An toàn, bảo mật, đa tiện ích
Theo số liệu của EMVCo, tính đến quý IV/2018, tỷ lệ giao dịch thẻ chip EMV Card-present trên toàn cầu chiếm 73,6% và việc chuyển đổi sang thẻ chip là xu hướng tất yếu. Ví dụ, Malaysia đã hoàn thành chuyển đổi sang thẻ chip vào cuối năm 2018. Thậm chí, mặc dù đã chuyển đổi thẻ chip theo chuẩn quốc gia, nhưng gần đây, Malaysia tiếp tục thực hiện chuyển đổi theo chuẩn chung EMV. Hay ở Mỹ, quốc gia này đã tiến hành chuyển đổi sang thẻ chip trong vòng 3 năm trở lại đây.
Tại Việt Nam, bên cạnh việc dần chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip, các kiểu thanh toán bằng hình thức vẫy thẻ, quẹt điện thoại, quét mã QR… hay còn gọi là không tiếp xúc (contactless) cũng phát triển mạnh trong 2 năm qua. Theo nghiên cứu của Visa, trong giai đoạn 1/7/2017 - 31/5/2018, tốc độ tăng trưởng số lượng giao dịch không tiếp xúc tại Việt Nam đạt 44% mỗi tháng. Tốc độ giao dịch qua thẻ Visa không tiếp xúc tăng đều 43% mỗi tháng so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, khảo sát về thái độ thanh toán của người tiêu dùng nhận được kết quả khả quan, khi hơn một nửa người Việt đã biết đến công nghệ thanh toán không tiếp xúc, 30% trong số họ từng sử dụng và hơn 2/3 sẵn sàng thử hình thức này thay thế tiền mặt trong tương lai.
Điều này cho thấy, việc chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trong thời gian tới, đặc biệt khi công nghệ thẻ từ đã khá lạc hậu, tội phạm có thể dễ dàng gắn các thiết bị (skimming) vào máy ATM để trộm cắp dữ liệu, làm giả thẻ từ, rút tiền như một số vụ việc đã diễn ra thời gian qua. Do vậy, đòi hỏi tất yếu là cần phải áp dụng công nghệ để hạn chế rủi ro về an toàn bảo mật và các nhà băng đều có kế hoạch chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip.
Ông Nguyễn Quang Minh, Phó tổng giám đốc Napas khẳng định: “Việc chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip sẽ hạn chế nguy cơ sao chép, đánh cắp thông tin thẻ để làm thẻ giả rút tiền tại ATM như hiện nay. Thống kê cho thấy, tỷ lệ giao dịch bị giả mạo giảm đột biến khi chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip”.
Bên cạnh đó, ông Minh chia sẻ, việc thay thế thẻ từ bằng thẻ chip mang lại nhiều lợi ích, như giúp cho các giao dịch thanh toán an toàn, bảo mật hơn, đồng thời mở ra điều kiện thuận lợi để các các ngân hàng phát triển tính năng thanh toán mới, hiện đại cho các sản phẩm thẻ nội địa, gia tăng tính cạnh tranh của thẻ thanh toán tại thị trường Việt Nam.
Dẫu vậy, ông Minh khuyến cáo, theo kinh nghiệm của các quốc gia đi trước, khó khăn lớn nhất là quá trình chuyển đổi bị kéo dài, vượt quá lộ trình đặt ra ban đầu, dẫn đến hạ tầng không đồng bộ và không xử lý triệt để được vấn đề bảo mật, chống gian lận trong giao dịch thanh toán. Do vậy, các bên tham gia cần cam kết việc chuyển đổi bám sát theo lộ trình đã được đưa ra của Ngân hàng Nhà nước.
Hành lang pháp lý đã sẵn sàng
Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, ông Minh cho biết, ngành ngân hàng là một trong những ngành chủ động đi đầu ứng dụng các thành tựu của Cách mạng công nghệ 4.0 để nâng cao chất lượng dịch vụ, gia tăng các tiện ích cho khách hàng, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Bên cạnh đó, với việc hành lang pháp lý đã sẵn sàng, đây sẽ là bệ đỡ để các xu hướng ngân hàng hiện đại phát triển mạnh mẽ thời gian tới.
Cụ thể, ngày 5/10/2018, Thống đốc NHNN đã ký ban hành Quyết định số 1927/QĐ-NHNN công bố các yêu cầu kỹ thuật thẻ thanh toán nội địa công nghệ chip tiếp xúc và không tiếp xúc tại Việt Nam tiêu chuẩn cơ sở (TCCS) về thẻ chip nội địa (gọi tắt là TCCS về thẻ chip nội địa). Việc áp dụng tiêu chuẩn thẻ chip sẽ gia tăng nhiều tính năng, tiện ích cho khách hàng, góp phần quan trọng cho việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, nhờ đưa ra những thay đổi về công nghệ, mức độ an toàn, bảo mật so với thẻ từ trước đây.
Để hoàn thiện khung khổ pháp lý áp dụng TCCS về thẻ chip nội địa làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng thực hiện, ngày 28/12/2018, Thống đốc NHNN ban hành Thông tư số 41/TT-NHNN về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 19/2016/TT-NHNN ngày 30/6/2019 quy định về hoạt động thẻ ngân hàng (Thông tư 41), trong đó có yêu cầu: Tổ chức phát hành thẻ, tổ chức thanh toán thẻ phải tuân thủ TCCS về thẻ chip nội địa khi phát hành thẻ khi có BIN do NHNN cấp và áp dụng đối với ATM, thiết bị chấp nhận thẻ tại điểm bán của tổ chức thanh toán thẻ; quy định lộ trình chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip đối với tổ chức phát hành thẻ và thanh toán thẻ.
Ngày 13/3/2019, NHNN đã có Công văn số 1524/NHNN-TT đề nghị các tổ chức phát hành thẻ, tổ chức thanh toán thẻ, tổ chức chuyển mạch thẻ, tổ chức bù trừ điện tử giao dịch thẻ chủ động, nghiêm túc tổ chức triển khai áp dụng TCCS về thẻ chip nội địa theo lộ trình chuyển đổi quy định tại Thông tư 41; yêu cầu các đơn vị nêu trên phải đảm bảo hoạt động thẻ diễn ra liên tục, ổn định và an toàn, đồng thời phải đảm bảo quyền lợi hợp pháp của chủ thẻ trong quá trình thực hiện chuyển đổi. NHNN cũng khuyến khích các tổ chức phát hành thẻ, tổ chức thanh toán thẻ hoàn thành triển khai việc áp dụng TCCS về thẻ chip nội địa trước thời hạn so với quy định.
Thực tế, các doanh nghiệp dịch vụ đã đưa công nghệ “quẹt” và “chạm” vào trong hoạt động thanh toán, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, hộ kinh doanh cá thể do chi phí thực hiện tương đối thấp, nhờ đó sẽ cải thiện doanh số và chất lượng dịch vụ. Ví dụ, trong 1 -2 năm gần đây, người tiêu dùng đã áp dụng một phương thức thanh toán không chạm thông qua Samsung Pay, QRPay,… tại các nhà hàng, siêu thị và các đơn vị bán lẻ.
Ông Minh cho biết, hiện tại Napas đang hỗ trợ triển khai chuyển đổi thẻ chip cho 7 ngân hàng đầu tiên là Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank, TPBank, Sacombank và ABBank bao gồm việc triển khai hệ thống phát hành thẻ, hệ thống chấp nhận thẻ, các ứng dụng để kết nối với Napas.
“Việt Nam có 41 ngân hàng với số lượng thẻ từ hiện tại vào khoảng 75 triệu thẻ; 280.000 máy POS, phần lớn đã tuân theo tiêu chuẩn EMV và việc nâng cấp để hỗ trợ tiêu chuẩn thẻ chip nội địa không quá phức tạp”, ông Minh nói và cho biết thêm, Napas tiếp tục hỗ trợ các đơn vị cung cấp mới trong lĩnh vực thẻ và thiết bị chấp nhận thẻ để đánh giá và đưa ra các sản phẩm tuân theo tiêu chuẩn thẻ chip nội địa VCCS. Từ đó giúp các ngân hàng có thể nhanh chóng và dễ dàng lựa chọn được các sản phẩm có sẵn, nhằm tiết kiệm thời gian và chi phí chuyển đổi.