Đây là khuyến nghị quan trọng nhất của Nghiên cứu từ Điều tra Công nghiệp Việt Nam 2011 của Tổ chức Phát triển công nghiệp của Liên hợp quốc (UNIDO) công bố hôm qua (26/6). Với những bằng chứng thuyết phục, một lần nữa, yêu cầu cẩn trọng trong xây dựng cơ chế ưu đãi, cơ chế thực thi và giám sát tác động của từng chính sách ưu đãi cụ thể được nhấn mạnh.
Cũng phải nói rõ, sự cẩn trọng này là cơ sở để Việt Nam lựa chọn, định hướng dòng vốn FDI vào những kênh mà nền kinh tế đang cần một cách chủ động và có kiểm soát. Đây cũng là điều kiện để thực hiện mục tiêu tăng tác động lan tỏa tích cực giữa khu vực doanh nghiệp FDI và khu vực doanh nghiệp trong nước.
Tất nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế đang chuyển đổi, cơ chế ưu đãi trong thu hút vốn FDI của Việt Nam vẫn đóng vai trò quan trọng. Trong đó, ưu đãi tài chính, nhất là thuế, thường được các nhà đầu tư quan tâm hơn cả, kể cả tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp quy mô lớn. Khá nhiều nhà đầu tư nước ngoài tăng khả năng mở rộng kinh doanh để tận dụng các ưu đãi về thuế.
Tuy nhiên, yếu tố trên chỉ có ý nghĩa bổ sung, chứ không quyết định cả số lượng lẫn chất lượng dòng vốn này.
Trong kết quả nghiên cứu của UNIDO, không có quá nhiều sự khác biệt về hoạt động của các doanh nghiệp FDI nhận được ưu đãi với các doanh nghiệp không tận dụng chính sách này. Điểm khác nổi trội nhất là về khả năng tạo việc làm và mức lương bình quân của một lao động có nhỉnh hơn. Tình hình này diễn ra ở cả Hà Nội, TP.HCM và Bình Dương, những địa phương thuộc tốp đầu về thu hút vốn FDI, cũng như trong các khu công nghiệp, khu chế xuất… Sự gắn kết của các doanh nghiệp FDI với thị trường nước cũng không vì các chính sách ưu đãi mà tăng lên.
Trong khi đó, kết quả khảo sát lại chỉ rõ, quyết định đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài, chịu tác động quan trọng từ các yếu tố vĩ mô, như sự ổn định của kinh tế vĩ mô, ổn định chính trị. Tiếp sau là các yếu tố liên quan đến môi trường đầu tư, chẳng hạn như sự dễ dàng trong xuất nhập khẩu, việc có sẵn các nhà cung ứng địa phương, khung pháp lý, chi phí sản xuất, chất lượng cơ sở hạ tầng… Khung ưu đãi thường được tính đến khi có sự tương đồng giữa các địa điểm đầu tư, buộc các nhà đầu tư phải so sánh.
Rõ ràng, tính hiệu quả của ưu đãi đầu tư liên quan mật thiết với chất lượng của môi trường kinh doanh - đầu tư. Nói cách khác, chính sách ưu đãi không thể bồi hoàn hay bù đắp những thách thức, rủi ro mà các điều kiện môi trường đầu tư yếu kém và không thuận lợi gây nên.
Cũng phải nhắc lại, tác động kinh tế của các chính sách ưu đãi đầu tư phải được củng cố bởi những yếu tố của môi trường đầu tư kinh doanh. Trong cuộc ganh đua thu hút vốn, việc lựa chọn ưu đãi để tăng tính cạnh tranh rất có thể sẽ tạo nên một cuộc “chạy đua về đáy”, như đã từng xảy ra ở một số địa bàn.