Khu vực Vịnh lớn: Kế hoạch kinh tế tham vọng của Trung Quốc

Trung Quốc vừa công bố một kế hoạch kinh tế đầy tham vọng: phát triển Khu vực Vịnh lớn (Greater Bay Area), kết nối Hồng Kông, Macau và 9 thành phố ở phía Nam. Tuy nhiên, các nhà phân tích hoài nghi về khả năng hiện thực hóa mục tiêu này.
Cầu vượt biển dài nhất thế giới tại Trung Quốc, nối Hồng Kông với Macau và thành phố Chu Hải Cầu vượt biển dài nhất thế giới tại Trung Quốc, nối Hồng Kông với Macau và thành phố Chu Hải
Dự án này nhằm thúc đẩy tăng trưởng cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này bằng việc phát triển công nghệ và đổi mới, đẩy mạnh xây dựng hạ tầng và tăng cường liên kết tài chính giữa các thành phố trong khu vực.

Một số nhà phân tích cho rằng, Trung Quốc đang cố tạo ra một khu vực phát triển đổi mới để cạnh tranh với Thung lũng Silicon của Mỹ.

Trên thực tế, Khu vực Vịnh lớn hiện có ý nghĩa rất quan trọng với Trung Quốc. Theo Ngân hàng HSBC, khu vực này hiện chỉ có 70 triệu dân, nhưng chiếm tới 37% kim ngạch xuất khẩu của cả nước và 12% GDP.

Trung Quốc hy vọng, việc liên kết các thành phố trong khu vực này sẽ thúc đẩy kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ hơn.

Mục tiêu  

Mục tiêu của Khu vực Vịnh lớn lớn là phát triển công nghệ, tăng cường liên kết các hệ thống tài chính và cơ sở hạ tầng, trong khi đảm bảo chất lượng sống của người dân.

Một số dự án cơ sở hạ tầng đã và đang được triển khai. Đơn cử, năm ngoái, Trung Quốc đã chính thức khánh thành cầu vượt biển dài nhất thế giới, nối Hồng Kông với Macau và thành phố Chu Hải trong đất liền. Đây được xem là một phần của kế hoạch kết nối Khu vực Vịnh lớn.

Kế hoạch này đã đưa ra tầm nhìn chiến lược là phát triển các thành phố chủ chốt trong khu vực này thành các trung tâm trong các lĩnh vực khác nhau. Trong đó, Hồng Kông sẽ được tăng cường vị trí là một trung tâm tài chính và thương mại, Thâm Quyến sẽ củng cố vai trò là một trung tâm công nghệ, trong khi Macau tập trung phát triển du lịch và thương mại với các đối tác nói tiếng Bồ Đào Nha.

“Các thành phố trong Khu vực Vịnh lớn sẽ bổ sung lẫn nhau”, Albert Hu, giáo sư thuộc Đại học Quốc gia Singapore nói.

Giáo sư Hu cho rằng, việc xây dựng Khu vực Vịnh lớn “có ý nghĩa rất lớn trong việc tăng cường kết nối giữa các thành phố này”. “Nếu mọi việc được thực hiện suôn sẻ, tôi nghĩ, Khu vực Vịnh lớn sẽ hiệu quả hơn hiện tại”.

Kế hoạch Khu vực Vịnh lớn nhấn mạnh mục tiêu của Chính phủ Trung Quốc là cải thiện năng lực đổi mới trong khu vực, phát triển các dịch vụ hiện đại và khuyến khích phát triển công ty hải ngoại”, bà Yue Su, nhà kinh tế của Economist Intelligence Unit nói.

Tuy nhiên, cũng theo bà Su, với sự mập mờ của tài liệu gồm 11 chương này, các quan chức Trung Quốc sẽ rất vất vả để hiện thực hóa các mục tiêu đưa ra.

Thách thức tiềm tàng

Các nhiều phân tích cho rằng, Khu vực Vịnh lớn sẽ hưởng lợi từ việc thị trường hội nhập hơn, việc chuyển dịch lao động và các nguồn lực dễ dàng hơn.

Kế hoạch này sẽ làm tăng vai trò của Hồng Kông với tư cách là một trung tâm tài chính và thương mại toàn cầu. Đồng thời, Khu vực Vịnh lớn cũng sẽ “hạ nhiệt” thị trường nhà ở vốn đang quá nóng của Hồng Kông, nếu như kế hoạch này kích thích và tạo thuận lợi hơn cho người Hồng Kông chuyển sang đại lục để sinh sống.

Tuy nhiên, Khu vực Vịnh lớn cũng đối mặt với nhiều thách thức, như sự khác biệt về thủ tục hải quan, hệ thống pháp luật và dịch vụ công.

“Một số lượng lớn thủ tục hành chính quan liêu liên quan đến giao thông vận tải, hải quan, nhập cư sẽ phải cắt bỏ để thực sự tạo thuận lợi cho sự dịch chuyển của con người, hàng hóa và tiền giữa các khu vực này”, Martin Chorzempa, nhà nghiên cứu thuộc Viện Kinh tế học quốc tế Peterson (Peterson Institute for International Economics) tại Washington nhận định.

Kế hoạch xây dựng Khu vực Vịnh lớn cũng tạo nên mối lo ngại nhất định về khuôn khổ “một nước, hai chế độ” - vốn dành cho Hồng Kông mức độ tự do hơn về chính trị, kinh tế và pháp luật.

“Ảnh hưởng của Chính phủ Trung Quốc đối với vùng lãnh thổ này tăng lên có thể gây lo ngại cho các đối tác thương mại chủ chốt của Hồng Kông”, bà Su nhận định.

Khu vực Vịnh lớn liệu có thể thực sự trở thành đối thủ cạnh tranh của Thung lũng Silicon?

Các nhà phân tích cho rằng, còn rất xa để Trung Quốc có thể cạnh tranh với Mỹ về công nghệ.

“Về giá trị, các công ty công nghệ của Trung Quốc hiện chỉ bằng 1/3 so với các công ty của Mỹ. Trong khi đó, nguồn doanh thu ở nước ngoài của các công ty công nghệ của Trung Quốc hiện nay còn khá khiêm tốn”, bà Su cho biết.

Liên quan vấn đề này, ông Adam Xu, đối tác của Công ty tư vấn chiến lược toàn cầu OC&C tại Thượng Hải cho rằng, việc so sánh là rất khó. “Sự khác biệt lớn nhất là, Khu vực Vịnh lớn phát triển theo kế hoạch hoặc chỉ đạo, trong khi Thung lũng Silicon phát triển theo cung - cầu thị trường”, ông Xu phân tích.

“Mục tiêu thực chất của kế hoạch Khu vực Vịnh lớn là phát triển kinh tế khu vực, chứ không phải là cạnh tranh với Thung lũng Silicon”, ông Xu nhận định.

Việt Nga
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục