Chính phủ yêu cầu kiểm tra việc phân biệt đối xử hàng Việt ở Big C

Phó thủ tướng Trương Hoà Bình cho biết từng nhận những cảnh báo về tình trạng phân biệt đối xử hàng Việt tại Big C.
Bên ngoài trung tâm thương mại của Big C ở Hà Nội. Ảnh:Big C Bên ngoài trung tâm thương mại của Big C ở Hà Nội. Ảnh:Big C

Kết luận hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương ngày 4/7, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình đề cập thông tin Big C từ chối nhận hàng may mặc Việt Nam. Ông nói, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương kiểm tra liệu có tình trạng phân biệt đối xử với hàng hoá Việt Nam ngay trên lãnh thổ không? Ông cũng cho biết, trước đó từng nghe những cảnh báo về tình trạng này.

Cũng trong chiều 4/7, tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Công Thương, ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Công Thương cho biết, cơ quan này đã có cuộc họp với Central Group và đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam. Sau buổi làm việc, Central Group cam kết ngay trong ngày 4/7 sẽ mở đơn hàng cho 50 trong số 200 nhà cung cấp hàng may mặc Việt Nam. 

Trước đó, trong thông báo gửi các nhà cung cấp cách đây 2 ngày, Central Group Việt Nam cho biết, tất cả vấn đề phát sinh trước 2/7 sẽ được tiếp tục giải quyết theo quy định của hợp đồng hợp tác thương mại hai bên đã ký.

Chiều 3/7, một số người lao động và đại diện doanh nghiệp dệt may đã đến văn phòng làm việc của Central Group ở TP HCM để tìm hiểu rõ nguyên nhân sau khi nhận thông báo dừng đơn hàng. Đến cuối giờ chiều cùng ngày, trong thông cáo phát đi, Central Group giải thích động thái nằm trong quá trình xem xét lại danh mục hàng hóa và tính khả thi từ nhà cung cấp nhằm đem đến các sản phẩm Việt Nam chất lượng cao nhất.

Liên quan đến tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm, tại hội nghị trực tuyến, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt. Tăng trưởng GDP, thu ngân sách, đầu tư, thương mại, xuất nhập khẩu, phát triển doanh nghiệp đều đạt khá.

Khẳng định kết quả đạt được là rất quan trọng, song Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương tập trung hơn vào những tồn tại, thách thức phải đối mặt. Trên cơ sở đó cần bàn kỹ để đưa ra đối sách, giải pháp xử lý nhanh, hiệu quả, kiên quyết không để vướng mắc kéo dài. 

Thủ tướng dẫn chứng số liệu cho thấy, tỷ lệ tồn kho ngành chế biến, chế tạo tăng 16,1%. Nhiều dự án trọng điểm về năng lượng, giao thông, hạ tầng chậm tiến độ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh năng lượng. Nguy cơ thiếu điện hiện hữu mặc dù đã vận hành thêm điện diesel và nhập khẩu điện.

Thủ tướng nhấn mạnh tình hình sản xuất kinh doanh ở một số ngành, lĩnh vực còn khó khăn, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó, có nhiều ý kiến cho rằng, việc cắt giảm điều kiện kinh doanh chưa có bước tiến thực chất.

Lãnh đạo Chính phủ cũng nêu thách thức với ngành nông nghiệp, tình hình dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp, 60 trong số 63 tỉnh, thành phố có dịch, tiêu hủy trên 2,82 triệu con lợn, chiếm 10% tổng đàn. Nắng nóng kéo dài trên diện rộng làm giảm năng suất lúa, cây trồng, vật nuôi, cùng với đó là nguy cơ hạn hán, thiếu nước trầm trọng ở một số khu vực có thể diễn ra. Diện tích trồng rừng tập trung giảm 5% trong khi đó rừng bị cháy tăng, nhất là vụ cháy rừng tại Hà Tĩnh là lời cảnh tỉnh sâu sắc cho cả nước.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng nêu tình trạng văn hóa, xã hội, an ninh trật tự phát sinh nhiều vấn đề đáng ngại hơn như gian lận thi cử, đạo đức văn hóa ứng xử, bạo lực học đường, xâm hại trẻ em, tình trạng trẻ em đuối nước, rác thải nhựa, xảy ra nhiều vụ trọng án giết người dã man, đánh bạc trên mạng quy mô lớn, nạn buôn bán ma túy... 


Theo VnExpress

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục