Mức giao dịch tối đa 10 triệu đồng/tháng/tài khoản
Theo Nghị quyết 84/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư vừa được ban hành ngày 29/5/2020, Mobile Money sẽ được cấp phép thí điểm theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ giá trị nhỏ.
Được biết, trong đề án được Ngân hàng Nhà nước trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đối với nghiệp vụ nạp tiền, quy định nạp tiền mặt vào tài khoản Mobile Money phải được thực hiện tại các điểm kinh doanh (được hiểu là các đơn vị phụ thuộc, hạch toán phụ thuộc của doanh nghiệp viễn thông, hoặc các điểm bán được doanh nghiệp viễn thông ủy quyền theo quy định pháp luật);
Nạp tiền vào tài khoản Mobile Money thông qua nghiệp vụ chuyển tiền từ tài khoản thanh toán của khách hàng (chủ tài khoản Mobile Money) tại ngân hàng; nạp tiền vào tài khoản Mobile Money từ ví điện tử của khách hàng (chủ tài khoản Mobile Money) tại chính doanh nghiệp viễn thông cung ứng dịch vụ ví điện tử;
Đối với nghiệp vụ rút tiền, phải thực hiện rút tiền mặt từ tài khoản Mobile Money tại các điểm kinh doanh; rút tiền từ tài khoản Mobile Money thông qua nghiệp vụ chuyển tiền từ tài khoản Mobile Money sang tài khoản thanh toán của khách hàng (chủ tài khoản Mobile Money) tại ngân hàng; rút tiền từ tài khoản Mobile Money về ví điện tử của khách hàng (chủ tài khoản Mobile Money) tại chính doanh nghiệp viễn thông cung ứng dịch vụ ví điện tử.
Tương tự như vậy đối với nghiệp vụ thanh toán mua hàng hóa, dịch vụ cho đơn vị chấp nhận thanh toán bằng tài khoản Mobile Money.
Liên quan đến nghiệp vụ chuyển tiền, đề án quy định chuyển tiền giữa các tài khoản Mobile Money của khách hàng trong cùng hệ thống của doanh nghiệp viễn thông; chuyển tiền giữa tài khoản Mobile Money của khách hàng với tài khoản thanh toán tại ngân hàng; chuyển tiền giữa tài khoản Mobile Money với ví điện tử do chính doanh nghiệp viễn thông cung ứng.
Đáng chú ý, hạn mức giao dịch tối đa 10 triệu đồng/tháng/tài khoản Mobile Money cho tổng tất cả các giao dịch rút tiền, chuyển tiền và thanh toán.
Mỗi khách hàng chỉ được mở 01 tài khoản Mobile Money tại mỗi doanh nghiệp viễn thông được phép triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money.
Bên cạnh đó, đề án cũng nêu rõ các nghiệp vụ bị cấm như sử dụng các kênh, hình thức khác (ngoài các kênh, hình thức nạp tiền, rút tiền đã được quy định tại các điểm trên) để nạp tiền vào/rút tiền ra từ tài khoản Mobile Money;
Sử dụng tài khoản Mobile Money cho các nghiệp vụ khác ngoài các nghiệp vụ nạp tiền, rút tiền, thanh toán, chuyển tiền tuân thủ quy định pháp luật hiện hành được quy định tại các điểm trên.
Việc cấp tín dụng cho khách hàng sử dụng dịch vụ Mobile Money, trả lãi trên số dư tài khoản Mobile Money, hoặc bất kỳ hành động nào có thể làm tăng giá trị tiền tệ trên tài khoản Mobile Money so với giá trị tiền khách hàng đã nạp vào tài khoản cũng bị cấm. Không được lợi dụng dịch vụ Mobile Money thực hiện hoạt động ngân hàng như cho vay, huy động…
Đương nhiên, việc sử dụng tài khoản Mobile Money để thực hiện các giao dịch cho mục đích rửa tiền, tài trợ khủng bố, lừa đảo, gian lận và các hành vi vi phạm pháp luật khác là không được phép.
Vấn đề thuê, cho thuê, mượn, cho mượn, trao đổi, cho, tặng tài khoản Mobile Money cũng bị cấm.
Không ưu tiên triển khai tại các thành phố
Đối với cơ chế đảm bảo khả năng thanh toán, đề án quy định doanh nghiệp viễn thông phải mở tài khoản đảm bảo thanh toán tại ngân hàng và số dư trên các tài khoản đảm bảo thanh toán phải được duy trì không thấp hơn so với tổng số dư tất cả các tài khoản Mobile Money của các khách hàng tại cùng một thời điểm; xây dựng cơ chế xử lý rủi ro về thanh khoản để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng.
Tài khoản đảm bảo thanh toán cho dịch vụ Mobile Money phải được tách bạch, riêng biệt với các tài khoản thanh toán khác của doanh nghiệp viễn thông mở tại ngân hàng (tài khoản đảm bảo thanh toán cho dịch vụ ví điện tử, hỗ trợ thu hộ, chi hộ, tài khoản thanh toán phí, tài khoản trả lương và các tài khoản phục vụ cho mục đích khác của doanh nghiệp viễn thông).
Bên cạnh đó, doanh nghiệp viễn thông phải xây dựng công cụ để Ngân hàng Nhà nước, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an kiểm tra, giám sát theo thời gian thực tổng số dư của các tài khoản Mobile Money và số tiền trên các tài khoản đảm bảo thanh toán cho dịch vụ Mobile Money của doanh nghiệp viễn thông mở tại ngân hàng.
Doanh nghiệp viễn thông phải đảm bảo phản ánh đầy đủ thông tin về các tài khoản Mobile Money của khách hàng trên công cụ và chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của các thông tin cung cấp trên công cụ.
Theo đề án, phạm vi thực hiện thí điểm Mobile Money dành cho khách hàng cá nhân phải có thông tin chứng minh nhân dân/căn cước công dân/hộ chiếu trùng với thông tin đăng ký SIM thuê bao di động của khách hàng và được doanh nghiệp viễn thông định danh, xác thực; SIM thuê bao di động phải có thời gian kích hoạt và sử dụng liên tục từ 3 tháng trở lên tính đến thời điểm đăng ký mở và sử dụng dịch vụ Mobile Money; có nơi đăng ký hộ khẩu thường trú không thuộc đô thị loại đặc biệt, loại I, loại II, loại III, loại IV được quy định tại Nghị định số 42/2009/NĐ-CP về việc phân loại đô thị.
Tham gia cung ứng dịch vụ sẽ chỉ dành cho doanh nghiệp có giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán ví điện tử và giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng di động mặt đất sử dụng băng tần số vô tuyến điện, hoặc là công ty con được công ty mẹ có giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng di động mặt đất sử dụng băng tần số vô tuyến điện cho phép sử dụng hạ tầng, mạng lưới, dữ liệu viễn thông.
Các doanh nghiệp viễn thông chỉ được phép cung cấp dịch vụ Mobile Money để chuyển tiền, thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ hợp pháp tại Việt Nam theo quy định của pháp luật hiện hành phục vụ cho nhu cầu cuộc sống người dân.
Việc triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money chỉ áp dụng đối với giao dịch nội địa hợp pháp theo quy định pháp luật Việt Nam bằng đồng Việt Nam, không thực hiện thanh toán/chuyển tiền bằng ngoại tệ, thanh toán/chuyển tiền quốc tế và thanh toán cho các dịch vụ cung cấp xuyên biên giới.
Đề án cũng nêu rõ chủ trương doanh nghiệp viễn thông phải ưu tiên triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money tại các địa bàn thuộc khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo của Việt Nam để phục vụ đối tượng khách hàng được quy định trong nội dung trên.
Nội dung đề án cần thể hiện rõ lộ trình (6 tháng, 1 năm, 2 năm), kế hoạch triển khai tại các khu vực cụ thể và mức độ tiếp cận, phát triển dịch vụ Mobile Money tại các địa bàn nông thông, miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo đã được doanh nghiệp viễn thông lựa chọn.