“Không máy móc nào có thể thay thế được con người”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đó là chia sẻ của ông Đỗ Quang Vinh, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị, Phó tổng giám đốc SHB với Đầu tư Chứng khoán nhân dịp đầu Xuân 2024.
Ông Đỗ Quang Vinh, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị, Phó tổng giám đốc SHB Ông Đỗ Quang Vinh, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị, Phó tổng giám đốc SHB

Ông có nhận xét gì về việc ứng dụng công nghệ trong hệ thống ngân hàng hiện nay?

Khoa học và công nghệ liên tục phát triển, đóng vai trò ngày càng quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội. Với ngành tài chính - ngân hàng, trong vài năm gần đây trải qua giai đoạn chuyển đổi số quan trọng. Hệ thống các tổ chức tín dụng đã chủ động nghiên cứu, xây dựng quy định pháp lý tạo thuận lợi cho việc triển khai các dịch vụ thanh toán dựa trên ứng dụng công nghệ. Các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, trung gian thanh toán đều tích cực nghiên cứu, đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng công nghệ, giải pháp kỹ thuật, tích hợp kết nối với các dịch vụ khác trong nền kinh tế thiết lập hệ sinh thái số và cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán an toàn, tiện ích, nâng cao trải nghiệm, sự hài lòng của khách hàng.

Như với SHB, chúng tôi đã đầu tư, chuẩn bị kỹ lưỡng các nền tảng công nghệ cần thiết. Khối Ngân hàng Số tại SHB được thành lập tháng 10/2021 là bước ngoặt lớn, nhằm thúc đẩy văn hóa đổi mới mạnh hơn, nhanh hơn, luôn lấy khách hàng làm trung tâm.

Công nghệ được xác định là “chìa khóa” thúc đẩy phát triển kinh tế trong kỷ nguyên 4.0 và hệ thống ngân hàng không phải là ngoại lệ. Với dự báo trong tương lai không xa, công nghệ thay thế con người, theo ông, hệ thống ngân hàng sẽ như thế nào?

Ngân hàng là một trong những lĩnh vực quan trọng nhất của nền kinh tế toàn cầu, có vai trò thiết yếu trong việc tạo điều kiện cho các giao dịch tài chính và thúc đẩy phát triển kinh tế. Tuy nhiên, sự xuất hiện của các công nghệ kỹ thuật số đã làm gián đoạn các hoạt động ngân hàng truyền thống, thúc đẩy các ngân hàng cần phải thay đổi chiến lược và thích ứng với sự phát triển mạnh mẽ của các công nghệ kỹ thuật số. Quá trình chuyển đổi số của ngành ngân hàng tạo ra các xu hướng mới, điển hình là tích hợp các công nghệ AI vào hoạt động ngân hàng.

Năm 2023 vừa qua tiếp tục được xem là năm thành công trong chuyển đổi số của các ngân hàng, với nhiều ứng dụng công nghệ hiện đại được ra mắt. Hoạt động chuyển đổi số không chỉ giúp tăng tiện ích, bảo đảm cho khách hàng giao dịch an toàn, mà còn giúp cho các ngân hàng đạt được kế hoạch tăng trưởng ổn định.

Trong tương lai không xa, nhiều chuyên gia dự báo, “máy móc sẽ thay thế con người”. Tuy nhiên, tôi không lo ngại về quan điểm này, bởi máy móc có thể xử lý được lượng công việc cần nhiều người xử lý, nhưng rất khó để có được cảm xúc, trực giác, sự nhạy cảm… của con người, bởi con người là tổng hòa của rất nhiều giác quan. Con người luôn luôn là trung tâm, không máy móc nào có thể thay thế được, kể cả trí tuệ nhân tạo. Máy móc là để phục vụ con người.

Thực tế, mọi nỗ lực chuyển đổi số của hệ thống ngân hàng là nhằm mang lại những trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng. Các ngân hàng, trong đó có SHB cần sẵn sàng cho sự thay đổi và tận dụng những cơ hội mà công nghệ mang lại như thế nào?

Máy móc có thể xử lý được lượng công việc cần nhiều người xử lý, nhưng rất khó để có được cảm xúc, trực giác, sự nhạy cảm… của con người.

SHB đã đạt được nhiều thành tựu về chuyển đổi số sau 3 năm, nhưng còn rất nhiều việc phải làm. Đầu tư cho chuyển đổi không phải là một câu chuyện dễ dàng, song lợi thế của SHB là có thể học hỏi những bài học kinh nghiệm của người đi trước để tiết kiệm và sử dụng vốn đầu tư hiệu quả.

Để thực hiện các mục tiêu số hóa trong năm 2024, chúng tôi đã và đang áp dụng làm việc theo phương pháp luận Agile; chuyển đổi 100% các dịch vụ hiện hữu sang platform mới, đảm bảo cung cấp tới khách hàng trải nghiệm mượt mà, thân thiện và an toàn hơn. Đồng thời, chúng tôi tiếp tục hoàn thiện các hạ tầng công nghệ thông tin, chuẩn hóa các hệ thống cơ sở dữ liệu, làm sạch và làm giàu dữ liệu để tạo tiền đề quan trọng trong các kế hoạch chuyển đổi năm 2024.

Thứ nhất, SHB sẽ tập trung xây dựng kiến trúc công nghệ thông tin bài bản dựa trên nhu cầu khách hàng và toàn bộ hệ thống công nghệ thông tin phải lấy khách hàng làm trung tâm, phục vụ khách hàng. Nếu chỉ xây dựng hệ thống công nghệ thông tin khổng lồ, tiên tiến nhất, nhưng không có đầu ra cụ thể thì sẽ thất bại.

Thứ hai, SHB đang xây dựng nền tảng dữ liệu.

Thứ ba, để phục vụ khách hàng tốt nhất thì phải tạo ra nhiều “điểm tiếp xúc” với khách hàng. Tất cả các khâu, từ quy trình, tài chính, nhân sự, vận hành, rủi ro…, đều cần đảm bảo khách hàng có được trải nghiệm toàn diện nhất.

Những sản phẩm thực tế ứng dụng từ chuyển đổi số đã được Ngân hàng áp dụng trong thời gian qua là gì? Đâu là sản phẩm mà ông cảm thấy tâm đắc nhất?

Ở phân khúc khách hàng doanh nghiệp, chúng tôi tiếp tục nâng cao tỷ lệ số hóa và phát triển mới hành trình cho vay, cầm cố và hành trình tài trợ thương mại trên hệ thống hiện tại để tối ưu vận hành của hệ thống. Một sản phẩm khiến tôi tự hào là giải pháp thu hộ qua tài khoản định danh Slink dành cho doanh nghiệp có quy mô chuỗi phân phối lớn, trải rộng và đa tầng. Giải pháp góp phần quan trọng trong việc kết nối SHB với toàn bộ hệ sinh thái khách hàng, giúp Ngân hàng tăng trưởng tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA), gia tăng nguồn thu một cách mạnh mẽ nhờ lực đẩy của hoạt động thanh toán liên tục, với khối lượng lớn của các chuỗi cung ứng.

Với khách hàng cá nhân, tôi tâm đắc nhất là sản phẩm Thấu chi online. Chúng tôi đã nỗ lực hết mình để số hóa 100% hành trình và cho ra mắt sản phẩm này vào đầu tháng 1/2022 - thời điểm khách hàng mục tiêu có nhu cầu chi tiêu lớn nhất trong năm. Hiện tại, SHB đã triển khai sản phẩm tới toàn bộ tập khách hàng hiện hữu, tỷ lệ khách hàng mở thấu chi trên kênh số chiếm tới hơn 97% tổng khách hàng mở thấu chi không tài sản bảo đảm. Sản phẩm đã mang đến cho khách hàng trải nghiệm “zero” hồ sơ, thủ tục và chỉ sau 2 phút đã có hạn mức thấu chi để sử dụng ngay, đồng thời giảm thiểu tối đa chi phí vận hành tại đơn vị kinh doanh. Đây cũng là sản phẩm mũi nhọn mà SHB sẽ tiếp tục nghiên cứu, nâng cấp trong thời gian tới.

Đặc biệt, hiện chúng tôi đang dồn toàn lực để ra mắt ứng dụng Ngân hàng Số hoàn toàn mới mang thương hiệu SHB SAHA, với những ưu thế công nghệ hàng đầu trên thị trường. Nền tảng mới của SHB được kỳ vọng sẽ mang lại sự an tâm trong mọi giao dịch của khách hàng thông qua những trải nghiệm mượt mà, tiện ích đa dạng và các tính năng thông minh.

Bill Gates từng nói: “Ăn mừng thành công cũng tốt, nhưng quan trọng hơn là bạn học được gì từ thất bại”. Nhìn lại hành trình chuyển đổi số vừa qua của hệ thống ngân hàng, trong đó có SHB, ông muốn chia sẻ điều gì?

Khi đầu tư vào một hệ thống cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin hiện đại, chắc chắn sẽ gặp phải những trở ngại nhất định, bởi đầu tư về công nghệ rất tốn kém và đôi khi không hiệu quả. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất trong thời điểm này chính là con người. Cụ thể, khi chuyển đổi số còn là một khái niệm khá mới ở Việt Nam, để tìm được những người có tư duy và năng lực đổi mới thật sự gặp rất nhiều khó khăn. Việc thu hút được nhân tài chuyển đổi số đã khó, việc giữ được họ và giúp họ phát huy tối đa sức mạnh cùng tổ chức còn khó gấp bội.

SHB luôn sẵn sàng với những thử thách mới. Ngân hàng đã và đang tập trung xây dựng môi trường làm việc cởi mở với những tư tưởng, cách làm việc mới, nhưng tiếp tục kế thừa những giá trị truyền thống nhân văn tốt đẹp từ tâm. Với chúng tôi, thành công của chuyển đổi số không chỉ thể hiện ở những chỉ số tài chính vượt trội, mà còn phải được thể hiện ở sự hài lòng, niềm tự hào của mỗi cán bộ, nhân viên khi cùng tham gia công cuộc chuyển đổi chung của SHB. Chính chiến lược xây dựng văn hóa như vậy đã giúp chúng tôi thu hút được nhiều người tài, sẵn sàng chung tay phát triển số hóa.

Tôi tin tưởng, trong tương lai, đội ngũ cán bộ, nhân viên SHB giàu nhiệt huyết sẽ tiếp tục cùng nhau đồng hành chinh phục những thách thức và hoàn thành mục tiêu chuyển đổi số thành công, góp phần vào chiến lược chuyển đổi số quốc gia.

Hồng Dung thực hiện.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục