Khủng hoảng truyền thông chính sách: Điểm trừ của thị trường chứng khoán Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tuần đầu tháng 6, câu chuyện về những yếu kém của hệ thống giao dịch HOSE ồn ào trên báo chí, trên mạng xã hội cả trong và ngoài nước. Sự phẫn nộ của cộng đồng nhà đầu tư lên đến đỉnh điểm, trong khi những vấn đề này lẽ ra phải được dự báo và tháo ngòi từ trước.
Xây được cây cầu giữa cơ quan quản lý với công luận, khủng hoảng truyền thông chính sách khó đi xa. Xây được cây cầu giữa cơ quan quản lý với công luận, khủng hoảng truyền thông chính sách khó đi xa.

Sự đáng tiếc trong xử lý khủng hoảng

Tình trạng nghẽn lệnh, bảng đơ, giá chứng khoán và các chỉ số hiển thị loạn xị bùng phát từ tháng 12/2020 và càng ngày càng trầm trọng hơn trên hệ thống giao dịch của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE).

Để chữa căn bệnh này, cơ quan quản lý thị trường chứng khoán và HOSE đã triển khai các giải pháp như nâng lô giao dịch tối thiểu từ 10 lên 100 cổ phiếu, cơi nới hệ thống giao dịch và gần đây là hạn chế hủy, sửa lệnh...

Lẽ ra, sau những giải pháp trên, hệ thống giao dịch của HOSE phải thông suốt, nhưng trái lại, tình trạng nghẽn lệnh, bảng đơ ngày càng nặng hơn. Chưa kể, việc thông tin không đầy đủ cho thị trường trước mỗi lần “bốc thuốc” mới của cơ quan quản lý thị trường chứng khoán đã khiến nhiều nhà đầu tư bị động trong giao dịch chứng khoán, chịu rủi ro mất tiền lớn, nên nỗi bức xúc của nhà đầu tư cứ tăng dần và bùng nổ.

Đáng tiếc là không ít thành viên tâm huyết với thị trường, giới chuyên gia và cả cơ quan truyền thông đều mong muốn góp phần xử lý khủng hoảng truyền thông trên thị trường chứng khoán nhưng chủ thể chính là HOSE và các cơ quan quản lý lại không lắng nghe.

Việc xử lý truyền thông một cách giật cục khiến câu chuyện ngày một vượt tầm kiểm soát, tạo ra điểm trừ lớn trên bức tranh tích cực mà ngành chứng khoán nỗ lực tạo ra suốt hơn 20 năm qua.

Với những người am hiểu ngành chứng khoán, có lẽ đây chỉ là hậu quả của cơ chế hoạt động, phân quyền đã tồn tại từ lâu trong ngành, chứ không hẳn do ban lãnh đạo hiện nay gây ra. Song điều đáng trách ở đây là cách đối mặt và xử lý vấn đề.

Một nguồn tin chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, từ tháng 4 - 5/2020, ngành chứng khoán đã nhận thấy những bất ổn của hệ thống giao dịch trên HOSE và có báo cáo lên cơ quan cấp trên, tuy nhiên chỉ nhận được câu trả lời “cứ để theo dõi thêm”.

Đến khi thị trường chứng khoán trở thành điểm trũng hút vốn đầu tư thời đại dịch thì các bất ổn của hệ thống giao dịch chứng khoán của HOSE mới bộc lộ hết và các giải pháp vá víu được thực thi không giải quyết được vấn đề.

Chủ quan mà nói, điều này có thể dự báo trước, bởi nhìn ra thế giới, các thị trường chứng khoán phát triển, từ Mỹ, châu Âu, đến các thị trường trong khu vực đều có những giai đoạn bùng nổ về điểm số và thanh khoản. Nhưng khả năng dự báo và sự chủ động của các cơ quan quản lý ngành chứng khoán đã không theo kịp để có kịch bản chủ động ứng phó.

Sự im lặng kéo dài của cơ quan quản lý, thiếu thông tin về một vấn đề trọng yếu của thị trường khiến câu chuyện ngày càng trở nên phức tạp.

Còn về khách quan, sự im lặng kéo dài của cơ quan quản lý, thiếu thông tin về một vấn đề trọng yếu của thị trường khiến câu chuyện ngày càng trở nên phức tạp.

Rất nhiều sự vô lý, nhiều câu hỏi được đặt ra nhưng không được giải đáp đã khiến nhiều nhà đầu tư có cảm tưởng rằng một bàn tay vô hình đang điều khiển bảng điện và hệ thống giao dịch của HOSE. Minh bạch, nguyên tắc số 1 trên thị trường chứng khoán đã không được thực thi kịp thời trong câu chuyện này.

Quan sát thị trường Việt Nam từ Anh quốc và nhìn trong một bức tranh chung với các thị trường chứng khoán thế giới, chuyên gia Hồ Quốc Tuấn, giảng viên Trường Đại học Bristol nhận xét, lẽ ra, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và HOSE phải đưa ra một báo cáo về tình hình “nghẽn lệnh” của HOSE một cách thường xuyên để nhà đầu tư biết trước và có những tính toán phù hợp về rủi ro trong trường hợp thị trường tăng, giảm mạnh mà nghẽn lệnh thì hệ quả là gì.

Việc thỉnh thoảng đưa ra một vài thông tin và im lặng thời gian dài với những thông tin trọng yếu sẽ dễ dẫn đến tình trạng “tập kích thị trường”, nhà đầu tư không có sự chuẩn bị để ứng phó với rủi ro từ hệ thống giao dịch trục trặc.

Tìm cây cầu kết nối cơ quan quản lý với công luận

Trong một cuộc trò chuyện của người viết với cán bộ cơ quan quản lý, những người am hiểu và nắm bắt thông tin ngọn ngành về câu chuyện của ngành, điểm yếu về truyền thông chính sách trong vụ việc nghẽn lệnh trên HOSE được họ thừa nhận.

Đó là sự thiếu thông tin, thông tin được đưa ra không đồng bộ giữa các cơ quan truyền thông, không có các cuộc gặp được cơ quan quản lý thị trường chứng khoán tổ chức để giải đáp, chia sẻ rộng rãi các vấn đề mà hệ thống HOSE đang gặp phải, các giải pháp đã áp dụng, đang được xem xét áp dụng...

Thực tế, điều này đã được một số cơ quan truyền thông đồng hành với thị trường khuyến nghị với lãnh đạo cơ quan quản lý, nhưng không được tiếp thu.

Khi bàn về câu chuyện khủng hoảng truyền thông, các chuyên gia của Học viện Sage đã nhấn mạnh: “Biện minh là giọt nước tràn ly”.

Khủng hoảng truyền thông chính sách với thị trường chứng khoán xảy ra và lan rộng nghĩa là niềm tin của dư luận đối với HOSE và cơ quan quản lý đang giảm sút, thì cách giải trình dài dòng, cảm tính chỉ làm cho tình hình càng trở nên tồi tệ.

Bởi lẽ, dư luận không quan tâm đến cảm xúc của cơ quan quản lý thị trường, điều mà họ quan tâm chính là dữ liệu và phương pháp lập luận của các cơ quan này, chẳng hạn hệ thống có thể chịu tải như thế nào, thực tế đã vượt mức chịu tải ra sao, tại sao lại áp dụng các giải pháp này để xử lý mà không phải là giải pháp khác...

Nếu được giải đáp đầy đủ, rõ ràng về những vấn đề của hệ thống giao dịch, các giải pháp khắc phục và chứng minh không có khả năng có yếu tố can thiệp chủ quan vào hệ thống giao dịch (nếu được), chắc chắn nhà đầu tư sẽ thấu hiểu, thông cảm và đồng hành với cơ quan quản lý thị trường.

“Ngã ở đâu, đứng lên ở đó”, cơ quan quản lý cần bắt đầu bằng việc trả lời thẳng thắn, trực diện vào các câu hỏi gửi đến HOSE và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Phải đưa ra thông tin đầy đủ, dễ hiểu, rạch ròi, có khả năng phản ánh được toàn bộ bản chất sự việc.

Điều quan trọng hơn hết trong sợi dây liên kết thông tin giữa HOSE và báo chí, cộng đồng nhà đầu tư chính là xây dựng mối thiện cảm thông qua ngôn ngữ của người đứng đầu, người phát ngôn. Cách nói chừng mực, thể hiện sự tôn trọng của HOSE dành cho báo chí, cho nhà đầu tư chính là yếu tố quan trọng để thông điệp được truyền đi trọn vẹn.

Tóm lại, sự minh bạch, cầu thị, chân thành từ cơ quan quản lý thị trường chính là cây cầu kết nối cơ quan quản lý thị trường với công luận, giới đầu tư. Xây được cây cầu đó, khủng hoảng truyền thông chính sách khó đi xa.

Lan Hương

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục