sách cấm chặt phá rừng, nhu cầu gỗ cao su ở Việt Nam tăng mạnh, điều này đẩy giá thanh lý gỗ cao su tăng khá cao.

Trong nhóm doanh nghiệp cao su niêm yết, tôi phân tích thông tin, chỉ có PHR có độ tuổi cây lớn, dự tính doanh nghiệp mỗi năm thanh lý 1.000 ha.

Do đặc thù hoạt động của ngành cao su là có thời gian trồng, khai thác, thanh lý gỗ nên hoạt động thanh lý gỗ hàng loạt khi giá thanh lý cao chính là điểm nhấn lợi nhuận gối đầu lên nhau đối với PHR giai đoạn cuối 2017 và các năm sau đó, chưa kể tới lợi nhuận nhận được từ đền bù đất.

Đối với mã NDN của CTCP Đầu tư phát triển Nhà Đà Nẵng, kể từ đầu năm 2018, tôi bắt đầu nhìn thấy quá trình bán hàng dự án Chung cư The Monarchy block B, lượng tiền đặt cọc dự án liên tục gia tăng, đồng thời quỹ tiền mặt của doanh nghiệp liên tục tăng lên.

Nếu như đầu năm 2018, lượng đầu tư tài chính chỉ có 343 tỷ đồng thì cuối năm là 926,1 tỷ đồng, người mua trả tiền trước ngắn hạn từ 43,7 tỷ đồng lên 957,8 tỷ đồng.

Điều này kết hợp với đặc điểm doanh nghiệp bất động sản chỉ được ghi nhận doanh thu khi bàn giao dự án cho người mua.

Trong khi đó, doanh nghiệp vay nợ rất thấp, tổng lượng tiền mặt, đầu tư tài chính và tiền gửi kỳ hạn dài là 1.027,4 tỷ đồng, tương ứng mỗi cổ phiếu sẽ có 21.449 đồng tiền mặt.

Trong khi đó, cổ phiếu chỉ giao dịch ở vùng 10.000 - 13.000 đồng/cổ phiếu, điều này tạo nên mức hấp dẫn về định giá, cũng như sớm muộn khi doanh nghiệp bàn giao dự án phần lợi nhuận đầu tư dự án sẽ chuyển thành vốn chủ sở hữu. Trong khi đó, doanh nghiệp sở hữu lượng tiền mặt lớn.

Có thể thấy, kể từ thời điểm ban đầu tham gia đầu tư chỉ quan tâm tới mã chứng khoán và giao dịch liên tục, cú sốc năm 2008 đã giúp tôi điều chỉnh phương pháp đầu tư, chuyển dịch sang lựa chọn cổ phiếu có điểm rơi lợi nhuận, giao dịch dưới giá trị thực sự của doanh nghiệp. Điều này giúp chiến lược đầu tư của tôi an toàn hơn rất nhiều so với những năm trước.

Hai năm trở lại đây, thị trường liên tiếp đón nhận những cú sốc từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang và đại dịch Covid-19 làm thay đổi cục diện và thói quen người tiêu dùng. Với việc tham gia thị trường chứng khoán, sự khốc liệt này còn lớn hơn nhiều so với công việc khác.

Tuy nhiên, nhờ vào việc tích luỹ kinh nghiệm trong quá khứ, tôi luôn có kế hoạch dự phòng cho trường hợp xấu của thị trường và không còn quá bảo thủ như giai đoạn mới tham gia vào thị trường.

Thứ nhất, việc mua cổ phiếu chính là việc đầu tư vào doanh nghiệp, khi đã đầu tư là cần phải hiểu về doanh nghiệp, đâu là điểm bùng nổ lợi nhuận, đâu là điểm thoái trào lợi nhuận, từ đó, xây dựng các kịch bản đầu tư đối phó với diễn biến giá chứng khoán.

Một doanh nghiệp tốt thôi chưa đủ, mà cần phải hội tụ điểm bùng nổ lợi nhuận đi kèm, khi đó giá cổ phiếu mới có thể tăng bền vững.

Thứ hai, thị trường chứng khoán có chu kỳ, có giai đoạn sóng tăng sẽ có giai đoạn sóng giảm. Để có thể tồn tại trên thị trường, cần phải tận dụng sóng tăng kiếm thật nhiều lợi nhuận và trong giai đoạn thị trường khó khăn, việc cần ưu tiên là bảo vệ tài khoản.

Đầu tư là cả quá trình dài hạn, không thể tính thành quả thông qua một hay hai mã cổ phiếu cụ thể.

Thứ ba, việc cắt lỗ bảo vệ tài khoản đôi khi vẫn là lựa chọn thông minh, chỉ khi giữ được tiền thì mới có khả năng kiếm được tiền trong giai đoạn sóng tăng tiếp theo.

Trong khi đó, chần chừ không cắt lỗ sớm sẽ dẫn tới việc “ôm hàng” kéo dài và không còn tiền để mua ở vùng giá thấp khi thị trường chuẩn bị vào sóng tăng mới.

Thứ tư, mọi phân tích của mình chỉ đúng và kiếm được tiền khi thị trường cũng phản ứng như vậy. Không nên quá bảo thủ và đi ngược xu hướng bởi trong ngắn hạn, thị trường có thể phản ứng thái quá giữa lòng tham và nỗi sợ hãi lâu hơn sức chịu đựng của bản thân.

Hồ Phương

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục