Khu công nghiệp Việt chờ “gió Đông”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong khi dòng vốn “quen” từ Trung Quốc Đại lục, Đài Loan và Hồng Kông (Trung Quốc)… tăng trở lại, thì dòng vốn mới từ Mỹ được cho là sẽ cập bến Việt Nam nhiều hơn, nhất là tại lĩnh vực công nghệ cao vốn là “đặc sản” của nhiều khu công nghiệp trong nước.
Lĩnh vực công nghệ cao đang thu hút mạnh vốn đầu tư nước ngoài. Ảnh: Dũng Minh Lĩnh vực công nghệ cao đang thu hút mạnh vốn đầu tư nước ngoài. Ảnh: Dũng Minh

Vị thế tiếp tục tăng

Với sự thành công trong chính sách ngoại giao, đặc biệt là việc nâng cấp quan hệ đối tác với nhiều nền kinh tế lớn, Việt Nam đang kỳ vọng nhiều vào dòng vốn mới từ những nền kinh tế này sẽ chảy mạnh hơn trong năm 2024.

Chỉ tính riêng năm 2023, đã có 22 chuyến thăm của các nhà lãnh đạo cấp cao tới các nước láng giềng, các đối tác quan trọng, bạn bè truyền thống và 28 chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao các nước đến Việt Nam. Trong đó, được quan tâm nhất là chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden. Chưa kể, hàng trăm cuộc gặp cấp cao tại các diễn đàn, hội nghị đa phương khác…

Theo giới quan sát, với việc nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới (với Nhật Bản), Đối tác chiến lược toàn diện (với Mỹ), thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Trung Quốc…, Việt Nam đang có một vị thế mới, là điểm đến của các dòng vốn đầu tư toàn cầu, đặc biệt là dòng vốn từ các quốc gia mới nâng cấp quan hệ.

Báo cáo Chỉ số niềm tin kinh doanh (BCI) mới nhất của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho thấy, trong quý IV/2023, vị thế “điểm nóng” đầu tư của Việt Nam tăng lên đáng kể, con số ấn tượng là 62% số người được khảo sát đã xếp hạng Việt Nam nằm trong số 10 điểm đến đầu tư toàn cầu hàng đầu, trong đó 17% xếp Việt Nam ở vị trí cao nhất.

Cuộc khảo sát cũng nêu bật vị trí chiến lược của Việt Nam trong khu vực ASEAN, trong khi chỉ một phần nhỏ (2%) coi Việt Nam là “lãnh đạo ngành công nghiệp”, thì con số đáng chú ý là 29% xếp Việt Nam vào danh sách “các quốc gia cạnh tranh hàng đầu” trong ASEAN. Đa số (45%) coi Việt Nam là đối thủ cạnh tranh mạnh, cho dù còn tồn tại một số thách thức nhất định. Quan điểm này nhấn mạnh tầm ảnh hưởng ngày càng tăng và tiềm năng phát triển hơn nữa của Việt Nam trong không gian kinh tế ASEAN hiện nay.

Theo EuroCham, quý cuối cùng của năm 2023 chứng kiến mức độ hài lòng của các doanh nghiệp tăng lên rõ rệt: Các doanh nghiệp tự tin vào tình hình hiện tại của mình đã tăng từ 24% trong quý III/2023 lên 32% trong quý IV/2023. Triển vọng cho quý I/2024 cũng rất tích cực, với 29% doanh nghiệp đánh giá triển vọng của họ là “xuất sắc” hoặc “tốt”. Một dấu hiệu nữa cho thấy mối lo ngại đang giảm dần là mức độ lo lắng cực độ của các doanh nghiệp đã giảm từ 9% xuống 5%. Trong nước, theo EuroCham, khu vực doanh nghiệp Việt Nam đã sẵn sàng cho sự tăng trưởng: 31% doanh nghiệp có kế hoạch mở rộng lực lượng lao động trong quý I/2024 và 34% có ý định tăng mức đầu tư - một sự gia tăng rõ ràng từ năm 2023.

“Những số liệu thống kê trên báo hiệu động lực tăng trưởng mạnh mẽ và cơ hội cho Việt Nam trong năm 2024”, EuroCham đánh giá.

Cơ hội đón dòng vốn mới

Mỗi năm, doanh nghiệp Mỹ đầu tư ra nước ngoài khoảng 200-300 tỷ USD, nhưng vốn FDI của Mỹ vào Việt Nam những năm gần đây chỉ khoảng 1 tỷ USD/năm.

Bình luận về cơ hội của Việt Nam trong thu hút dòng vốn FDI, đặc biệt với các khu công nghiệp, ông Paul Tonkers - Phó giám đốc Bất động sản công nghiệp, Core5 Việt Nam cho rằng, xu hướng dịch chuyển vẫn đang diễn ra với quy mô ngày càng lớn hơn và trong bối cảnh đó, Việt Nam sẽ còn được hưởng lợi.

Ông Paul Tonkers cho biết, hiện có nhiều nhà đầu tư trong Top 500 của Fortune đang quan tâm, tìm kiếm các cơ hội đầu tư ở Việt Nam. Do đó, việc cần làm hiện nay là nắm bắt tốt nhu cầu khách thuê, thiết kế sản phẩm, dịch vụ phù hợp nhằm đáp ứng các yêu cầu và biến họ thành khách hàng trung thành.

Đáng chú ý, năm 2023, có nhiều nhà đầu tư Trung Quốc đổ vốn vào khu vực phía Bắc Việt Nam để mở mới hoặc mở rộng quy mô sản xuất, qua đó nâng tỷ trọng vốn đầu tư lên 33%, trong khi năm 2022 chỉ là 10%. Với khu vực phía Nam, sự dịch chuyển chưa rõ ràng. Nói cách khác, khu vực phía Bắc đang có nhiều lợi thế hút vốn từ chính sách “Trung Quốc +1”.

“Không chỉ dòng vốn từ Trung Quốc, nhiều nhà sản xuất linh kiện ô tô quốc tế đang nhắm đến Việt Nam để sản xuất, xuất khẩu. Họ đều coi Việt Nam là điểm đến tiềm năng”, ông Paul Tonkers nhấn mạnh.

Nhóm nghiên cứu của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng đánh giá, sự gia tăng dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc Đại lục, Đài Loan và Hồng Kông (Trung Quốc) đã thể hiện qua kết quả thu hút FDI năm 2023. Trọng tâm của sự chuyển dịch là các lĩnh vực linh kiện điện tử, pin năng lượng tái tạo, công nghiệp phụ trợ…

“Hoạt động ngoại giao, đầu tư và thương mại đều thể hiện vị thế đang lên của Việt Nam trong cuộc cạnh tranh quyền lực Mỹ - Trung. Theo đó, xu hướng chính vẫn là các doanh nghiệp Trung Quốc mở rộng đầu tư sang Việt Nam, Việt Nam tăng cường nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc và xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ. Dẫu vậy, sự dịch chuyển chuỗi cung ứng của Apple sang Việt Nam ngày càng rõ nét, với 9 dự án đầu tư mới (1,7 tỷ USD) và 7 dự án mở rộng quy mô đầu tư (2,6 tỷ USD trong năm 2023)”, nhóm nghiên cứu VDSC thông tin.

Còn theo Công ty Chứng khoán MB (MBS), Mỹ là quốc gia dẫn đầu về công nghệ trên thế giới. Mỗi năm, doanh nghiệp Mỹ đầu tư ra nước ngoài khoảng 200-300 tỷ USD, nhưng vốn FDI của Mỹ vào Việt Nam những năm gần đây chỉ khoảng 1 tỷ USD/năm. Sau khi nâng tầm hợp tác lên đối tác chiến lược, dòng vốn FDI của Mỹ đầu tư vào công nghệ cao ở Việt Nam rất có thể sẽ được đẩy mạnh nhờ có trữ lượng lớn đất hiếm và vonfram. Đây là 2 nguyên liệu không thể thiếu trong nhiều ngành công nghệ cao như năng lượng, quân sự, vũ trụ, giao thông vận tải... Việt Nam là quốc gia có trữ lượng đất hiếm lớn thứ 2 thế giới (ước tính khoảng 22 triệu tấn) và trữ lượng vonfram lớn thứ 3 thế giới (ước tính khoảng 100.000 tấn).

MBS cho biết, có một diễn biến khá thú vị là dòng vốn đầu tư có xu hướng dịch chuyển sang thị trường cấp 2. Cụ thể, tại miền Bắc, Quảng Ninh đã thu hút được hơn 3 tỷ USD vốn FDI, dẫn đầu cả nước trong 10 tháng đầu năm 2023, tiêu biểu là dự án công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar Hải Hà với vốn đầu tư 1,5 tỷ USD. Bắc Giang thu hút được 2,2 tỷ USD vốn FDI từ đầu năm 2023 đến nay, gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước, trong đó dự án sản xuất chất bán dẫn Hana Micron Vina 2 đóng góp 0,6 tỷ USD. Thái Nguyên thu hút được tổ hợp dự án của Samsung với vốn đầu tư 1,2 tỷ USD trong năm 2022, 6 lần so với năm trước đó...

Như vậy, tỷ trọng dòng vốn vào thị trường cấp 2 tại phía Bắc đã tăng rõ rệt, từ mức 20% trong năm 2018 lên mức 48% trong 11 tháng đầu năm 2023. Có được điều này là do giá thuê đất khu công nghiệp tại thị trường cấp 2 khu vực này thấp hơn 20% so với thị trường loại 1, diện tích đất thương phẩm còn lại nhiều (tỷ lệ lấp đầy thị trường cấp 2 mới đạt 64%).

Tại miền Nam, tỷ trọng dòng vốn FDI vào thị trường cấp 2 có xu hướng tăng, từ mức 22% trong năm 2022 lên mức 28% trong 11 tháng đầu năm 2023. Trong đó, Bà Rịa - Vũng Tàu thu hút được hơn 1 tỷ USD, tăng 2,78 lần so với cùng kỳ năm 2022, tiêu biểu là dự án sản xuất sợi và vật liệu carbon của Hyosung Việt Nam có vốn đầu tư 540 triệu USD. Bình Phước thu hút được hơn 40 dự án FDI với tổng vốn 747 triệu USD, lần đầu vào tốp 10 địa phương thu hút FDI lớn nhất cả nước… Nguyên nhân xuất phát từ lợi thế về diện tích đất khu công nghiệp có thể cho thuê lớn, tỷ lệ lấp đầy thị trường cấp 2 chưa cao, đạt khoảng 63%, trong khi thị trường cấp 1 đã đạt tới 90% (TP.HCM, Bình Dương đạt 95%, còn tại Đồng Nai, Long An đạt trên 80%). Bên cạnh đó, giá thuê đất tại thị trường cấp 2 khu vực này chỉ bằng một nửa so với thị trường cấp 1.

Thành Nguyễn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục