Chứng khoán thế giới: Nỗi sợ giảm dần
Thị trường chứng khoán Mỹ vừa ghi nhận tuần giao dịch trồi sụt. Đầu tuần, thị trường lao dốc khi câu chuyện suy thoái được nhà đầu tư nhắc lại sau báo cáo việc làm tháng 7/2024, cho thấy tỷ lệ thất nghiệp cao hơn dự kiến là 4,3%. Sau đó, áp lực bán giảm dần, chỉ số chung hồi phục khi tâm lý nhà đầu tư được giải tỏa sau dữ liệu đơn xin trợ cấp thất nghiệp thấp hơn dự báo. Dù vậy, khép lại phiên giao dịch thứ Năm, chỉ số S&P 500 giảm 0,5%, Dow Jones và Nasdaq Composite đều giảm 0,7% so với cuối tuần trước đó.
Chỉ số biến động Cboe đo lường tâm lý giao dịch đã giảm xuống 23, từ mức 65 phiên đầu tuần, cho thấy nỗi sợ hãi của các nhà đầu tư giảm bớt, sau khi có những phản ứng thái quá - bán tháo tất cả các tài sản tài chính.
Các chuyên gia và nhà đầu tư đang mổ xẻ các dữ liệu vĩ mô và đánh giá khả năng suy thoái đối với nền kinh tế Mỹ vẫn ở mức thấp thấp. Sau 6 tháng đầu năm 2024 tăng trưởng mạnh, kinh tế nước này có thể ghi nhận tăng trưởng thấp hơn trong quý III.
Đứng trên góc độ doanh nghiệp, “ông lớn” vận tải hàng hóa Maersk - doanh nghiệp được lấy làm thước đo cho thương mại toàn cầu cho biết, họ không thấy dấu hiệu suy thoái tại Mỹ khi nhu cầu vận chuyển vẫn mạnh mẽ. Hàng tồn kho của các doanh nghiệp xứ Cờ hoa hiện cao hơn so với đầu năm, nhưng không ở mức đáng lo ngại, không cho thấy nguy cơ suy thoái đáng kể sắp xảy ra.
Trong khi đó, JPMorgan Chase & Co. nhận xét, có 35% khả năng kinh tế Mỹ sẽ suy thoái vào cuối năm nay, tăng so với mức 25% thời điểm đầu tháng trước và hiện chỉ thấy 30% khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các “đồng nghiệp” sẽ giữ lãi suất ở mức cao trong thời gian dài, so với đánh giá 50 - 50 cách đây 2 tháng.
Thị trường chứng khoán châu Á sau khi bị bán mạnh trong phiên đầu tuần đã hồi phục theo xu hướng chung. Dù vậy, chỉ số Nikkei 225 và Topix của Nhật Bản ghi nhận một tuần giảm điểm. Thị trường Trung Quốc có diễn biến trái chiều khi chỉ số Shanghai Composite giảm hơn 0,8%, chỉ số blue chip CSI 300 giảm hơn 0,6%, chỉ số Hang Seng tăng 1,6%. Cũng như các quốc gia xuất khẩu khác, doanh nghiệp xuất khẩu của Trung Quốc được lợi từ việc đồng nội tệ mất giá so với USD và thúc đẩy khả năng xuất khẩu. Tuy nhiên, sau khi liên tục suy yếu trong nửa đầu năm nay, đồng nhân dân tệ ở nước ngoài đã mạnh lên so với đồng USD trong tháng qua.
Xét về vận động các loại tài sản, thị trường trái phiếu Mỹ đã có những biến động đáng chú ý trước kỳ vọng Fed sắp cắt giảm lãi suất. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm có thời điểm giảm về mức 3,7%/năm, thấp nhất kể từ tháng 6/2023, khi các nhà đầu tư tìm nơi trú ẩn an toàn. Sau dữ liệu về đơn xin trợ cấp thất nghiệp gần nhất, lợi suất trái phiếu hồi phục và giữ ở quanh mức 3,97%/năm.
Giá dầu ổn định trở lại sau 2 tuần ghi nhận nhiều biến động chung cùng thị trường tài chính, khi các nhà đầu tư đánh giá khả năng suy thoái kinh tế Mỹ bị thổi phồng và tâm điểm tiếp tục nằm ở căng thẳng địa chính trị giữa Iran và Israel. Dầu West Texas Intermediate được giao dịch quanh mức 76 USD/thùng, dầu Brent trên mức 79 USD/thùng.
Tại Mỹ, lượng dầu thô tồn kho giảm 3,73 triệu thùng, đưa lượng dầu tồn kho xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2/2024. Lượng dầu tồn kho giảm trong tuần thứ 6 liên tiếp, chuỗi giảm dài nhất kể từ tháng 1/2022, cho thấy nhu cầu về dầu vẫn mạnh mẽ, dù phải đối mặt với nguy cơ nhu cầu sẽ yếu đi ở Trung Quốc và cả Mỹ trong quý III/2024, cũng như khả năng bổ sung nguồn cung từ OPEC+.
Chứng khoán Việt Nam: Ngưỡng hỗ trợ được duy trì
Thị trường chứng khoán Việt Nam khép lại một tuần giao dịch đầy biến động theo xu hướng chung của thị trường chứng khoán toàn cầu. Dù hồi phục tích cực trong phiên cuối tuần, nhưng tính chung, VN-Index ghi nhận giảm 12,96 điểm (1,06%), đóng cửa tại 1.223,64 điểm.
VN-Index tăng điểm tích cực trong phiên gần nhất, nhưng thanh khoản vẫn là yếu tố chưa được cải thiện. Diễn biến hồi phục trong những phiên cuối tuần thể hiện rõ nỗ lực hãm đà giảm ngắn hạn. Trong một xu thế vận động, dù đó là nhịp giảm hay tăng sẽ khó có thể duy trì liên tục mà không có các chặng nghỉ và tích lũy. Chính vì vậy, cơ hội đang được dành cho cả 2 kịch bản gồm đảo chiều hoặc đơn thuần chỉ là một nhịp tích lũy, hồi phục kỹ thuật trước khi đà giảm quay trở lại.
Ở kịch bản tích cực, vùng hỗ trợ 1.200 - 1.220 điểm được giữ vững và vùng cản cần chinh phục để lấy lại tín hiệu tích cực rõ ràng hơn sẽ ở quanh ngưỡng 1.240 điểm (MA20). Đi cùng với đó, chỉ số cần hội tụ những động lượng đủ mạnh đến từ sự hỗ trợ của nhóm vốn hóa lớn và sự hưởng ứng của lực cầu chủ động trên diện rộng các cổ phiếu toàn thị trường. Đặc biệt, hiện tại đang giống như mỏ neo tâm lý để duy trì nắm giữ cổ phiếu hơn là triển khai dần các vị thế mua mới.
Đối chiếu với trạng thái của phiên tăng cuối tuần có thể thấy manh nha những tín hiệu trên, nhưng điểm trừ nằm ở thanh khoản vẫn còn ở mức thấp. Trong bối cảnh lực cung được tiết giảm, sức mua ngắn hạn chưa thực sự mạnh, chưa có cơ sở thuyết phục để khẳng định xu thế đảo chiều trở lại.
Các chỉ báo định lượng ghi nhận hồi phục tốt hơn trong phiên cuối tuần, nhưng cũng ủng hộ quan điểm cần thêm sự quan sát với các chỉ báo về đà tăng của nhóm vốn hóa lớn, cũng như khả năng hình thành xu thế mua mạnh hơn của lực cầu.
Thanh khoản thấp thể hiện lực cầu chưa hoàn toàn tự tin và đủ thuyết phục, nhưng điểm sáng được thể hiện trên chỉ báo tâm lý thị trường là đà lan tỏa đã có xu hướng cắt lên MA10, đồng thời MA10 giảm độ dốc và dần đi ngang. Điều này cho thấy, dù chưa khẳng định VN-Index đảo chiều tạo đáy, nhưng mở ra kỳ vọng vùng đáy sẽ sớm xuất hiện.
Đáng lưu ý, tuần giao dịch mới là tuần đáo hạn hợp đồng phái sinh kỳ hạn gần nhất, thường xuất hiện nhiều biến động về xu thế trên cả thị trường phái sinh và thị trường cơ sở. Tuy nhiên, đây sẽ là cơ hội để kiểm tra vai trò dẫn dắt và định hướng của nhóm vốn hóa lớn đối với tổng thể xu thế thị trường. Nếu vận động hồi phục của thị trường được giữ vững xuyên suốt chuỗi rung lắc trong tuần đáo hạn phái sinh thì có thể thấy ý chí hồi phục của thị trường là rất mạnh, từ đó tạo cơ sở cho các vị thế ngắn hạn quay trở lại.
Theo đó, chiến lược quan sát cần được duy trì đối với các vị thế mua mới trong ngắn hạn. Những chuyển biến tích cực trong phiên cuối tuần qua có thể được coi là cơ hội để nhà đầu tư nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu yếu ở mức cao thực hiện tái cơ cấu danh mục. Các vị thế có tầm nhìn trung và dài hạn đang đứng trước cơ hội hấp dẫn nên chú ý những nhịp điều chỉnh sâu trong ngắn hạn để tích lũy, nhất là đối với các cổ phiếu tiềm năng nhờ nền tảng nội tại vững vàng.