Được biết, từ năm 2011, Công ty Công nghệ cao và Công ty CMT đã ký kết hợp đồng tín dụng với Agribank.
Trong đó, Công ty Công nghệ cao được cấp hạn mức 45 tỷ đồng. Ngân hàng đã giải ngân theo nhiều khế ước nhận nợ. Hiện nợ gốc của doanh nghiệp này là 48 tỷ đồng, tính thêm các khoản nợ lãi, tổng số nợ lên đến hơn 116 tỷ đồng.
Khoản vay này được thế chấp bằng một loạt các tài sản là đất ở, đất nuôi trồng thủy sản (khoảng 200.000 m2), cơ sở sản xuất kinh doanh có diện tích hơn 34.000 m2 và tài sản gắn liền với đất như nhà kho, nhà máy xay, hệ thống dây chuyền sản xuất...
Do hoạt động sản xuất kinh doanh gặp khó khăn, Công ty Công nghệ cao đã không trả được nợ cho ngân hàng.
Công ty CMT kinh doanh buôn bán, sản xuất thức ăn và nguyên liệu làm thức ăn cho gia súc, gia cầm, thủy sản... Năm 2011, doanh nghiệp này đã được ngân hàng cấp hạn mức tín dụng 30 tỷ đồng và giải ngân theo nhiều giấy nhận nợ.
Tài sản bảo đảm cho khoản vay là cơ sở sản xuất kinh doanh mà Công ty Công nghệ cao đã thế chấp cho ngân hàng.
Tuy nhiên, Công ty CMT không thực hiện nghĩa vụ trả nợ.
Năm 2015, ngân hàng đã bán nợ cho VAMC. Và VAMC tiến hành khởi kiện đòi nợ.
Đến tháng 4/2019, ngân hàng đã mua lại khoản nợ này và thừa kế toàn bộ quyền và nghĩa vụ tố tụng của VAMC.
Đáng chú ý, diện tích đất hơn 34.000 m2 là đất thuê trả tiền hàng năm để thực hiện dự án đầu tư nhà máy sản xuất chế phẩm sinh học và thức ăn nuôi thủy sản. UBND tỉnh Sóc Trăng có văn bản yêu cầu việc ngân hàng phát mại tài sản gắn liền với đất thuê phải đảm bảo các quy định theo Luật Đất đai.
Xét thấy các bên thừa nhận có việc vay nợ, lãi suất đã được thỏa thuận trong hợp đồng, Tòa án nhân dân TP Sóc Trăng đã tuyên buộc Công ty Công nghệ cao phải trả cho ngân hàng 116,7 tỷ đồng nợ gốc và lãi; buộc Công ty CMT phải trả cho ngân hàng 61,9 tỷ đồng nợ gốc và lãi.
Trường hợp 2 doanh nghiệp không trả được nợ hoặc trả không đủ, ngân hàng được quyền xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ.