Không thể để “người ngay gặp khó…”!

(ĐTCK) Tuy không phải vấn đề mới, nhưng với nhiều bất cập trong công tác giám sát và xử lý thời gian vừa qua, các sai phạm trong quản lý đất đai, trật tự xây dựng lại một lần nữa trở thành chủ đề nóng trên nghị trường Quốc hội tuần vừa qua khi được rất nhiều đại biểu đề cập tới.
Ảnh: Shutter Ảnh: Shutter

Theo các đại biểu, không thể phủ nhận sự phát triển của các khu đô thị, khu dân cư mới đã góp phần không nhỏ trong việc chỉnh trang lại đô thị của các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM trong những năm vừa qua. Thế nhưng, đi cùng với rất nhiều dự án triển khai, không ít khu đô thị đến dự án đơn lẻ đều có sự điều chỉnh bất thường về quy hoạch, mật độ xây dựng. Điều đáng nói là các điều chỉnh này có dấu hiệu của sự “can thiệp” không tuân thủ theo quy định, thiếu ý kiến chuyên gia và người dân.

Như câu chuyện quản lý đô thị, quản lý các dự án đầu tư xây dựng, có nhiều công trình, dự án có quy mô ban đầu chỉ vài trăm nhân khẩu, sau những lần điều chỉnh thì quy mô đã lên đến 6.000 - 7.000 nhân khẩu. Khi các dự án sai mục đích phát triển chung, phá vỡ quy hoạch làm biến dạng hình hài đô thị, tạo áp lực nặng nề lên hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng an sinh xã hội, môi trường sống xuống cấp trầm trọng, cảnh quan đô thị trật tự lộn xộn.

Đặc biệt, vì điều chỉnh trái quy định, quyền lợi của những người dân trót dại tin vào lời hứa của các chủ đầu tư cũng không được đảm bảo, gây nhiều bức xúc. Vụ việc hàng trăm cuốn sổ đỏ của người dân tại chung cư Bemes rơi vào tình trạng có thể bị thu hồi bất cứ lúc nào do xây sai phép của chủ đầu tư thời gian vừa qua có thể coi là điển hình của những vụ việc như vậy.

Điều đáng nói, khi có sai phạm, vụ việc xảy ra, đại diện cơ quan quản lý thường lấy lý do lực lượng mỏng, địa bàn rộng, cũng như đổ lỗi cho sự chồng chéo của các văn bản pháp lý dẫn đến lúng túng khi triển khai. Thế nhưng, câu hỏi đặt ra là, trong khi nhà dân sửa chữa rất nhỏ, thanh tra xây dựng cũng phát hiện và xử phạt rất nhanh và rất nghiêm khắc, thì tại sao những tòa chung cư xây vượt vài tầng, thậm chí vượt cả một tòa chung cư với cả trăm căn hộ lại bị bỏ qua?

Ở mức độ nghiêm trọng hơn, tình trạng nội dung công việc thuộc trách nhiệm, thuộc thẩm quyền của cơ quan nhà nước nhưng chỉ khi được phát hiện, được phản ánh hoặc xảy ra sự cố, làm thiệt hại nghiêm trọng về người, về tài sản thì mới được quan tâm tuyên truyền, mới được để ý và tăng cường các biện pháp quản lý.

Thời gian vừa qua, nhiều băng nhóm, đường dây hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng, mức độ ngày càng nghiêm trọng, xảy ra ở nhiều nơi, đến mức lừa rao bán cả trụ sở cơ quan, trường học dù đã được phản ánh trên báo chí từ rất lâu, nhưng không hiểu sao mãi mới bị phanh phui, xử lý. Hệ quả của việc chậm xử lý như vụ lừa đảo của Công ty Địa ốc Alibaba diễn ra trên 3 tỉnh, thành phố kéo dài 3 năm là hơn 6.000 người có liên quan rơi vào tình trạng "tiền mất, tật mang".

Với thực trạng như vậy, có đại biểu đặt ra câu hỏi nghi vấn là có phải do kẽ hở của pháp luật, sự lỏng lẻo quản lý, hay có sự cố tình “nhắm mắt” làm ngơ hoặc tệ hơn là một bộ phận cán bộ có trách nhiệm cấu kết móc nối, vẽ đường bảo kê, chia chác.

Cũng không loại trừ trường hợp nguyên nhân xảy ra từ tình trạng “trên nóng dưới lạnh” của một bộ phận trong bộ máy công quyền khi thiếu tính tiến công, sợ sai, sợ chịu trách nhiệm, những việc có lợi thì làm, những việc không có lợi cho cá nhân, không an toàn thì né tránh, đùn đẩy, thấy cái mới thì ngại tiếp cận triển khai.

Trong khi thị trường bất động sản đang bộc lộ rõ những dấu hiệu bất ổn, các dự án tuân theo trình tự pháp lý rất khó có thể ra hàng bởi nhiều lý do, nhiều chủ đầu tư rơi vào tình trạng khó khăn, thì những câu chuyện “xé rào”  mà vẫn tồn tại trong thời gian dài khiến tính nghiêm minh của pháp luật bị ảnh hưởng, người tiêu dùng càng mất niềm tin vào thị trường bất động sản.

Rõ ràng, đang có tình trạng thị trường bất động sản ở một số nơi, người nghiêm túc tuân theo quy định thì gặp khó, còn kẻ làm ăn chụp giật, thậm chí lừa đảo, bỏ qua các quy trình thì lại hưởng lợi.

Nếu không xử lý dứt điểm tình trạng này thì đó chính là tạo dư địa cho việc “tặc lưỡi làm liều” khi các thành viên thị trường bất động sản rơi vào cảnh tiến thoái lưỡng nan.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com


Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục