Kích hoạt và nâng tầm thương hiệu du lịch Duyên hải miền Trung

Ông Đào Tấn Lộc, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên, Phó trưởng ban thường trực Ban Điều phối vùng Duyên hải miền Trung cho rằng, liên kết phát triển du lịch vùng Duyên hải miền Trung với Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và các tỉnh Nam Lào, Đông Bắc Campuchia sẽ hiệu quả hơn nếu định vị được những sản phẩm đặc trưng của từng vùng. Chính những sản phẩm du lịch này sẽ là cầu nối liên kết giúp kích hoạt và nâng tầm thương hiệu du lịch vùng Duyên hải miền Trung.
Ông Đào Tấn Lộc, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên, Phó trưởng ban thường trực Ban Điều phối vùng Duyên hải miền Trung Ông Đào Tấn Lộc, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên, Phó trưởng ban thường trực Ban Điều phối vùng Duyên hải miền Trung

Mục tiêu chính của Hội thảo quốc tế “Liên kết phát triển du lịch vùng Duyên hải miền Trung với Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và các tỉnh Nam Lào, Đông Bắc Campuchia” là gì, thưa ông?

Hội thảo do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch phối hợp với Ban Điều phối vùng Duyên hải miền Trung, UBND tỉnh Bình Thuận tổ chức. Tên gọi của Hội thảo đã phần nào nói lên mục tiêu mà các địa phương vùng Duyên hải miền Trung cũng như các địa phương vùng Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và các tỉnh của Lào, Campuchia đang hướng tới.

Chúng tôi kỳ vọng, thông qua Hội thảo, sẽ tìm ra hướng đi mới, tạo sự liên kết nhất định trên cơ sở những giải pháp thiết thực, phù hợp với điều kiện phát triển của cả khu vực để đưa lĩnh vực du lịch vùng Duyên hải miền Trung lên tầm cao mới. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để các địa phương giới thiệu tiềm năng, lợi thế du lịch của mình đến các nhà đầu tư trong và ngoài nước, qua đó kêu gọi đầu tư có định hướng vào lĩnh vực du lịch, nhằm kích hoạt tiềm năng phát triển của vùng.

Theo ông, đâu là sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng Duyên hải miền Trung?

Vùng Duyên hải miền Trung được định hướng phát triển trở thành vùng quan trọng của cả nước về sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch tìm hiểu di sản. Bên cạnh đó là hàng loạt sản phẩm du lịch bổ trợ khác về du lịch đô thị, du lịch MICE, du lịch sinh thái biển, khám phá thiên nhiên.

Thời gian qua, vùng Duyên hải miền Trung có sự đầu tư phát triển du lịch mạnh mẽ. Đặc biệt, nhiều tỉnh, thành phố trong vùng như Đà Nẵng, Khánh Hòa… đang từng bước hình thành hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại phục vụ phát triển sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển cao cấp. 

Vùng Duyên hải miền Trung được định hướng phát triển 9 khu du lịch quốc gia và 7 điểm du lịch quốc gia. Đây là những điểm nhấn quan trọng trong việc phát triển sản phẩm du lịch. Trong đó, các khu du lịch quốc gia gồm: Sơn Trà, Bà Bà, Cù Lao Chàm, Mỹ Khê, Phương Mai, Vịnh Xuân Đài, Bắc Cam Ranh, Ninh Chữ, Mũi Né.

Với thế mạnh đặc trưng về du lịch như vậy, ông nghĩ vùng Duyên hải miền Trung sẽ liên kết với Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và các tỉnh Nam Lào, Đông Bắc Campuchia thế nào là tốt nhất?

Sự liên kết của vùng Duyên hải miền Trung, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên có nhiều thuận lợi từ vị trí địa lý và địa hình của các vùng. 5 cửa ngõ hàng không quốc tế là TP.HCM, Đà Nẵng, Huế, Đà Lạt và Khánh Hòa và nhiều cảng hàng không nội địa tạo ra các trục cân đối về thu hút và điều tiết các luồng khách. Không chỉ tiếp cận tốt về hàng không, 3 vùng liên kết còn có sự tiếp cận rất tốt cả về đường bộ và đường biển, có khả năng hỗ trợ nhau trong việc phân phối khách, thu hút các luồng khách.

Khách quốc tế đến vùng Đông Nam Bộ qua cửa ngõ TP.HCM và phân phối lên vùng Tây Nguyên hoặc sang vùng Duyên hải miền Trung. Khách đến Duyên hải miền Trung cũng có thể kết nối dễ dàng lên Tây Nguyên. Trong khi đó, khách quốc tế đường bộ từ Thái Lan, Lào, Campuchia qua các cửa khẩu quốc tế vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ cũng có thể kết nối sử dụng các sản phẩm du lịch của vùng Duyên hải miền Trung.

Ba vùng, gồm một vùng là miền núi, một vùng là miền biển và một vùng chủ yếu là đồng bằng, có thể tạo ra thế liên kết tốt trong việc thu hút khách nội vùng sử dụng sản phẩm du lịch liên vùng và tạo ra các sản phẩm du lịch thu hút khách quốc tế và khách từ các vùng khác.

Ban tổ chức kỳ vọng gì về Hội thảo lần này, thưa ông?

Trong bối cảnh hợp tác quốc tế ngày càng sâu rộng, Việt Nam đang có nhiều cơ hội, nhưng cũng có những thách thức không nhỏ để ngành du lịch phát triển nhanh và bền vững.

Sự hợp tác, liên kết chặt chẽ, có hiệu quả về du lịch giữa các vùng trong cả nước, giữa các địa phương trong vùng, giữa các doanh nghiệp du lịch là yếu tố quan trọng để khai thác hợp lý nguồn tài nguyên du lịch, phát huy lợi thế của từng vùng, từng địa phương, tạo sức cạnh tranh về sản phẩm và nâng cao năng lực của các doanh nghiệp du lịch trong vùng.

Hội thảo quốc tế “Liên kết phát triển du lịch vùng Duyên hải miền Trung với vùng Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, các tỉnh Nam Lào và Đông Bắc Campuchia” được kỳ vọng sẽ tạo ra những chuyển biến mới, góp phần phát triển du lịch vùng Duyên hải miền Trung nói riêng, du lịch Việt Nam nói chung một cách mạnh mẽ, vững chắc trong giai đoạn mới.

Huỳnh Quế Sơn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục