Kịch bản đầu tư thời thị trường bất định

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong khi tâm lý nhà đầu tư thận trọng, dòng tiền suy yếu thì thị trường chứng khoán bất ngờ đón nhận thông tin Việt Nam xuất hiện ca nhiễm Covid-19 mới trong cộng đồng, tạo nên nỗi lo ngại về tương lai thị trường và triển vọng kinh tế.
Kịch bản đầu tư thời thị trường bất định

“Cú bồi” tâm lý

Thời gian qua, giới đầu tư kỳ vọng Việt Nam sau khi thành công trong việc kiểm soát dịch có thể sớm khôi phục các chuyến bay quốc tế. Nhưng với việc xuất hiện ca nhiễm bệnh mới, thời gian khôi phục các chuyến bay nhiều khả năng sẽ kéo dài hơn.

Dịch bệnh nếu tái bùng phát sẽ tiếp tục tác động tới hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp nói chung, các doanh nghiệp niêm yết nói riêng trong những tháng còn lại của năm 2020.

Trước đó, sau giai đoạn thị trường chứng khoán giao dịch giằng co với các thông tin kỳ vọng ngày một hạn chế, giới đầu tư thận trọng với mùa công bố báo cáo tài chính quý II/2020.

Thực tế, thị trường đón nhận những thông tin khả quan về mùa báo cáo kết quả kinh doanh. Theo thống kê của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, hiện có 413 doanh nghiệp công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý II/2020, chiếm 24% tổng số công ty đang giao dịch trên 3 sàn.

Trong đó, có 347 doanh nghiệp báo lãi (chiếm 83% số công bố), gồm 20 doanh nghiệp thực hiện vượt kế hoạch lợi nhuận cả năm sau 6 tháng; ngược lại, có 66 doanh nghiệp báo lỗ.

Tuy số lượng doanh nghiệp báo lãi chiếm áp đảo, nhưng nhiều nhà đầu tư quan ngại tình trạng “tin tốt thường được công bố sớm”, các doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh sau có thể tệ hại so với cùng kỳ năm ngoái.

Đáng chú ý, tổng lợi nhuận quý II/2020 của 413 doanh nghiệp đạt 19.584 tỷ đồng, giảm 8% so với cùng kỳ năm 2019.

Thống kê theo ngành, duy nhất ngành dịch vụ tài chính tăng trưởng lợi nhuận ròng quý II so với cùng kỳ năm trước, với mức tăng 53,8%, còn lại tất cả các ngành khác như dầu khí, bất động sản, viễn thông, bán lẻ, công nghệ thông tin, du lịch và giải trí… đều có lợi nhuận suy giảm.

Về cơ bản, bức tranh tài chính quý II/2020 không có nhiều điểm sáng, các doanh nghiệp tiếp tục đối mặt với khó khăn, đặc biệt là không ít doanh nghiệp vốn hoá lớn, doanh nghiệp trong những ngành bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch bệnh như hàng không, logistics, vận tải, thuỷ sản… vẫn chưa công bố báo cáo.

Kịch bản đầu tư thời thị trường bất định ảnh 1

Top cổ phiếu tác động đến VN-Index từ ngày 20 - 27/7/2020.

Sau khi đón nhận thông tin về ca nhiễm Covid-19 mới, lực bán gia tăng trên diện rộng, thị trường chứng khoán bị bán tháo trong cuối tuần qua và đầu tuần này, VN-Index đánh rơi hai ngưỡng hỗ trợ quan trọng tại 816 điểm và 800 điểm.

Riêng phiên giao dịch ngày 27/7, VN-Index giảm 43,99 điểm, về mức 785,17 điểm. Trước lo ngại dịch bệnh Covid-19 quay trở lại, thị trường phản ứng tiêu cực với tâm lý bi quan bao trùm, không ít cổ phiếu giảm giá sàn và trắng bên mua (sàn HOSE có 152 mã giảm giá sàn trong tổng số 377 mã giảm giá).

Kịch bản đầu tư thời thị trường bất định ảnh 2

Diễn biến chỉ số VN-Index.

Bên cạnh những nhà đầu tư bán chủ động để phòng ngừa kịch bản giảm điểm tiếp theo của thị trường là một bộ phận nhà đầu tư bán theo đám đông, cũng như áp lực phải bán để trả nợ do giao dịch ký quỹ (margin).

Hai chiến lược đầu tư

Các yếu tố kỳ vọng trong thời gian tới hiện chưa rõ ràng. Với yếu tố thị trường Kuwait được nâng hạng, Việt Nam có thể đón nhận một làn sóng mua vào do nhà đầu tư ngoại tăng tỷ trọng tại rổ thị trường cận biên. Tuy nhiên, thực tế kể từ khi thị trường hồi phục, khối ngoại vẫn có xu hướng bán ròng.

Trong khi câu chuyện kỳ vọng chưa rõ ràng thì khó khăn, thách thức có dấu hiệu gia tăng, nhất là dịch bệnh Covid-19. Điều này khiến nhà đầu tư thiếu niềm tin vào triển vọng của thị trường.

Trong bối cảnh thị trường bất định, giới đầu tư có kinh nghiệm thường chọn lựa một trong hai chiến lược đầu tư sau.

Thứ nhất, giảm lượng cổ phiếu nắm giữ, gia tăng lượng tiền mặt để phòng ngừa trường hợp thị trường có diễn biến xấu, cũng như có nguồn lực bắt đáy sau khi thị trường giảm sâu.

Thứ hai, giảm tỷ trọng nhóm cổ phiếu thị trường, mua vào một phần nhóm cổ phiếu phòng thủ như điện, nước, cũng như nhóm cổ phiếu duy trì tỷ lệ cổ tức ở mức cao.

Cơ hội chuẩn bị tiền mặt để bắt đáy

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư, Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng

Kịch bản đầu tư thời thị trường bất định ảnh 3

Thị trường về trung và dài hạn đang phát đi tín hiệu rủi ro, tiếp tục giảm điểm. Trong ngắn hạn, thị trường có thể sẽ hồi phục kỹ thuật để tạo hy vọng cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, hy vọng trên thị trường chứng khoán thường tạo nên nỗi thất vọng lớn hơn.

Giai đoạn vừa qua, thị trường được hỗ trợ bởi nhà đầu tư mới (F0), tuy nhiên, những nhà đầu tư lớn có động thái bán ra. Chỉ số VN-Index kể từ thời điểm chạm 900 điểm, vùng kháng cự dài hạn nhiều năm, có áp lực bán mạnh hơn.

Không phải tới thời điểm ca nhiễm Covid-19 mới ở Đà Nẵng được công bố, nhiều nhà đầu tư lớn đã thoát hàng từ trước. Việc tin xấu xuất hiện, lực bán gia tăng chỉ là khẳng định xu hướng dài hạn khó khăn.

Nhà đầu tư nên tận dụng các nhịp hồi phục sắp tới để giảm tỷ trọng cổ phiếu. Đây là giai đoạn tiền mặt là vua. Việc chuẩn bị tiền mặt sẽ là cơ sở cho nhà đầu tư có thể bắt đáy khi thị trường về vùng giá hấp dẫn.

Chờ các thông tin tích cực hơn

Ông Huỳnh Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc, Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đông Á

Kịch bản đầu tư thời thị trường bất định ảnh 4

Chứng khoán Việt Nam giảm điểm do cú sốc thông tin ca nhiễm Covid-19 mới ngoài cộng đồng. Tuy nhiên, nếu so với thế giới thì ca nhiễm như vậy khá bình thường, đặc biệt số ca nhiễm ở Mỹ vẫn tăng lên từng ngày, lên tới hàng vạn người. Mức độ ảnh hưởng của ca nhiễm bệnh mới đến nền kinh tế Việt Nam sẽ không quá lớn.

Giới đầu tư đang phản ứng thái quá bởi vì nhiều người sử dụng giao dịch ký quỹ (margin), cũng như nắm giữ danh mục cổ phiếu đầu cơ chiếm tỷ trọng cao. Chính vì vậy, khi thị trường đón tin xấu, nhóm nhà đầu tư này phải xem xét lại danh mục và bán ra những cổ phiếu có độ biến động mạnh, ảnh hưởng đến tâm lý của những nhà đầu tư khác.

Tuy nhiên, theo phân tích kỹ thuật, sau 2 phiên bán tháo, nhiều cổ phiếu đã về vùng quá bán, rẻ hơn đáng kể so với giai đoạn trước. Thậm chí, không ít mã giảm 20% chỉ sau 3 phiên. Điều này mở ra cơ hội cho nhà đầu tư.

Về dài hạn, thị trường vẫn có nhiều yếu tố tích cực khi trên thế giới, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chủ trương duy trì lãi suất thấp tới năm 2021, Ngân hàng Trung ương châu Âu có gói hỗ trợ kinh tế 750 tỷ Euro, hay Nhật Bản hỗ trợ các doanh nghiệp dịch chuyển nhà máy sang Việt Nam… Trong nước, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Việt Nam vẫn mở rộng so sự thu hẹp của nhiều quốc gia.

Trong ngắn hạn, thị trường nhiều khả năng sẽ bước vào giai đoạn giao dịch chờ tin. Cụ thể, sau đợt sụt giảm, chỉ số sẽ hồi phục và đi ngang, chờ thông tin. Tùy thuộc vào mức độ tác động của các thông tin mà thị trường sẽ tăng hoặc giảm.

Trong những phiên hồi phục sắp tới, nhà đầu tư có tỷ lệ margin, tỷ lệ cổ phiếu đầu cơ cao có thể giảm tỷ trọng về mức an toàn, đồng thời dịch chuyển danh mục sang nhóm cổ phiếu có triển vọng như bất động sản khu công nghiệp, các ngành thiết yếu như dược phẩm. Đối với nhà đầu tư đã thoát hàng giai đoạn trước đó có thể mua thăm dò lướt sóng T+ và chờ các thông tin tích cực hơn về việc kiểm soát dịch.

Hạc Hiên

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,290.18 7.09 0.55% 258,687 tỷ
HNX 243.92 1.07 0.44% 1,863 tỷ
UPCOM 91.48 0.35 0.39% 587 tỷ