Không thể xem thường căng thẳng tỷ giá

0:00 / 0:00
0:00
Hơn 10 tỷ USD đã được NHNN bán ra để can thiệp thị trường ngoại tệ cho thấy, áp lực của làn sóng tăng lãi suất trên thế giới tới tỷ giá tại Việt Nam là không nhỏ.
TS. Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Tài chính (Trường đại học Kinh tế TP.HCM. TS. Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Tài chính (Trường đại học Kinh tế TP.HCM.

TS. Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Tài chính (Trường đại học Kinh tế TP.HCM) trao đổi về vấn đề này.

Thưa ông, tỷ giá trong nước từ đầu năm đến nay tương đối ổn định. Trước làn sóng tăng lãi suất mạnh mẽ của hàng loạt quốc gia trên thế giới, đặc biệt là của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), NHNN cho biết, sẽ tăng tần suất bán ngoại tệ can thiệp thị trường. Theo ông, tỷ giá sẽ diễn biến như thế nào trong thời gian tới?

Lần tăng lãi suất mạnh nhất trong vòng 28 năm mới đây của Fed đã gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến nền tài chính toàn cầu. Đồng bạc xanh tăng giá sẽ khiến dòng tiền chảy ngược về Mỹ, các thị trường mới nổi như Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn về dòng vốn. Mấy tuần qua, NHNN đã phải tung 10-12 tỷ USD từ Quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia để bình ổn tỷ giá, cho thấy căng thẳng tỷ giá ở nước ta khá lớn.

Tất nhiên, NHNN tung ngoại tệ ra không chỉ với mục đích bình ổn tỷ giá, mà còn để hút VND về nhằm kiểm soát lạm phát. Tôi cho rằng, tình hình kinh tế của Việt Nam sẽ còn gặp nhiều khó khăn, nhất là áp lực của lạm phát.

Chính vì vậy, dường như NHNN đang tập trung cho mục tiêu kiểm soát lạm phát hơn là thúc đẩy tăng trưởng. Minh chứng là, từ ngày 21/6 đến 28/6, NHNN, thông qua kênh thị trường mở (OMO), đã hút về hơn 100.000 tỷ đồng.

Thực tế, lạm phát ở Việt Nam đang được kiểm soát khá tốt, song nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, nên nguy cơ nhập khẩu lạm phát là hiện hữu. Thực hiện mục tiêu ổn định vĩ mô trước, tăng trưởng sau theo tôi, là phù hợp, các nước trên thế giới cũng đang nhắm tới mục tiêu này.

Trong bối cảnh các nước đua nhau phá giá nội tệ (5 tháng đầu năm 2022, đã có 144 lượt tăng lãi suất trên thế giới), khả năng ổn định tỷ giá của Việt Nam năm nay ra sao và có nên neo giữ tỷ giá ổn định không, thưa ông?

Nếu các đồng tiền khác mất giá mạnh, nhưng chúng ta neo giữ giá VND với USD, thì đương nhiên hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ trở nên đắt đỏ, khó cạnh tranh hơn so với các nước khác.

Theo tôi, năm nay, VND sẽ giảm giá so với USD là chắc chắn. Chúng ta cũng không nhất thiết phải “neo” tỷ giá ở mức cố định theo USD, vì sẽ gây bất lợi cho xuất khẩu cũng như nền kinh tế. Hiện nay, đồng tiền các nước đều mất giá khá mạnh so với USD. Đơn cử, euro từ chỗ cao hơn nhiều so với USD đã mất giá tới 30-40%, giá ngang ngửa với USD.

Ổn định kinh tế vĩ mô cực kỳ quan trọng, song kinh tế Việt Nam phụ thuộc lớn vào xuất khẩu. Do đó, trong trường hợp này, NHNN phải hết sức khéo léo trong điều hành tỷ giá, làm sao để VND không bị mất giá quá mạnh, nhưng vẫn có sự giảm giá ở mức độ phù hợp để duy trì vị thế của xuất khẩu.

Vừa hỗ trợ xuất khẩu vừa ổn định được kinh tế vĩ mô là bài toán khó, đòi hỏi sự khéo léo trong điều hành của NHNN. “Neo cứng” tỷ giá không có lợi, song nếu để VND mất giá mạnh thì cũng gây ra rất nhiều hệ lụy như mất ổn định vĩ mô, tăng nghĩa vụ trả nợ nước ngoài…

Việc Fed dự định còn tăng mạnh lãi suất đến năm 2023 đang gây lo ngại cho nhiều quốc gia. Với Việt Nam, theo ông, liệu có cú sốc tỷ giá nào xuất hiện như năm 2009 không?

Ngay cả trong khu vực ASEAN, nhiều quốc gia cũng đang phải đối mặt với tình trạng đồng nội tệ mất giá liên tục. Đơn cử, kíp Lào đã mất giá tới 50%, nguồn ngoại tệ dự trữ cạn kiệt. Tuy nhiên, với Việt Nam, tôi không lo ngại về điều này, sẽ không có cú sốc tỷ giá nào xảy ra. Như tôi đã nói, năm nay, VND sẽ mất giá so với USD, nhưng trong mức độ hợp lý.

Năm 2009, VND mất giá 9,17% do nhiều lý do, trong đó có nguyên nhân dự trữ ngoại hối thấp và nền kinh tế nhập siêu. Tuy nhiên, hiện Việt Nam có kho dự trữ ngoại hối kỷ lục 110 tỷ USD, cao gấp nhiều lần trước đây và liên tục nhiều năm qua xuất siêu, nên nguồn ngoại tệ khá dồi dào. Đặc biệt, “cơ thể” kinh tế vĩ mô nước ta hiện tại vững chắc hơn giai đoạn đó rất nhiều, nên theo tôi, áp lực tỷ giá thời gian tới là có, song các cú sốc sẽ không xảy ra.

Như ông nói, USD tăng giá khiến dòng vốn ngoại có xu hướng chảy về thị trường Mỹ. Tại Việt Nam, xu hướng rút vốn của nhà đầu tư ngoại có đáng ngại không?

Thực ra, động thái rút vốn của nhà đầu tư ngoại đã diễn ra từ trước khi Covid-19 diễn ra và trước khi thị trường chứng khoán lao dốc. Tuy nhiên, ở nước ta, không có hiện tượng vốn ngoại tháo chạy ồ ạt. Một số nhà đầu tư ngoại rút vốn, song dòng vốn từ Thái Lan, Hàn Quốc lại đổ vào khá mạnh, bù đắp được sự thiếu hụt này.

Tôi cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian tới sẽ vẫn trong giai đoạn đi ngang, tích lũy, chứ chưa thể tăng trưởng ngay được. Tuy nhiên, với triển vọng của kinh tế, Việt Nam vẫn là điểm sáng thu hút đầu tư trong khu vực.

Hà Tâm
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục