Kích hoạt nhanh Mobile Money

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Để giúp người dân nông thôn, vùng sâu, vùng xa tiếp cận được với các dịch vụ tài chính, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trên toàn quốc, việc thí điểm dùng tiền di động (Mobile Money) sẽ được trình Chính phủ xem xét trong tháng 9 này.

60% người dân nông thôn khó tiếp cận các dịch vụ tài chính

Anh Phạm Minh, cán bộ Ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng huyện Tây Giang, một huyện miền núi thuộc tỉnh Quảng Nam, như thường lệ sáng thứ Hai đầu tuần cưỡi “con ngựa sắt” của mình lên huyện, làm việc và đến tối thứ Sáu quay về với gia đình ở Hội An.

Anh Minh cho biết, cả huyện chỉ có Agribank thực hiện các giao dịch tài chính bình thường cho người dân, ngoài ra có Ngân hàng Chính sách xã hội nhưng chủ yếu phục vụ nhiệm vụ chính sách.

Anh chia sẻ, để thực hiện giao dịch tài chính cơ bản như chuyển tiền, gửi tiền tiết kiệm, đáo hạn sổ tiết kiệm, vay vốn, trả nợ…, người dân ở trung tâm huyện sẽ thuận lợi hơn so với bà con phải di chuyển từ xã ra huyện với cung đường đi khá vất vả, nhất là mùa mưa lũ, song cũng không có sự lựa chọn nào khác.

“Nhiều người dân đã có điện thoại di động thông minh, nhưng mạng Internet vẫn chưa phủ sóng tại những vùng sâu, vùng xa nên là rào cản để người dân tiếp cận những dịch vụ tài chính có yếu tố công nghệ”, anh Minh nói.

Một thống kê của MoMo cho biết, hiện có khoảng 60% dân số ở khu vực nông thôn Việt Nam chưa được tiếp cận hoặc gặp khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ tài chính. Tỷ lệ người dân có sở hữu thẻ ngân hàng tại thời điểm cuối năm 2019 là 63%, tập trung ở thành phố và khu công nghiệp do nhận lương qua tài khoản.

Số liệu được Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, 99% các giao dịch giá trị dưới 100.000 đồng đều được thực hiện bằng tiền mặt trong bối cảnh tỷ lệ người dùng thẻ tín dụng ở Việt Nam còn rất thấp. Như vậy, với độ phủ thuê bao di động đã vượt ngưỡng 100% số dân từ nhiều năm nay, tiền di động (Mobile Money) sẽ là giải pháp mạnh mẽ để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt theo chủ trương của Chính phủ.

“Dẫu vậy, vẫn có nhiều người dân còn đang ‘đứng ngoài’ các hệ thống tài chính chính thống, đó là những người nghèo ở nông thôn, những người dân ở vùng sâu, vùng xa, miền núi... Mobile Money ra đời sẽ cung ứng cho nhóm khách hàng này một kênh giao dịch, phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt nhanh chóng và thuận tiện”, ông Hùng nói.

Mới đây, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Quyết định về thí điểm dùng tài khoản viễn thông để thanh toán cho các dịch vụ, hàng hóa có giá trị nhỏ, tạo điều kiện để phát triển Mobile Money.

Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo cao cấp Ngân hàng Nhà nước cho biết, cơ quan này đã lấy ý kiến của các bên có liên quan và sẽ trình Chính phủ trong tháng 9 này.

Mobile Money là gì?

Theo Hiệp hội Thông tin di động toàn cầu (GSMA), một dịch vụ được xem là tiền di động khi đáp ứng các tiêu chí sau: Một là, dịch vụ chuyển tiền và thanh toán thông qua điện thoại di động; hai là, cung ứng cho những người chưa có tài khoản ngân hàng; ba là, phải cung cấp ít nhất một trong những sản phẩm chuyển tiền trong nước và/hoặc quốc tế, thanh toán hóa đơn; bốn là, phải có mạng lưới các điểm giao dịch bên ngoài các các chi nhánh ngân hàng và các cây ATM; năm là, các dịch vụ ngân hàng sử dụng điện thoại di động...

Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) thì cho rằng, Mobile Money về bản chất là một dạng của tiền điện tử, trong đó các giao dịch thanh toán và tài chính được thực hiện trên điện thoại di động, có thể trực tiếp hoặc không trực tiếp gắn với tài khoản thanh toán ngân hàng.

Vị lãnh đạo cao cấp Ngân hàng Nhà nước cho biết, đặc điểm mấu chốt phân biệt giữa tiền ngân hàng (bank deposits) với tiền điện tử (e-money) là cơ chế đảm bảo tiền tệ (monetary regimes) đằng sau chúng là khác nhau, với ngân hàng là cơ chế dự trữ một phần (fractional reserves) cho các khoản nhận tiền gửi ngân hàng, còn e-money (ví dụ thẻ trả trước) do ngân hàng phát hành và đảm bảo 100% (tỷ lệ đối ứng 1:1 với số tiền nhận được, quy định này đảm bảo không có số nhân tiền tệ, đảm bảo tiền của khách hàng vẫn được thu hồi, hoàn trả khi tổ chức phát hành gặp khó khăn, mất thanh khoản) cho tiền điện tử do các tổ chức phi ngân hàng (non-bank) phát hành.

“Tại Thông tư 39/TT-2014 về dịch vụ trung gian thanh toán đã định rõ nguyên tắc đảm bảo tỷ lệ 1:1 này”, vị lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nói.

Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Bá Diệp, Phó chủ tịch MoMo cho biết, thanh toán trên di động thế hệ 1.0 có tên gọi Mobile Money là sản phẩm đơn giản nhất của ví điện tử. Sản phẩm này được cung cấp bởi các nhà mạng viễn thông di động (Telcos) lần đầu tiên ở Philippines với ứng dụng Smart Money (2001), GCash (2004); tại Kenya là M-Pesa (2007). Khi MoMo khởi đầu tại Việt Nam vào năm 2010 đã triển khai sản phẩm này. MoMo với Vinaphone tích hợp ứng dụng ví điện tử vào sim điện thoại, dùng tin nhắn (SMS) để chuyển các lệnh đi.

“Thời điểm đó (2001), điện thoại chủ yếu là để nghe gọi bình thường, chưa có điện thoại thông minh, phù hợp với vùng sâu, vùng xa khi người dân chưa tiếp cận được với Internet, đồng thời không có tài khoản ngân hàng thì Mobile Money sẽ hiệu quả vì chỉ dùng tin nhắn”, ông Diệp phân tích.

Cũng theo ông Diệp, Mobile Money sẽ khó phát triển tiếp vì sim điện thoại di động có dung lượng rất nhỏ, như thời điểm khởi đầu của MoMo chỉ là 128 kb, giao diện không thân thiện và không thể cập nhật ứng dụng trên sim điện thoại. Hiện tại, thanh toán trên di động của MoMo là thế hệ 3.0 - nền tảng thanh toán đa dịch vụ trên di động và đang trên chặng đường hoàn thiện thế hệ 4.0 - Super App (siêu ứng dụng).

“70% khách hàng mong muốn nhà cung cấp dịch vụ phải hiểu được nhu cầu và kỳ vọng của họ. Khách hàng mong muốn có một ứng dụng trên di động ‘one stop shopping’ (nơi có thể mua mọi thứ - PV) đáp ứng các nhu cầu thiết yếu hàng ngày”, ông Diệp nói.

Cần sớm cởi bỏ “nút thắt”

Chia sẻ lý do chưa khai thác thị trường tại vùng sâu, vùng xa, ông Diệp cho biết, MoMo đã sẵn sàng, nhưng còn vướng quy định “ví điện tử phải kết nối tài khoản ngân hàng”. Đây là điều khó giải quyết ở thời điểm này vì ở vùng sâu, vùng xa không dễ dàng có các ngân hàng hoạt động.

Vị lãnh đạo cao cấp Ngân hàng Nhà nước thừa nhận: “Việc phải liên kết với tài khoản ngân hàng làm giảm cơ hội tiếp cận/sử dụng ví điện tử nói riêng và phổ cập thanh toán không dùng tiền mặt, thúc đẩy tài chính toàn diện tại các địa phương trên toàn quốc nói chung, đặc biệt là các địa phương còn thiếu độ phủ của hệ thống ngân hàng”.

Trao đổi giữa Báo Đầu tư Chứng khoán với lãnh đạo các công ty trung gian thanh toán cho thấy, các công ty này đều chung đề xuất thử nghiệm chương trình cho phép nạp/rút tiền mặt ví điện tử không qua tài khoản thanh toán tại ngân hàng, tức là cho phép các trung gian thanh toán mở thử nghiệm một loại ví riêng biệt cho đối tượng khách hàng không có tài khoản ngân hàng, tạm gọi là “ví dùng thử” hay “ví nhiều cấp độ”

“Với loại hình ví nhiều cấp độ, mỗi cấp độ sẽ có mức độ rủi ro, cơ chế kiểm soát khác nhau, đáp ứng nhu cầu tương ứng của từng đối tượng khách hàng. Cụ thể, khách hàng có nhu cầu cơ bản, các giao dịch có mức độ rủi ro thấp, thì các điều kiện mở ví đơn giản. Khi khách hàng có nhu cầu cao hơn và các giao dịch có mức độ rủi ro nhiều hơn, thì điều kiện mở ví sẽ chặt chẽ hơn để kiểm soát rủi ro tốt hơn”, lãnh đạo một trung gian thanh toán phân tích.

“Hy vọng mọi việc sẽ dễ dàng hơn khi Ngân hàng Nhà nước cho phép triển khai eKYC (mở tài khoản ngân hàng điện tử) và các đơn vị làm đại lý ngân hàng được phép để khách hàng mở eKYC đến các địa điểm đó nạp tiền, rút tiền. Theo đó, người dân vùng sâu, vùng xa cũng sẽ dễ dàng, thuận tiện hơn trong việc tiếp cận nền tảng thanh toán đa dịch vụ trên di động”, ông Diệp kỳ vọng.

Mỗi ngày có 1,9 tỷ USD được giao dịch qua Mobile Money

Theo GSMA, tính đến cuối năm 2019, có 95 nước trên thế giới đã triển khai Mobile Money với hơn 1 tỷ tài khoản đã đăng ký, trong đó Đông Á và Thái Bình Dương là khu vực tăng trưởng nhanh nhất.

Hiện nay, giá trị giao dịch Mobile Money trên toàn cầu lên tới 1,9 tỷ USD mỗi ngày, tốc độ tăng trưởng bình quân 20%/năm. Những con số này cho thấy, Mobile Money đang trở thành xu hướng trong ngành tài chính của thế giới, nhất là tại các quốc gia thu nhập thấp.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục