Không nên bắt buộc ô tô cá nhân phải trang bị phương tiện chữa cháy

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đây là nội dung mà đại biểu Quốc hội đề nghị quy định rõ trong dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ vì dự thảo Luật đang quy định chung chung, dễ gây cách hiểu là toàn bộ ô tô cá nhân phải trang bị phương tiện chữa cháy.
Bộ Công an từng quy định phải trang bị bình cứu hoả trên ô tô cá nhân vào năm 2015, sau đó bãi bỏ vào năm 2020 do không hợp lý, không khả thi. Bộ Công an từng quy định phải trang bị bình cứu hoả trên ô tô cá nhân vào năm 2015, sau đó bãi bỏ vào năm 2020 do không hợp lý, không khả thi.

Chỉ nên quy định có bình chữa cháy đối với ô tô 10 chỗ trở lên

Tại phiên thảo luận hội trường Quốc hội chiều 27/6 về dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) nêu vấn đề, khoản 1 Điều 18 của dự thảo Luật có nội dung về phòng cháy đối với phương tiện giao thông cơ giới. Ông Hoà đề nghị không bắt buộc trang bị phương tiện chữa cháy đối với xe ô tô cá nhân mà chỉ nên khuyến khích.

Cùng quan điểm, đại biểu Đồng Ngọc Ba (đoàn Bình Định) thông tin, Điều 6, Điều 18 dự thảo Luật yêu cầu các phương tiện giao thông cơ giới phải trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy, không loại trừ phương tiện cơ giới nào.

Như vậy, chỉ riêng đối với phương tiện giao thông đường bộ thì hàng triệu ô tô cá nhân đang lưu hành đều phải trang bị thiết bị phòng cháy chữa cháy.

Đại biểu dẫn chứng, Bộ Công an năm 2015 có ban hành thông tư hướng dẫn Luật Phòng cháy chữa cháy cũng đã quy định điều này (tất cả ô tô từ 4 chỗ trở lên đều phải trang bị phương tiện chữa cháy và chúng ta quy định là một bình cứu hỏa), nhưng sau đó áp dụng thấy không hợp lý, không khả thi; đến năm 2020 có điều chỉnh, chỉ bắt buộc trang bị đối với những ô tô từ 10 chỗ trở lên.

"Tôi đề nghị trong Luật lần này, chúng ta nên có một nghiên cứu tổng kết và quy định rõ những loại phương tiện giao thông cơ giới nào phải trang bị phương tiện phòng cháy chữa cháy; còn hiện nay chúng ta thể hiện như vậy thì sẽ phụ thuộc vào Chính phủ quy định chi tiết.

Trong trường hợp quy định tất cả các phương tiện đều phải trang bị thì cần phải có đánh giá chi phí tuân thủ pháp luật đối với việc quy định này", ông Ba nói.

Đại biểu Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp)

Đại biểu Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp)

Nêu ý kiến cá nhân, đại biểu Đồng Ngọc Ba bày tỏ đồng ý với ý kiến của đại biểu Phạm Văn Hòa, theo đó đối với ô tô cá nhân từ 4 đến 9 chỗ thì không nên bắt buộc trang bị các phương tiện phòng cháy, chữa cháy; bởi vì trong thiết kế, trong tiêu chuẩn, quy chuẩn của các phương tiện này đã đáp ứng các yêu cầu đó rồi.

Tránh lạm dụng quy định, gây khó khăn và làm tăng chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp

Điều 19 dự thảo Luật quy định về an toàn phòng cháy chữa cháy đối với cơ sở, đại biểu Phạm Văn Hoà đề nghị chỉ quy định có lực lượng phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ đối với những cơ sở lao động nhiều, chứ như dự thảo thì cơ sở nào cũng phải có lực lượng chữa cháy, cứu hộ là không hợp lý, vì những cơ sở lao động ít không có đủ lực lượng để thành lập.

Điều 24 điểm b khoản 1 quy định trưởng thôn, tổ trưởng dân phố có trách nhiệm đảm bảo nguồn nước, chất, vật liệu chữa cháy, đại biểu cho rằng quy định này chưa phù hợp, vì các chủ thể trên không có nguồn lực cho quy định này, quy định đến cấp xã là được, đề nghị ban soạn thảo cân nhắc.

Đáng lưu ý, Điều 42 của dự thảo Luật quy định nhiệm vụ của lực lượng dân phòng, đại biểu Phạm Văn Hoà đề nghị bỏ quy định được quyền kiểm tra việc chấp hành về phòng cháy chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn vì trong phạm vi quản lý, nhiệm vụ kiểm tra chỉ có lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và lực lượng chuyên ngành mới có thẩm quyền. Nếu dự thảo Luật quy định cả dân phòng thì dễ gây dư luận xấu.

Điều 46 về trang bị ở cơ sở, hộ gia đình, phương tiện giao thông cơ giới, đại biểu đề nghị bỏ quy định ở khoản 2 "hộ gia đình trong phạm vi khả năng điều kiện tự trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy".

"Nếu quy định như vậy thì rất dễ bị lạm dụng. Hiện nay đã có hiện tượng cán bộ chuyên trách đến từng hộ gia đình, khu dân cư động viên mua dụng cụ chữa cháy, việc này là cần thiết cho những nơi, nhà ở dễ cháy, khó cứu chữa kịp thời; còn những nơi thuận lợi, dễ chữa cháy là không nhất thiết.

Việc này chỉ có lợi cho doanh nghiệp kinh doanh mua bán dụng cụ cứu hỏa, tiêu tiền của người dân, người dân tự trang bị dụng cụ chữa cháy là nhu cầu của họ, chỉ nên khuyến cáo không nên bắt buộc", ông Hoà nêu quan điểm.

Trong tình hình hiện nay, những nơi xảy ra cháy thường là khu dân cư xuống cấp, dịch vụ karaoke, nhà trọ mini, cơ sở sản xuất, kinh doanh chất dễ cháy, nhà ở hẻm, ngõ ngách, nơi chứa chất dễ cháy và là nơi chữa cháy rất khó khăn. Để quy định có tính ràng buộc, ông Hoà đề nghị nên phân biệt các loại hình cơ sở sản xuất, kinh doanh dễ cháy nổ thì quy định khắt khe phòng cháy, chữa cháy; còn đối với các cơ sở ít xảy ra cháy, dễ dàng cứu chữa thì quy định phòng cháy an toàn, với các cơ sở khác thì cần có dụng cụ chữa cháy.

"Như thế sẽ giảm chi phí cho doanh nghiệp và người dân. Đối với những cơ sở dễ cháy nếu không có đủ điều kiện để phòng cháy thì cơ sở có thể chuyển hình thức sản xuất, kinh doanh sang lĩnh vực khác, như vậy sẽ phù hợp với mọi loại hình sản xuất, kinh doanh trong phòng cháy, chữa cháy, chứ quy định chung một quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, áp dụng chung cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh xem ra chưa hợp lý", đại biểu Hoà nói.

Đại biểu Đồng Ngọc Ba (đoàn Bình Định)

Đại biểu Đồng Ngọc Ba (đoàn Bình Định)

Về vấn đề này, đại biểu Đồng Ngọc Ba (đoàn Bình Định) cho rằng, khi xây dựng dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ, chúng ta đặt ra những quy định mới hay hoàn thiện các quy định mang tính kế thừa một mặt đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu quả phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ nhưng phải đảm bảo tính hợp lý và không gia tăng quá mức chi phí tuân thủ pháp luật cho các tổ chức, cá nhân.

Nêu nội dung cụ thể, đại biểu cho hay, quy định hiện hành giao cho Chính phủ quy định 21 nhóm dự án phải thẩm định phương án thiết kế về phòng cháy, chữa cháy. Trong 10 năm qua, các cơ quan phòng cháy, chữa cháy cấp hơn 136.000 giấy xác nhận.

Như vậy thủ tục tương đối phức tạp và đối tượng các dự án, các công trình, các phương tiện phải thẩm định thiết kế này cũng rất lớn. Tuy nhiên, trong báo cáo tổng kết, đánh giá, đại biểu không thấy nêu rõ về vấn đề chất lượng của các giấy xác nhận này. Khi triển khai trên thực tế các dự án, các công trình, các phương tiện này nếu có xảy ra những vấn đề không đáp ứng yêu cầu là do chuyện thẩm định hay do việc chấp hành?

"Giờ đây, trong dự thảo luật lại bổ sung thêm một thủ tục là thủ tục thẩm tra thiết kế về phòng cháy, chữa cháy và tôi hiểu sau này chúng ta áp dụng thì nó sẽ là thẩm định kép", đại biểu nêu vấn đề.

Nghĩa là, chúng ta quy định cho các doanh nghiệp, các tổ chức thực hiện hoạt động kinh doanh dịch vụ phòng cháy, chữa cháy thực hiện việc thẩm tra. Trong hồ sơ trình thẩm định để được cấp giấy xác nhận bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì các chủ đầu tư dự án, công trình sẽ phải có thêm một giấy xác nhận kết luận thẩm tra của các doanh nghiệp mà lẽ ra trước đây chỉ là thuê tư vấn theo hợp đồng.

"Tôi đề nghị đánh giá kỹ sự cần thiết phải thêm thủ tục đó, đặc biệt là chi phí tuân thủ của nhà đầu tư và doanh nghiệp khi buộc phải tuân thủ các quy định này", đại biểu Đồng Ngọc Ba nhấn mạnh.

Minh Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục