Kịch tính sau quyết định đóng cửa Big C Miền Đông

Việc Big C Miền Đông đột ngột thông báo đóng cửa đặt ra hai câu hỏi: liệu Central Group Việt Nam có “hụt hơi” và ai sẽ lấp vào chỗ trống mà siêu thị này để lại.
Big C Miền Đông sẽ trả lại mặt bằng 12.000 m2 tại quận 10 (TP.HCM) trong ít ngày tới. Ảnh: Lê Toàn

CGV vẫn tiếp tục vươn “vòi bạch tuộc”

Chỉ còn chưa đầy một tuần nữa, Big C Miền Đông (quận 10, TP.HCM) sẽ trả lại mặt bằng. Công tác thu dọn “chiến trường” đang rất khẩn trương, hàng loạt bảng hiệu hàng giảm giá cỡ lớn được dán quanh cổng vào siêu thị.

Hoạt động từ năm 2009, với tổng diện tích 12.000 m2, Big C Miền Đông được xem là một trong những siêu thị có diện tích lớn nhất của Tập đoàn CGV ở TP.HCM.

Lý do đóng cửa Big C Miền Đông mà CGV đưa ra là không thể tiếp tục thực hiện cam kết giá thấp cho người tiêu dùng với mức giá hợp đồng thuê mới. Như vậy, sau khi Big C Miền Đông chấm dứt hoạt động, CGV còn 7 siêu thị ở TP.HCM.

Trên thực tế, Big C Miền Đông không phải là siêu thị đầu tiên của CGV bị xóa tên. Trước đó, vào năm 2017, CGV cũng đã đóng cửa Big C Hoàng Văn Thụ (quận Phú Nhuận, TP.HCM) với diện tích hơn 7.000 m2, dù chi nhánh vẫn đông đúc khách hàng.

Theo báo cáo Bán lẻ Việt Nam năm 2019 của Deloitte, với 34 siêu thị trên toàn quốc, Big C đang bị bỏ xa bởi các doanh nghiệp Việt Nam như Saigon Co.op Mart và Vingroup, khi cả hai đều sở hữu hơn 120 siêu thị trên toàn quốc. Cuối năm 2019, Vingroup đã nhượng chuỗi bán lẻ VinMart và VinMart+ cho Masan.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa, CGV đang bị bỏ lại trong cuộc đua bán lẻ ở Việt Nam. Tập đoàn này đang tập trung phát triển chuỗi BigC Go! Market, mô hình hyper market (tạm dịch là trung tâm thương mại) được khởi xướng từ năm ngoái.

Theo kế hoạch, CGV sẽ cải tổ một số siêu thị Big C thành Big C Go! Market và mở mới để nâng tổng số siêu thị của chuỗi Big C Go! Market lên con số 40 trong năm nay. Chiến lược của Big C Go! Market là mở rộng ở các vùng lân cận, các thành phố mới, nơi người dân đang thiếu các trung tâm mua sắm giải trí tổng hợp.

Không những thế, “vòi bạch tuộc” của CGV còn vươn ra nhiều ngành bán lẻ phi thực phẩm ở Việt Nam để tăng cường sức ảnh hưởng trong thời gian qua. Cụ thể, ngoài 63 cửa hàng điện máy của Nguyễn Kim, 2 cửa hàng thời trang Robins và 25 cửa hàng thực phẩm Lan Chi Mart, đơn vị này còn đang sở hữu 42 cửa hàng đồ dùng tiện ích gia đình Lookkool, 15 cửa hàng đồ dùng thể thao Supersports…

Kết thúc năm 2019, tập đoàn mẹ của CGV là Central Retail Corporation (CRC) ghi nhận doanh thu 7,1 tỷ USD, lợi nhuận đạt 399 triệu USD, tăng lần lượt 8% và 11% so với cùng kỳ năm 2018.

Theo ông Yol Phokasub, Giám đốc điều hành CRC, trong năm 2020, Tập đoàn sẽ dành kinh phí đầu tư hơn 500 triệu USD (không bao gồm các khoản chi cho việc mua bán, sáp nhập trong tương lai) để mở rộng tầm ảnh hưởng ở Thái Lan, châu Âu và Việt Nam nhằm duy trì mục tiêu tăng trưởng thu nhập trung bình 8 - 10% và tăng trưởng ebitda (lợi nhuận trước lãi vay, thuế và khấu hao) 10 - 11% trong 5 năm tới.

Cụ thể, ở Việt Nam, CRC sẽ khai trương thêm Big C Go! Market và mở rộng các chuỗi bán lẻ phi thực phẩm như Lookkool, Supersports, Kubo (khu vui chơi trẻ em)

Trả lời tờ Bangkok Post, ông Yol Phokasub cho biết, Tập đoàn sẽ tăng ngân sách đầu tư tại Việt Nam trong năm 2020 vì tiềm năng tăng trưởng rất lớn, bất chấp quy mô thị trường bán lẻ vẫn đang tụt hậu so với Thái Lan.

“Đây là cơ hội để chúng tôi đạt được 800 - 1.000 chi nhánh trong tương lai”, ông Yol Phokasub nói.

Ai sẽ thế chỗ Big C Miền Đông?

Có thể thấy, việc đóng cửa Big C Miền Đông không đồng nghĩa CGV sẽ nhường lại sân chơi bán lẻ cho các doanh nghiệp còn lại. Chính vì thế, giới kinh doanh đang quan tâm, cái tên nào sẽ “điền vào chỗ trống” của Big C Miền Đông nhằm tăng cường lợi thế trong cuộc đua sắp tới.

Theo thống kê của UBND quận 10 (TP.HCM), tính đến năm 2019, trên địa bàn quận có hơn 60.000 hộ gia đình đang sinh sống, dân số hơn 230.000 người. Sau khi Big C Miền Đông đóng cửa, toàn quận 10 chỉ có 4 siêu thị cho người dân mua sắm là SatraMart (7.500 m2), Co.op Mart Hòa Hảo (3.500 m2), Co.op Mart Lý Thường Kiệt (12.00 m2) và Co.op Xtra Vạn Hạnh Mall (gần 10.000 m2)

Dựa vào thống kê của Deloitte, tính đến thời điểm hiện tại, ngoài Big C, chỉ có 3 cái tên có khả năng vận hành các siêu thị và hyper market với quy mô lớn ở thị trường Việt Nam là Co.op Mart, VinMart và Aeon (Nhật bản).

Aeon là doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài có sức ảnh hưởng lớn đến thị trường trong nước nhờ sỡ hữu nhiều loại hình bán lẻ khác nhau. Tập đoàn này đang vận hành 5 trung tâm thương mại với thương hiệu Aeon Mall, 115 cửa hàng tiện lợi thương hiệu Mini và 26 siêu thị Aeon Citimart (sau khi mua lại 49% cổ phần Citimart hồi năm 2014).

Tuy nhiên, khả năng cao là “tay chơi” đến từ Nhật Bản sẽ không lấp vào mặt bằng Big C Miền Đông, vì mục tiêu kinh doanh khác của đơn vị này là bất động sản. Theo đó, Aeon sẽ đầu tư tại các quận, các vùng gần trung tâm thành phố lớn để tận dụng lợi thế giá đất còn khá thấp và đẩy mạnh lưu lượng người đến đó nhờ vào các đại siêu thị Aeon Mall.

Các khảo sát trong thời gian qua cho thấy, đất nền quanh siêu thị Aeon Mall đã tăng 20 - 60% tùy khu vực. Gần đây nhất là trường hợp Aeon Mall Hà Đông. Theo dữ liệu từ website gachvang.com, nếu như cuối quý IV/2017, giá đất nền khu vực Dương Nội (gần Aeon Mall Hà Đông) tại Hà Nội giao dịch ở mức 30 triệu đồng/m2, thì hiện nay đã tăng lên quanh mức 50 triệu đồng/m2 (tăng 60%). Với các khu vực đã hình thành sẵn khu dân cư như quận 10 (TP.HCM), chi phí sẽ rất cao nếu thực hiện theo cách làm của Aeon trong thời gian qua.

Như vậy, chỉ còn lại 2 “ứng viên” doanh nghiệp nội có tiềm lực tham gia cuộc đua là Masan và Co.op Mart.

Với Masan, mục tiêu của tập đoàn này trong năm 2020 là tập trung cải thiện lợi nhuận, thay vì mở rộng ồ ạt như trước kia, nên sẽ đóng các cửa hàng hoạt động không hiệu quả ở Hà Nội, TP.HCM, Nha Trang và Cần Thơ.

Đồng thời, Masan vẫn duy trì mở 10 - 30 chuỗi siêu thị VinMart và dưới 300 cửa hàng tiện lợi Vinmart+. Trong đó, các siêu thị VinMart mới sẽ được mở với diện tích dưới 1.500 m2, nhắm vào các thành phố cấp 2 và nằm trong các trung tâm thương mại Vincom. Với diện tích 12.000 m2 mà Big C Miền Đông để lại, Masan đã phát đi tín hiệu không quan tâm.

Theo đó, chỉ còn cái tên khả dĩ nhất là Co.op Mart. Đại diện truyền thông của Co.op Mart cho biết, trong năm nay, Co.op Mart sẽ tiếp tục thực hiện kế hoạch mở rộng chuỗi, song từ chối tiết lộ ưu tiên của Công ty là mở siêu thị, cửa hàng tiện lợi hay các trung tâm thương mại.

Ngoài ra, cũng không loại trừ khả năng, một tập đoàn bất động sản sẽ mua lại mặt bằng mà Big C Miền Đông đã thuê để xây dựng khu phức hợp, vì các công ty bất động sản có thể tối ưu được hiệu quả đầu tư các khu đất trong thành phố bằng cách xây dựng thành trung tâm thương mại phức hợp hơn là các đơn vị kinh doanh bán lẻ đơn thuần.

Khả năng này hoàn toàn có cơ sở, vì trước đó, đơn vị tiếp quản quỹ đất của Big C Hoàng Văn Thụ vào năm 2017 là Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (Sacomreal).

Theo thống kê của Công ty Chứng khoán Rồng Việt, hiện có 8 doanh nghiệp niêm yết sở hữu quỹ đất nhiều nhất hiện nay là Vinhomes, Novaland, Khang Điền, Nam Long, DIC, Văn Phú, Đất Xanh và Hà Đô. Rất có thể, một trong số này sẽ lấp vào chỗ trống mà Big C Miền Đông để lại trong thời gian tới.

Huy Vũ
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục