Thêm nhiều dự án FDI
Trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đạt hơn 13,43 tỷ USD, giảm 4,3% so với cùng kỳ. Trong đó, có 1.293 dự án mới được cấp phép với tổng vốn đăng ký hơn 6,49 tỷ USD, tăng 71,9% về số dự án và tăng 31,3% về số vốn; có 632 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, tăng 29,8% về số lượt dự án, nhưng tổng vốn đầu tư tăng thêm chỉ đạt gần 2,93 tỷ USD, giảm 57,1% so với cùng kỳ; vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần đạt hơn 4,01 tỷ USD, tăng 76,8% so với cùng kỳ. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục thu hút vốn FDI nhiều nhất, với hơn 8,46 tỷ USD (chiếm gần 63% tổng vốn đầu tư đăng ký), giảm 4,2% so với cùng kỳ.
Số liệu cho thấy, vốn đầu tư mới và số dự án mới tăng mạnh, phản ánh sức hấp dẫn của Việt Nam với các nhà đầu tư nước ngoài. Trong nửa đầu năm 2023, có 90 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, Singapore duy trì vị trí dẫn đầu với hơn 3 tỷ USD, tiếp theo là Nhật Bản, Trung Quốc…
Đáng chú ý, các nhà đầu tư lớn đã lên kế hoạch đầu tư mới tại Việt Nam như Tập đoàn P&G dự kiến đầu tư thêm gần 100 triệu USD để mở rộng dây chuyền sản xuất của Nhà máy Bến Cát (Bình Dương); Tập đoàn Polaris quyết định rót 30 triệu USD để mở rộng nhà máy thứ hai trong lĩnh vực lắp ráp động cơ xe máy, ô tô, phương tiện giao thông tại Khu công nghiệp Khai Quang (Vĩnh Phúc); Công ty TNHH LG Innotek Việt Nam - Hải Phòng điều chỉnh tăng thêm 1 tỷ USD vốn đầu tư giai đoạn 2023 - 2025 đối với dự án tại Khu công nghiệp Tràng Duệ (Hải Phòng).
Công ty Chứng khoán Bản Việt nhận định, LG có thể đầu tư đến 4 tỷ USD để mở rộng quy mô tại Việt Nam, mang lại lợi ích cho Khu công nghiệp Tràng Duệ 3, vì phần lớn các nhà cung cấp và công ty con của LG đều nằm trong Khu công nghiệp Tràng Duệ 1 và 2, hiện đã được lấp đầy.
Đầu tháng 7/2023, JLL Việt Nam đã tổ chức Diễn đàn Đầu tư tại Việt Nam, với sự tham gia của các nhà phát triển bất động sản công nghiệp hàng đầu Việt Nam và 130 doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc). JLL Việt Nam cho biết, thị trường bất động sản công nghiệp ở miền Bắc, cụ thể là Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Phòng, Hải Dương và các khu vực khác là khu vực cấp 1 có diện tích phát triển công nghiệp khoảng 10.000 ha. Trong đó, các khu công nghiệp tại Bắc Ninh, Hải Phòng có nguồn cung đất khu công nghiệp và nhà xưởng tiêu chuẩn lớn nhất, đồng thời là hai khu vực tập trung nhiều doanh nghiệp Đài Loan quy mô lớn như Foxconn, Pegatron, Compal. Miền Bắc có tỷ lệ đất khu công nghiệp lấp đầy trung bình đạt hơn 80%, các nhà xưởng tiêu chuẩn lấp đầy khoảng 85%. Nhu cầu thuê đất cao giúp giá thuê tăng.
Theo thống kê của Cushman & Wakefield, trong quý II/2023, giá cho thuê sơ cấp ghi nhận 120 USD/m2/thời hạn thuê, tăng 3,8% theo quý và tăng 9,8% theo năm. Xu hướng tăng giá này được dự báo sẽ còn tiếp diễn.
Công ty Chứng khoán Mirae Asset cho rằng, “Chiến lược Trung Quốc+1” với làn sóng các nhà máy tìm đến một thị trường khác, trong đó có Việt Nam, sẽ mở ra cơ hội phát triển lĩnh vực bất động sản công nghiệp, nhất là khu vực miền Bắc có vị trí địa lý thuận tiện.
Triển vọng tích cực
Nhu cầu và giá thuê đất tại các khu công nghiệp có triển vọng gia tăng trong bối cảnh Việt Nam duy trì sức hút nhà đầu tư nước ngoài, nhất là khi làn sóng dịch chuyển nhà máy ra khỏi Trung Quốc tiếp diễn.
Các nhà phát triển bất động sản công nghiệp đang ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan nhờ triển vọng tích cực của thị trường cho thuê và giá cho thuê.
Tổng công ty cổ phần Phát triển đô thị Kinh Bắc (Kinh Bắc) cho biết, 6 tháng đầu năm 2023, doanh nghiệp ước đạt doanh thu hợp nhất 4.000 tỷ đồng, bằng hơn 44% kế hoạch năm, nhưng lợi nhuận sau thuế ghi nhận 2.000 tỷ đồng, bằng 50% kế hoạch năm và gấp 10 lần cùng kỳ năm ngoái. Kinh Bắc thu hút được các khách thuê lớn như LG, Foxconn, Goertek.
Tổng công ty Viglacera - Công ty cổ phần (Viglacera) cũng cho hay, nửa đầu năm 2023, doanh nghiệp ước đạt doanh thu hợp nhất gần 7.000 tỷ đồng, hoàn thành 52% kế hoạch năm; lợi nhuận trước thuế hợp nhất 913 tỷ đồng, hoàn thành 75% kế hoạch năm.
Tại Tổng công ty Đầu tư và Phát triển khu công nghiệp - CTCP (Becamex IDC Corp), kế hoạch năm 2023 là đạt doanh thu hợp nhất 9.500 tỷ đồng, tăng 19%; lợi nhuận sau thuế hợp nhất 2.300 tỷ đồng, tăng 32% so với mức thực hiện năm 2022.
SSI Research dự phóng, lợi nhuận sau thuế năm nay của Becamex IDC Corp có thể đạt 2.400 tỷ đồng, chủ yếu đến từ việc chuyển nhượng đất tại thành phố mới Bình Dương cho CapitaLand. Về doanh thu, SSI Research cho rằng, Becamex IDC Corp sẽ đạt 8.600 tỷ đồng, trong đó mảng khu công nghiệp mang lại 2.100 tỷ đồng, tăng 22% và chiếm tỷ trọng 25%. Diện tích đất cho thuê dự kiến đạt 126 ha, tăng 17%, chủ yếu khai thác tại Khu công nghiệp Bàu Bàng, Khu công nghiệp Bàu Bàng mở rộng, Khu công nghiệp Cây Trường.
Đối với Công ty cổ phần Sonadezi Châu Đức, doanh nghiệp này có quỹ đất hơn 560 ha, được đánh giá sẽ chiếm ưu thế tại Bà Rịa - Vũng Tàu trong những năm tới nhờ vị trí gần cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, khởi công ngày 18/6/2023.
Công ty Chứng khoán Nhất Việt đánh giá, lĩnh vực khu công nghiệp Việt Nam vẫn có sức hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài khi đồng nội tệ ít mất giá hơn so với các đối thủ cạnh tranh như Malaysia, Indonesia, Ấn Độ; giá thuê đất thấp hơn 25 - 40% so với các nước trong khu vực; có chính sách ưu đãi về thuế và những sự hỗ trợ khác; vị trí gần kề với chuỗi cung ứng châu Á. Việt Nam sẽ là quốc gia hưởng lợi nhiều nhất từ xu hướng dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc, đặc biệt đối với những doanh nghiệp sản xuất lớn như LG, Samsung...
Công ty Chứng khoán VNDirect cho rằng, bất động sản công nghiệp có triển vọng tích cực cả trong ngắn hạn và dài hạn, nhất là khi nguồn cung mới còn hạn chế. Thị trường miền Nam sẽ trải qua giai đoạn khó khăn để triển khai dự án mới trong năm 2023. Sau đó, nguồn cung mới cho giai đoạn 2024 - 2027 cũng vẫn hạn chế, dự kiến đạt khoảng 1.388 ha. Một số dự án đáng chú ý là Khu công nghiệp Cây Trường, Khu công nghiệp Nam Tân Uyên mở rộng.
Với thị trường miền Bắc, nhiều dự án khu công nghiệp đang chờ được phê duyệt, nhưng nguồn cung mới ở mức thấp có thể kéo dài ít nhất cho tới hết năm 2023. Kỳ vọng, giai đoạn 2024 - 2026 sẽ có khoảng 3.757 ha đất khu công nghiệp được đưa vào hoạt động, tập trung vào Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh.