Không thể buông tay cổ phần hóa

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ vừa nhắc tới mục tiêu cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và kế hoạch 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả.
Tổng giá trị của Sabeco tại thời điểm cổ phần hóa chưa đầy 3 tỷ USD, nhưng chỉ sau một năm lên sàn chứng khoán, phải tuân thủ các báo cáo tài chính minh bạch, thì khi thoái 53,59% vốn, Sabeco đã thu về gần 5 tỷ USD

Đây là thông điệp rất rõ ràng, chất lượng, chứ không phải con số doanh nghiệphoàn thành cổ phần hóa là mục tiêu chính. Có nghĩa, doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa phải là một thành viên hoạt động của hiệu quả trong nền kinh tế.

Theo đó, trách nhiệm của các đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp, của những người lãnh đạo doanh nghiệp được đặt ra khá cụ thể, nhất là trong bối cảnh đang có sự thay đổi về bộ máy quản lý khu vực doanh nghiệp nhà nước, với kế hoạch sớm thành lập và đưa vào hoạt động Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Song không loại trừ khả năng một số bộ, ngành và ngay chính ban lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước “buông tay” với nhiệm vụ cổ phần hoá, bán vốn.

Lý do là, chất lượng cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chỉ có thể đảm bảo lợi ích tối đa khi các doanh nghiệp được đưa ra thị trường phải thực sự hấp dẫn về cả hình ảnh, chất lượng, tiềm năng phát triển, lẫn sự minh bạch về sổ sách, công bằng trong việc tiếp cận cơ hội của các nhà đầu tư...

Để có được điều này, đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước phải cơ cấu lại toàn diện doanh nghiệp nhà nước về tổ chức, chiến lược, quản trị, tài chính, công nghệ, sản phẩm, ngành nghề, nhân sự, tinh thần là tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy tổ chức.

Lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải rà soát, xử lý dứt điểm tồn tại, yếu kém của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước, kiên quyết xử lý các doanh nghiệp thua lỗ, các dự án đầu tư không hiệu quả, hiệu quả thấp theo cơ chế thị trường, đồng thời xác định rõ trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân liên quan.

Trong quá trình này, chìa khóa là các tiêu chí kinh doanh, các mục tiêu phát triển của doanh nghiệp nhà nước phải được xây dựng theo đúng nguyên tắc thị trường, theo các thông lệ quản trị tốt.

Ở đây, tỷ suất lợi nhuận trên vốn, phần trăm lợi nhuận... chứ không phải là nguyên tắc bảo toàn vốn là kim chỉ nam cho các kế hoạch kinh doanh của những doanh nghiệp này.

Thực ra, đây không phải là yêu cầu mới, nhưng lại chưa phải là nguyên tắc chung cho các kế hoạch tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước.

Ngay năm vừa qua, một số bộ, ngành còn chậm cổ phần hoá, bán vốn, tâm lý một số nơi quá thận trọng, nhiều nơi sợ sai, sợ phải giải trình; nhiều doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hoá, nhưng vẫn không chịu niêm yết, dù đã đủ điều kiện.

Có lẽ vẫn phải nhắc lại bài học thoái vốn của Sabeco trong năm 2017. Tổng giá trị của doanh nghiệp này tại thời điểm cổ phần hóa chưa đầy 3 tỷ USD, nhưng chỉ sau một năm lên sàn chứng khoán, phải tuân thủ các báo cáo tài chính minh bạch, thì khi thoái 53,59% vốn, Sabeco đã thu về  gần 5 tỷ USD.

Một doanh nghiệp nhà nước chỉ có thể hấp dẫn giới đầu tư và đem lại lợi ích tối đa cho chủ sở hữu nhà nước khi doanh nghiệp đó thực sự hoạt động theo đúng nguyên tắc thị trường.

Khi đó, mỗi doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa sẽ là một doanh nghiệp hiệu quả trong mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp của nền kinh tế Việt Nam đến năm 2020.

Bảo Duy
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục