Quả ngọt và trái đắng
Tháng 8/2014, Công ty TNHH MTV Phân bón Dầu khí Cà Mau bán đấu giá 848.900 cổ phiếu CTCP Bao bì Dầu khí Việt Nam với giá khởi điểm 11.345 đồng/CP. Kết quả, toàn bộ số cổ phiếu được bán hết với giá bình quân 11.579 đồng/CP.
Tuần qua, CTCP Bao bì Dầu khí Việt Nam đã niêm yết cổ phiếu trên HNX với mã PBP. Trong 4 phiên giao dịch đầu tiên, cổ phiếu này có 3 phiên tăng giá, đạt 23.800 đồng/CP, tổng khối lượng khớp lệnh đạt 446.000 cổ phiếu. Phiên cuối tuần, giá cổ phiếu PBP giảm còn 21.500 đồng/CP, với 191.000 cổ phiếu được chuyển nhượng. Tính bình quân, NĐT mua vào PBP trong đợt đấu giá hồi tháng 8/2014 và hiện thực hóa lợi nhuận trong tuần qua, lợi suất thu về là xấp xỉ 100% trong vòng 4 tháng.
Theo nhận xét của CTCK Bảo Việt, PBP có triển vọng tốt do ngành bao bì vật tư nông nghiệp đang có nhu cầu lớn. Với mức lợi nhuận dự kiến đạt được trong năm nay, chỉ số P/E của PBP thấp hơn mức trung bình các cổ phiếu cùng ngành.
Trước đó, trong năm 2014, cả sàn HOSE và HNX đều có chung một hiện tượng, đó là nhiều cổ phiếu mới niêm yết tăng giá mạnh sau khi chào sàn. Thực tế này làm xuất hiện một xu hướng đầu tư mới, không chỉ với các NĐT tổ chức, mà cả NĐT cá nhân. Họ tìm kiếm và bỏ vốn vào những DN có tiềm năng tăng trưởng, đa phần là những công ty có quy mô vốn nhỏ, có dự án sắp triển khai hoặc mới đi vào hoạt động, có nhu cầu tăng vốn… Sau khi DN niêm yết, giá cổ phiếu tăng lên tương ứng với sự tăng lên của giá trị DN, họ sẽ bán ra cổ phiếu, hiện thực hóa lợi nhuận. Tất nhiên, đây là những DN có lộ trình niêm yết rõ ràng.
Trường hợp TTCK diễn biến không thuận lợi như đối với NĐT trúng đấu giá cổ phần PVGas hồi cuối năm 2010 thì lợi nhuận cũng đến với những NĐT kiên nhẫn. Kể từ khi niêm yết đến nay, giá cổ phiếu GAS chưa bao giờ xuống dưới giá trúng bình quân là 31.000 đồng/CP. Có thời điểm, thị giá GAS cao gấp 3 lần giá trúng đấu giá. Không phải NĐT nào cũng may mắn “mua đáy, bán đỉnh”, nhưng một điều chắc chắn là không có NĐT nào tham gia IPO GAS bị thua lỗ. Ở thời điểm IPO, thị trường không thuận lợi nên số lượng đăng ký mua cổ phiếu GAS chỉ bằng 64,36% lượng chào bán.
Tuy nhiên, trong quá khứ, có không ít cổ phiếu của DNNN lớn chưa đem lại lợi nhuận cho các NĐT tham gia đấu giá cổ phần. Cổ phiếu VCB của Vietcombank là một ví dụ. Đợt IPO diễn ra đúng thời điểm thị trường “nóng” nên dù giá khởi điểm được ấn định ở mức cao 100.000 đồng/CP, nhưng giá trúng bình quân đạt 102.000 đồng/CP. VCB sau đó niêm yết cổ phiếu và mức giá cao nhất kể từ khi chào sàn đến nay chưa bằng 1/2 giá trúng bình quân trong đợt IPO. Một số cán bộ, nhân viên đã nghỉ hưu của ngân hàng này hồi đó được mua cổ phiếu với giá ưu đãi 64.000 đồng/CP than thở: “cổ phiếu ưu đãi thành ngược đãi”. Đến thời điểm này, vẫn có nhiều người nắm giữ cổ phiếu VCB từ thời đấu giá cổ phần và đang chờ sự thăng hoa trở lại của “cổ phiếu vua”.
Cơ hội năm 2015
Kể từ đầu năm 2015 trở lại đây, các đợt IPO của DNNN cổ phần hóa được nhiều NĐT quan tâm và bán được với giá cao. Cụ thể, 1,6 triệu cổ phiếu của Nhà máy Dệt Minh Khai thuộc Công ty TNHH MTV Dệt 19/5 Hà Nội được đưa ra bán đấu giá với mức khởi điểm là 10.100 đồng/CP, nhưng giá trúng bình quân đạt 71.991 đồng/CP. Tổng khối lượng đăng ký mua cao gấp 16 lần số cổ phần đưa ra chào bán, trong đó có NĐT đặt mua 100% số cổ phần chào bán.
Trước đó, 2 DN trực thuộc Tổng công ty Thương mại Hà Nội là Công ty Thương mại Thời trang Hà Nội và Công ty Thực phẩm Hà Nội tiến hành IPO, số lượng đặt mua lần lượt cao gấp 11 lần và 3 lần so với lượng chào bán.
Theo kế hoạch sắp xếp, cổ phần hóa đã được duyệt, trong giai đoạn 2014 - 2015, cả nước sẽ thực hiện cổ phần hóa 432 DN, chưa kể số DNNN tiếp tục thực hiện rà soát theo tiêu chí, danh mục phân loại DNNN mới ban hành kèm theo Quyết định số 37/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ để bổ sung phương án sắp xếp, cổ phần hóa giai đoạn tới. Với lượng hàng hóa dồi dào như vậy, sẽ có khó kịch bản giá cổ phần được đẩy lên quá cao. Tuy nhiên, nếu dành thời gian phân tích, theo dõi thông tin, sàng lọc được DN tốt, NĐT sẽ có nhiều cơ hội kiếm được lợi nhuận cao từ các đợt IPO.