Không lạm dụng kỹ thuật lập pháp một luật sửa nhiều luật

0:00 / 0:00
0:00
Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu, sẽ cố gắng hạn chế tối đa, không lạm dụng kỹ thuật lập pháp mới là một luật sửa nhiều luật.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu trả lời câu hỏi của báo chí tại cuộc họp báo (Ảnh: TT) Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu trả lời câu hỏi của báo chí tại cuộc họp báo (Ảnh: TT)

Sẽ cố gắng hạn chế tối đa, không lạm dụng kỹ thuật lập pháp mới là một luật sửa nhiều luật, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu trao đổi với báo chí tại cuộc họp báo công bố lệnh của Chủ tịch nước công bố luật đã được Quốc hội khoá XV thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất, sáng 24/1.

Đạo luật duy nhất được thông qua tại kỳ họp này là Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự (một luật sửa 9 luật).

Hạn chế tối đa tham nhũng chính sách

Giới thiệu nội dung của Luật, ông Phan Chí Hiếu, Thứ trưởng Bộ Tư pháp nêu rõ, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 luật xuất phát từ yêu cầu thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về xây dựng, hoàn thiện pháp luật nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội, nhất là trong điều kiện vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Đồng thời, để đáp ứng yêu cầu phát sinh từ thực tiễn liên quan tới hoạt động đầu tư, kinh doanh, quản trị doanh nghiệp; công tác bảo vệ an ninh mạng, thi hành án dân sự; thực hiện chính sách xã hội hóa đầu tư vào hệ thống truyền tải điện quốc gia; khuyến khích đầu tư sản xuất và sử dụng phương tiện giao thông thân thiện với môi trường.

Ông Hiếu cũng khẳng định quan điểm chỉ đạo xây dựng Luật là sửa đổi, bổ sung những vấn đề cấp bách, đã rõ, được thực tế kiểm nghiệm, có sự đồng thuận cao để khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn; tăng cường phân quyền đồng thời bảo đảm sự kiểm soát chặt chẽ nguồn lực của đất nước.

Lãnh đạo Bộ Tư pháp cũng cho biết thêm là quá trình xây dựng Luật cũng nhận được đề nghị sửa đổi quy định của một số luật khác nhưng quan điểm chỉ sửa đổi những vấn đề đã chín, đã rõ.

Vậy có nên tiếp tục dùng hình thức một luật sửa nhiều luật tại các kỳ họp bình thường của Quốc hội không? Trả lời câu hỏi này của báo chí, ông Hiếu nói, đây là kỹ thuật lập pháp mới, nhưng chỉ áp dụng trong trường hợp cấp bách, chỉ sửa những nội dung đã nhận diện được đầy đủ và đánh giá tác động kỹ lưỡng.

Tới đây sẽ đẩy mạnh hoàn thiện hệ thống pháp luật, cố gắng hạn chế tối đa, không lạm dụng kỹ thuật lập pháp mới một luật sửa nhiều luật này, ông Hiếu trả lời.

Về câu hỏi có biện pháp ngăn ngừa như thế nào để chống tham nhũng chính sách, lợi ích nhóm khi thi hành một luật sửa 9 luật, ông Hiếu khẳng định các chính sách lớn tại luật này đều đã được đánh giá, thẩm định, đã lấy ý kiến các đối tượng chịu sự tác động, các điểm sửa đổi đều tạo thuận lợi cho đầu tư kinh doanh.

Nhưng, kể cả quy định tốt vẫn có khả năng phát sinh lợi ích nhóm, quan trọng là thực thi đồng bộ để hạn chế tối đa tham nhũng chính sách, rất mong báo chí phát hiện ra dấu hiệu tham nhũng chính sách thì kịp thời phản ánh để các cơ quan xử lý, Thứ trưởng Hiếu nói.

Đẩy mạnh phân quyền đầu tư

Về nội dung sửa đổi tại từng luật, liên quan đến Luật Đầu tư công, ông Hiếu cho biết Điều 1 của Luật quy định việc sửa đổi, bổ sung điểm b, c và d khoản 4 Điều 17, bổ sung khoản 5a vào sau khoản 5 Điều 17 và sửa đổi, bổ sung khoản 8 Điều 25, khoản 4 Điều 82, khoản 1 Điều 83 Luật Đầu tư công theo nguyên tắc phân quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ cho người đứng đầu cơ quan chủ quản đối với các dự án đầu tư nhóm B và nhóm C sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, quyết định phê duyệt dự án hỗ trợ kỹ thuật sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài để chuẩn bị dự án đầu tư do cơ quan, tổ chức mình quản lý.

Với Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Điều 2 của Luật sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 2 Điều 12 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, theo hướng: quy định thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án có tổng mức đầu tư tương đương dự án nhóm A theo quy định của pháp luật về đầu tư công sử dụng vốn ngân sách trung ương do Bộ, cơ quan trung ương quản lý hoặc sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài.

Việc sửa đổi cũng phân quyền quyết định chủ trương đầu tư cho Bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan trung ương, cơ quan khác; Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đối với các dự án sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài có tổng mức đầu tư tương đương dự án nhóm B và C theo quy định của pháp luật về đầu tư công.

Luật Đầu tư được sửa đổi một số điều với mục tiêu tăng cường phân quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án xây dựng nhà ở, khu đô thị cho các địa phương.

Theo đó, Điều 3 dự thảo Luật quy định: Sửa đổi, bổ sung điểm g và bổ sung điểm gì vào sau điểm g khoản 1 Điều 31 để thực hiện phân quyền cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định Chính phủ chỉ chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư xây dựng nhà (để bán, cho thuê, cho thuê mua), khu đô thị trong các trường hợp: dự án đầu tư có quy mô sử dụng đất từ 300 ha trở lên hoặc quy mô dân số từ 50.000 người trở lên; Dự án đầu tư phù hợp với quy định của pháp luật về di sản văn hóa không phân biệt quy mô diện tích đất, dân số thuộc phạm vi khu vực bảo vệ I của di tích được cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt, thuộc phạm vi khu vực bảo vệ II của di tích được cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia đặc biệt thuộc Danh mục di sản thế giới.

Luật mới cũng sửa đổi, bổ sung điểm b và bổ sung điểm bỏ vào sau điểm b khoản 1 Điều 32 để phân quyền cho Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở (để bán, cho thuê, cho thuê mua), khu đô thị có quy mô sử dụng đất dưới 300 ha và quy mô dân số dưới 50.000 người; dự án đầu tư phù hợp với quy định của pháp luật về di sản văn hóa không phân biệt quy mô diện tích đất, dân số thuộc phạm vi khu vực bảo vệ II của di tích được cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt, trừ di tích quốc gia đặc biệt thuộc Danh mục di sản thế giới; dự án đầu tư không phân biệt quy mô diện tích đất, dân số thuộc khu vực hạn chế phát triển hoặc nội đô lịch sử (được xác định trong đồ án quy hoạch đô thị) của đô thị loại đặc biệt.

Đồng thời, bổ sung điểm g vào khoản 3 Điều 33 quy định về nội dung thẩm định đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư gồm “Đánh giá về sự phù hợp của dự án đầu tư với yêu cầu bảo vệ, phát huy giá trị của di sản văn hóa và các điều kiện theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa” Bổ sung số thứ tự 132a vào sau số thứ tự 132 Phụ lục IV Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện: “Kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng (trừ kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng và kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự)”.

Dự án một luật sửa 9 luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/3 /2022.

Nguyễn Lê
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục