Không thể để doanh nghiệp tan hoang

Năng lực chống chịu của doanh nghiệp là điều cần phải bàn vào lúc này, nếu doanh nghiệp “tan hoang”, nền kinh tế sẽ không thể duy trì được tốc độ tăng trưởng. Giới chuyên gia kinh tế khuyến nghị, đi cùng với các giải pháp phải là quyết tâm chính trị và tốc độ thực thi.
Một nền kinh tế không thể năng động nếu các nguồn lực ra thị trường chậm. Ảnh: Chí Cường Một nền kinh tế không thể năng động nếu các nguồn lực ra thị trường chậm. Ảnh: Chí Cường

Sao lại để doanh nghiệp phải đợi

“Sao lại để doanh nghiệp chờ đợi để được đầu tư? Đáng ra chính quyền địa phương phải tìm cách gỡ vướng cho doanh nghiệp nếu có, chứ không thể bắt họ gửi văn bản đi khắp nơi mà vẫn không biết phải làm thế nào để được bỏ tiền ra đầu tư”, ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ đã gay gắt bày tỏ quan điểm khi đọc các câu hỏi của doanh nghiệp gửi tới phóng viên Báo Đầu tư.

Do nhu cầu sản xuất, một doanh nghiệp của Hàn Quốc đóng tại Hải Dương, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất hàng vật liệu xây dựng xuất khẩu sang Đài Loan cần đầu tư thêm nhà kho, làm thêm mái che, nên phải làm các thủ tục xin giấy phép xây dựng. Mọi việc tưởng như thuận, nhưng hồ sơ xin giấy phép xây dựng bị trả lại và được yêu cầu phải lập hồ sơ bản vẽ điều chỉnh tổng mặt bằng của dự án trình phê duyệt.

Vấn đề là, theo ông Phạm Việt Anh, đại diện Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và thương mại dịch vụ Trường Thịnh, công ty đang nhận ủy quyền làm các thủ tục cho doanh nghiệp Hàn Quốc trên, không có quy định thủ tục hành chính liên quan đến việc chấp thuận bản vẽ tổng mặt bằng của dự án hoặc chấp thuận bản vẽ điều chỉnh tổng mặt bằng của dự án, nên doanh nghiệp không biết thực hiện yêu cầu thế nào.

“Chúng tôi chỉ muốn biết phải làm những thủ tục gì để khách hàng của chúng tôi có kế hoạch, chứ họ đã đợi suốt từ tháng 7/2019 đến nay. Chúng tôi đã hỏi tận Văn phòng Chính phủ, cũng đã nhận được câu trả lời của Bộ Xây dựng từ tháng 12/2019 là việc chấp thuận tổng mặt bằng dự án không phải là thủ tục hành chính và việc kiểm tra sự phù hợp của nội dung bản vẽ tổng mặt bằng được thực hiện trong quá trình thẩm định dự án đầu tư xây dựng. Nhưng đến giờ, địa phương vẫn chưa có chuyển động gì. Chúng tôi cũng muốn nói là, không chỉ một doanh nghiệp bị vướng thủ tục này”, ông Việt Anh trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư.

Nhưng ông Cung mong muốn nhiều hơn, nhất là khi diễn biến phức tạp của dịch bệnh đang đặt thêm nhiều thách thức cho các kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2020 của Việt Nam. “Nhiệm vụ của chính quyền địa phương vẫn là tạo điều kiện để doanh nghiệp làm ăn, nhưng lúc này, lãnh đạo các địa phương phải đích thân rà soát lại, xem xét từng hồ sơ dự án mà doanh nghiệp đã trình, xử lý từng trường hợp và trả lời dứt điểm trong tháng 3/2020, không để ách tắc bất cứ dự án nào. Hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp phải thông thì mới duy trì được sức chống chịu của họ”, ông Cung đề xuất.

Thậm chí, theo ông Cung, đây có thể là việc duy nhất mà lãnh đạo các địa phương phải làm bằng được trong tháng này. Và các quy trình, thủ tục có thể phải được xem xét trong bối cảnh đặc biệt của nền kinh tế, chứ không thể tuần tự theo các quy trình bình thường.

Ông Cung cũng đề xuất tương tự với đầu tư công, nghĩa là các hồ sơ ứ đọng cần phải được tập trung giải quyết ngay, ưu tiên các dự án có tính kết nối như đường cao tốc, sân bay, bến cảng… “Đơn cử, nếu Dự án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất được thực hiện, giải quyết một phần tắc nghẽn hàng không ở mặt đất, thì các hãng hàng không sẽ nhìn vào đó để chuẩn bị năng lực ‘bùng nổ’ sau dịch, từ đó kéo theo sự năng động của du lịch, khách sạn, các dịch vụ đi kèm… Vấn đề là không thể để doanh nghiệp chờ đợi các động thái này quá lâu”, ông Cung khuyến nghị.

Giữ sự năng động của nền kinh tế

Các phương án mà ông Cung nhắc tới nghe có vẻ cực đoan, nhưng vị chuyên gia này cho rằng, đây là thời điểm phải có sự đồng thuận, quyết tâm chính trị ở các cấp cao nhất để duy trì tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế.

Hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp phải thông thì mới duy trì được sức chống chịu của họ.   

“Ý nghĩa của việc duy trì mục tiêu tăng trưởng 6,8% trong năm nay không có nghĩa là để đạt thành tích, mà là duy trì được năng lực chống chịu của doanh nghiệp, từ đó, sẽ duy trì được năng lực tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong những năm tiếp theo. Nếu để tụt xuống, sau đó doanh nghiệp tan hoang, thì chúng ta sẽ mất ít nhất 5-7 năm nữa để phục hồi”, ông Cung phân tích.

Bài học đã có trong giai đoạn 2008-2011, khi cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới và những bất ổn kinh tế trong nước đã khiến doanh nghiệp tư nhân Việt Nam mất đi gần như toàn bộ năng lượng dự trữ được trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ trước đó, từ 2000-2007. Thậm chí, nhìn vào sơ đồ tăng trưởng của Việt Nam giai đoạn này mà CIEM đã tổng kết, thì cứ 10 năm, tốc độ tăng trưởng bình quân của nền kinh tế giảm đi gần 1 điểm phần trăm.

“Mấy năm gần đây, xu hướng này chững lại, đang có sự phục hồi. Doanh nghiệp nhờ đó cũng bắt đầu phục hồi năng lực sản xuất. Vậy trong lúc này, ngân sách có thể hụt thu, phải tăng chi để hỗ trợ doanh nghiệp, thậm chí chấp nhận không đạt chỉ tiêu về bội chi ngân sách, song phải quyết tâm giữ được tốc độ tăng trưởng. Giải pháp nhìn thấy ngay là không để các dòng đầu tư, nhất là đầu tư tư nhân và đầu tư công bị ách tắc”, ông Cung nói.

Dù không hẳn chia sẻ quan điểm giữ tốc độ tăng trưởng trong năm nay của ông Cung, nhưng ông Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đồng tình với quan điểm phải thông mọi ách tắc cho các dòng vốn đầu tư.

“Một nền kinh tế không thể năng động nếu các nguồn lực ra thị trường chậm. Điều đáng cảnh báo là sự chậm trễ này sẽ ảnh hưởng lớn tới các dự án lớn, doanh nghiệp lớn và những trung tâm kinh tế lớn. Nguyên lý là chỗ nào nguồn lực càng lớn, nhu cầu vận động, năng động cao thì càng cần tốc độ”, ông Thiên nói.

Đặc biệt, lúc này, ông Thiên cho rằng, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương phải được xác định rõ. “Tôi lo ngại khi các cuộc họp xin ý kiến của các bộ, ngành, địa phương diễn ra nhiều mà các dự án vẫn không chạy. Có lẽ phải làm rõ trách nhiệm cá nhân, đi cùng đó là công khai minh bạch cơ chế giám sát, trách nhiệm giải trình... Lúc này, mọi sự chậm trễ sẽ là lực cản rất lớn của nền kinh tế, cả doanh nghiệp”, ông Thiên bày tỏ quan điểm.

Khánh An
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục