Bắt đầu “soi” cổ phần hóa tại nhiều “ông lớn”

(ĐTCK) Đoàn giám sát của Quốc hội bắt đầu “soi” các doanh nghiệp nhà nước, trong đó có nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước tuân thủ quy định pháp luật về cổ phần hóa, trên cơ sở đó hoàn thiện dự thảo Nghị quyết giám sát chuyên đề để trình Quốc hội tiến hành giám sát tối cao tại kỳ họp thứ 5 diễn ra vào tháng 5 tới.
Bắt đầu “soi” cổ phần hóa tại nhiều “ông lớn”

Nhiều “ông lớn” vào tầm ngắm

Theo Văn phòng Quốc hội, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về giám sát "Việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý sử dụng vốn tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011 - 2016", sau khi giám sát tại một số bộ, ngành, địa phương, Đoàn giám sát số 2 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh Tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh -  Trưởng đoàn giám sát vừa có các cuộc làm việc với một số doanh nghiệp nhà nước như: Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam; Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam…

Thực tế triển khai cổ phần hóa (CPH) thời gian qua cho thấy, bên cạnh những mặt tích cực như: nâng cao hiệu quả sử dụng đồng vốn đầu tư của nhà nước tại doanh nghiệp; cải thiện hiệu quả làm ăn của doanh nghiệp nhà nước hậu CPH thông qua gia tăng tính minh bạch cũng như chất lượng quản trị; tăng số lượng cũng như chất lượng hàng hóa cho thị trường chứng khoán; gắn CPH với niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán…, cũng đang bộc lộ không ít khiếm khuyến, hạn chế.

Trong đó một trong những mối quan ngại lớn là tình trạng thất thoát tài sản nhà nước, nhất là về đất đai; lợi ích nhóm, “sân trước, sân sau” trong quá trình chuyển đổi từ doanh nghiệp nhà nước sang công ty cổ phần… Sự vào cuộc của Quốc hội đang mang lại kỳ vọng nhiều mối nghi ngờ về sai phạm trong quá trình triển khai CPH các tập đoàn, tổng công ty, trong đó có cả các công ty con sẽ được làm rõ.

Trong một diễn biến có liên quan, thời gian qua, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành tranh tra và công khai hàng loạt vi phạm về CPH tại nhiều tổng công ty, tập đoàn kinh tế nhà nước (thời gian xảy ra những sai phạm này nằm trong khoảng thời gian đoàn giám sát của Quốc hội tiến hành giám sát).

Cổ phiếu ACV 'nhảy múa' sau kết luận thanh tra

Chẳng hạn, sau khi thanh tra Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam - CTCP (ACV), một doanh nghiệp đang đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM, trong số nhiều sai phạm được Thanh tra Chính phủ chỉ ra có nhiều sai phạm liên quan đến quá trình CPH.

Cụ thể, từ ngày 1/7/2014 - 31/12/2015, khi xác định giá trị doanh nghiệp để CPH, ACV đã loại giá trị các tài sản khu bay do không còn quyền sở hữu. Tuy nhiên, khi CPH, ACV tiếp tục sử dụng, khai thác, theo dõi, hạch toán và trích khấu hao các tài sản này vào chi phí sản xuất kinh doanh với tổng số tiền hơn 903,4 tỷ đồng là không đúng quy định. Do đó cần phải loại khoản chi phí này, truy thu thuế thu nhập doanh nghiệp hơn 692 tỷ đồng…

Công tác quyết toán CPH tại ACV chậm, chưa hoàn thành quyết toán CPH, nên nhiều tồn tại về tài chính chưa được xử lý kịp thời. Những sai phạm này thuộc về trách nhiệm của ACV và Ban chỉ đạo CPH Bộ Giao thông - Vận tải. Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, tổng số tiền và tài sản vi phạm được phát hiện qua thanh tra ACV cần xử lý lên tới gần 3.652,5 tỷ đồng và hơn 7.225 hecta đất...

Hay những sai phạm xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) và các đơn vị thành viên trong thời gian từ năm 2006 - 2011, trong đó có hoạt động CPH, cũng đã được Thanh tra Chính phủ chỉ ra với tổng số tiền cần xử lý lên tới hơn 8.366 tỷ đồng.

Làm rõ những “khoảng mờ”

Hoạt động giám sát, theo ông Thanh, nhằm xem xét, đánh giá quá trình ban hành và thực hiện chính sách về quản lý, sử dụng vốn đã đạt được những kết quả gì, các mặt hạn chế gặp phải trong thời gian qua, từ đó xác định nguyên nhân và đề xuất các giải pháp nhằm quản lý tốt hơn nguồn vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp, thúc đẩy tiến trình CPH diễn ra nhanh và thực chất hơn.

Theo Nghị quyết 45/2017 của Quốc hội thành lập Đoàn giám sát, đối tượng giám sát là khá rộng. Ngoài các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, UBND các tỉnh, còn có: Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn...

Trong quá trình làm việc với các đối tượng giám sát này, Đoàn giám sát của Quốc hội tập trung nắm bắt quá trình tiến hành CPH: trình tự, định giá tài sản doanh nghiệp; phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO); tham gia thị trường giao dịch chứng khoán của công ty đại chúng chưa được niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (UPCoM)...

Đặc biệt hai vấn đề “nóng” mà dư luận quan tâm cũng sẽ được Đoàn giám sát của Quốc hội làm rõ là vấn đề xử lý đất đai và xác định giá trị quyền sử dụng đất trong giá trị doanh nghiệp CPH; việc quản lý vốn, tài sản nhà nước, xử lý các vấn đề về tài chính trước và trong quá trình CPH nhằm ngăn chặn thất thoát vốn, tài sản nhà nước.

Sau khi nắm bắt thông tin thực tế qua hoạt động giám sát và trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn giám sát sẽ tiếp thu, hoàn thiện Báo cáo kết quả giám sát và dự thảo Nghị quyết giám sát chuyên đề trình Quốc hội tiến hành giám sát tối cao tại Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội diễn ra vào tháng 5/2018.

Nguyễn Hữu

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục