Thứ nhất, việc giá nguyên liệu thế giới hạ nhiệt trong trong hơn một tháng qua không chỉ giúp chúng ta trút bỏ được gánh nặng về giá các loại nguyên liệu đầu vào của nền kinh tế liên tục tăng “phi mã” trong 7 tháng đầu năm, mà nếu đây là bước khởi đầu của quá trình giá nguyên liệu thế giới tiếp tục hạ nhiệt như những tháng cuối năm 2006, thì gánh nặng này sẽ được giải tỏa.
Cho dù nguyên nhân chủ yếu nào khiến giá tiêu dùng tăng mạnh trong 8 tháng đầu năm nay vẫn còn là đề tài bàn cãi giữa các nhà quản lý và giới nghiên cứu, nhưng với một nền kinh tế phụ thuộc tới 80% vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu như nước ta, thì chắc chắn sốt giá nguyên liệu thế giới liên tục và mỗi tháng lại đạt một loạt kỷ lục mới hiển nhiên không thể không tác động mạnh đến thị trường trong nước.
Theo kết quả tính toán từ các số liệu thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, tổng kim ngạch nhập khẩu 12 mặt hàng nguyên liệu chủ yếu nhập khẩu trong 8 tháng đầu năm nay là 7,886 tỷ USD, tăng nhảy vọt 2,046 tỷ USD và 35,03% so với cùng kỳ năm 2006. Trong đó, có tới 1,047 tỷ USD, chiếm 51,17% trong tổng mức tăng là do sốt nóng giá nguyên liệu thế giới khuyếch đại lên.
Trong bối cảnh như vậy, việc giá nguyên liệu thế giới trong tháng 8 và 2 tuần đầu tháng 9 có xu hướng hạ nhiệt đã giúp chúng ta trút bỏ được gánh nặng quá lớn này.
Cụ thể, các số liệu thống kê giá cả tháng 8 của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho thấy, sau 7 tháng liên tục tăng, cuối cùng giá nguyên liệu nói chung trên thị trường thế giới trong tháng 8 vừa qua đã giảm khá mạnh, từ 273,9 điểm xuống còn 262,1 điểm, tức là đã giảm 4,39%.
Trong đó, điều đáng mừng nhất chính là giá của nhóm hàng nguyên liệu phi dầu mỏ giảm mạnh hơn giá của nhóm hàng năng lượng. Cụ thể, tuy giá của nhóm hàng năng lượng giảm từ kỷ lục 393,3 điểm xuống còn 376,6 điểm (giảm 4,25%), còn giá của nhóm hàng nguyên liệu phi dầu mỏ cũng chỉ giảm 4,5% (giảm từ kỷ lục mọi thời đại với 164,4 điểm xuống còn 157,0 điểm), nhưng kim ngạch nhập khẩu xăng dầu của nước ta hiện chỉ chiếm 20% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước, trong khi kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng nguyên liệu chiếm tỷ trọng cao gấp 2,5 lần.
Hơn thế, trong khi giá của các mặt hàng nguyên liệu lương thực, thực phẩm chỉ giảm nhẹ, thậm chí vẫn còn tăng nhẹ, thì giá của các mặt hàng nguyên liệu công nghiệp đã giảm tới 7,1%.
Rõ ràng, đối với một nền kinh tế, trước hết là nền công nghiệp, “sống nhờ” vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, việc giá nguyên liệu thế giới hạ nhiệt như vậy sẽ khiến chúng ta không còn phải “đau đầu” về vấn nạn giá đầu vào nhập khẩu tăng và rất có thể sau nhiều tháng liên tục bị “việt vị” trong dự báo giá tiêu dùng hàng tháng, dự báo giá tiêu dùng tăng thấp trong tháng này của các nhà quản lý nước ta có cơ trở thành hiện thực.
Thống kê 2 năm gần đây cũng cho phép chúng ta hy vọng rằng, xu thế này sẽ tiếp tục trong những tháng cuối năm tương tự như trong năm 2005 và năm 2006.
Thứ hai, những điều nói trên có nghĩa là, thay vì vừa phải đối phó với lạm phát do chi phí đẩy, vừa phải đối phó với lạm phát do cầu kéo, có nhiều khả năng trong 4 tháng cuối năm nay, chúng ta chủ yếu chỉ còn phải đối phó với lạm phát do cầu kéo phát sinh ngay trong nước giống như cùng kỳ năm 2006.
Trong điều kiện như vậy, cho dù giá nguyên liệu nhập khẩu hiện vẫn cao hơn 15,46% so với cùng kỳ năm 2006 (bình quân giá nguyên liệu phi dầu mỏ 8 tháng đầu năm nay là 158,8 điểm, trong khi cùng kỳ năm 2006 chỉ là 138,4 điểm; còn giá dầu mỏ chỉ là 373,3 điểm so với 386,7 điểm), nhưng giải pháp giảm mạnh thuế suất nhập khẩu một loạt mặt hàng sẽ làm giảm đáng kể mức độ khuếch đại của sốt giá nguyên liệu thế giới ở thị trường trong nước. Ngoài ra, việc quyết định giảm giá xăng dầu thay vì khôi phục thuế suất nhập khẩu để ưu tiên bảo đảm nguồn thu của ngân sách Nhà nước như lâu nay vẫn thường làm sẽ phát huy được tác dụng làm giảm nhịp độ tăng giá tiêu dùng trong những tháng tới.
Tóm lại, cùng với việc áp dụng một loạt giải pháp mạnh nhằm kiềm chế giá cả thị trường, việc giá nguyên liệu thế giới hạ nhiệt sớm có tác dụng yểm trợ đặc biệt quan trọng cho những nỗ lực kiềm chế giá cả thị trường mà chúng ta đang thực hiện. Do vậy, có cơ sở để hy vọng vào việc giá tiêu dùng sẽ không tăng quá cao trong năm nay.