
Kích cầu tiêu dùng
Tiêu dùng nội địa đang có xu hướng tích cực hơn. Và đó là một trong những yếu tố giúp khu vực dịch vụ có được tốc độ tăng trưởng khá cao trong quý I/2025 - tăng 7,7%, đóng góp 53,74% vào tổng mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.
Mức tăng này cao hơn khá nhiều so với tốc độ tăng giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ quý I của các năm từ 2020 trở lại đây (tăng trưởng của khu vực dịch vụ các năm từ 2020-2025 lần lượt là 3,03%; 4,51%; 4,99%; 6,99%; 6,24% và 7,7%). Và điều này cho thấy, cầu trong nước đã được cải thiện.
Trong báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm 2025, Bộ Tài chính cho biết, nhu cầu tiêu dùng, du lịch của người dân tăng trong các kỳ nghỉ lễ tết cùng với số lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng cao là các nhân tố đóng góp tích cực cho tăng trưởng của ngành thương mại, dịch vụ từ đầu năm đến nay.
Tuy vậy, một cách thẳng thắn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng một lần nữa nhấn mạnh việc sức mua trong nước đã được cải thiện, nhưng “còn chậm”. Đây là điều luôn được nhắc tới trong các báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội giai đoạn kể từ sau đại dịch Covid-19 đến nay.
Số liệu từ Bộ Tài chính cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4/2025 tăng 11,1%, tính chung 4 tháng tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng rất tích cực, nhưng vẫn tăng thấp hơn mục tiêu cả năm. Và điều này được Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhắc đến như là một trong những thách thức của nền kinh tế.
Để thúc đẩy tăng trưởng GDP trên 8% trong năm nay, Chính phủ đặt mục tiêu là tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (tính theo giá hiện hành) năm 2025 tăng khoảng 12% trở lên. “Soi” với mục tiêu này, thì mức tăng 9,9% của 4 tháng là chưa đạt và điều đó có thể gây khó cho việc thực hiện các kịch bản tăng trưởng 2025.
Do vậy, trong các kiến nghị về giải pháp thúc đẩy kinh tế - xã hội, Bộ Tài chính luôn nhấn mạnh việc phát triển mạnh thị trường trong nước; bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách về thuế, tín dụng để hỗ trợ tăng sức mua, kích cầu tiêu dùng, du lịch nội địa; đồng thời tăng cường triển khai các hoạt động kết nối cung cầu và xúc tiến thương mại; phấn đấu tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng khoảng 12%...
“Việc kích cầu trong nước là bước đi hợp lý”, ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng nói như vậy. Theo ông Hùng, trong bối cảnh bất ổn thương mại toàn cầu, việc kích thích nhu cầu trong nước thông qua đầu tư hạ tầng, công nghệ và đổi mới sáng tạo sẽ là đòn bẩy giúp Việt Nam nâng sức cạnh tranh.
Giảm thuế VAT để kích tiêu dùng
Duy trì ổn định kinh tế, đảm bảo phúc lợi cho những người dễ bị tổn thương và duy trì việc làm vẫn là ưu tiên hàng đầu. Do vậy, các gói kích cầu tài khóa bổ sung là cần thiết để thúc đẩy nhu cầu nội địa của Việt Nam trong thời gian tới.
- Ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam
Trong hàng loạt giải pháp để kích cầu tiêu dùng, Bộ Tài chính đã đề xuất tiếp tục giảm thuế VAT 2%, đồng thời mở rộng đối tượng được giảm thuế. Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế VAT vừa được Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày tại Quốc hội.
Theo đó, Chính phủ đề xuất giảm 2% thuế suất thuế VAT đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ như viễn thông, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, sản phẩm kim loại, sản phẩm khai khoáng (trừ than), sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (trừ xăng).
Thời gian áp dụng đợt giảm thuế này sẽ dài hơn, từ ngày 1/7/2025 đến hết ngày 31/12/2026. “Để góp phần tạo động lực thúc đẩy phát triển cho nền kinh tế, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thúc đẩy hoạt động sản xuất - kinh doanh, du lịch, tiêu dùng trong nước trong năm 2025 và năm 2026, cần tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế VAT”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh.
Theo tính toán của Bộ Tài chính, trong 3 năm 2022-2024, việc thực hiện chính sách giảm thuế VAT đã hỗ trợ doanh nghiệp và người dân tổng cộng khoảng 123.800 tỷ đồng, qua đó giúp thúc đẩy tiêu dùng nội địa và tăng trưởng kinh tế. Năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 19,8% so với năm 2021. Các mức tăng của năm 2023 và 2024 là 9,6% và 9%. Đặc biệt, năm 2024, tăng trưởng kinh tế đạt trên 7%, cả 15/15 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đều đạt và vượt mục tiêu đề ra.
“Từ các kết quả đạt được nêu trên, có thể đánh giá, chính sách giảm thuế VAT 2% đã góp phần giúp giảm giá thành thông qua doanh nghiệp có hoạt động sản xuất - kinh doanh hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế VAT dẫn đến giảm giá bán của hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng, từ đó thúc đẩy sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, tiêu dùng của người dân, góp phần tạo thêm việc làm cho người lao động và đạt được mục tiêu đề ra khi xây dựng chính sách giảm thuế VAT là kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh phát triển”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh.
Thẩm tra tờ trình của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế - Tài chính của Quốc hội thống nhất với đề xuất trên. Theo khẳng định của Chủ nhiệm Ủy ban, ông Phan Văn Mãi, trong bối cảnh nền kinh tế trong nước phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức; kinh tế thế giới có nhiều biến động bất ổn không thể lường trước, việc tiếp tục ban hành chính sách này có thể xem là một biện pháp hướng vào tiêu dùng nội địa để thúc đẩy tăng trưởng, góp phần đạt được mục tiêu tăng trưởng 8% đã đề ra.
“Đa số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế - Tài chính của Quốc hội thống nhất với đề xuất của Chính phủ và cho rằng, việc mở rộng diện đối tượng được giảm thuế VAT là cần thiết để góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, ổn định môi trường vĩ mô để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn như hiện nay”, ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh.
Liên quan đến vấn đề giảm thuế VAT và kích cầu tiêu dùng, khi công bố Báo cáo Triển vọng phát triển châu Á 2025, các chuyên gia của ADB cũng cho rằng, việc gia hạn giảm thuế VAT đến cuối năm 2026 là “một bước đi tích cực”. Thậm chí, ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam còn đề xuất, bên cạnh việc giảm thuế VAT, có thể áp dụng các biện pháp rộng hơn, như cắt giảm thuế thu nhập và phí tiềm năng, cũng như mở rộng chi tiêu xã hội.