Rõ ràng pháp lý
Quốc hội mới thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 luật, gồm: Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự
Việc sửa một số điểm trong Luật Điện lực 2004 lần này được cho là đã làm rõ ràng căn cứ pháp lý trong kêu gọi tư nhân đầu tư vào truyền tải điện.
Cụ thể, tại khoản 2, Điều 4, Luật Điện lực 2004 được bổ sung đoạn “Thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia hoạt động đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải trên cơ sở bảo đảm quốc phòng, an ninh và theo quy hoạch phát triển điện lực. Các thành phần kinh tế ngoài nhà nước được vận hành lưới điện truyền tải do mình đầu tư xây dựng”. Đồng thời, bổ sung khoản 2a, Điều 4, với quy định “Nhà nước độc quyền vận hành lưới điện truyền tải, trừ lưới điện truyền tải do các thành phần kinh tế ngoài nhà nước đầu tư xây dựng”.
Ngoài ra, luật mới cũng bổ sung điểm d1 vào sau điểm d, khoản 1 với nội dung “Đấu nối vào lưới điện truyền tải do các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng khi đáp ứng các điều kiện và tiêu chuẩn kỹ thuật”, bổ sung điểm h1 vào sau điểm h, khoản 2 là “Bảo đảm quyền đấu nối của các tổ chức, cá nhân hoạt động điện lực vào lưới điện truyền tải do mình đầu tư xây dựng; trường hợp từ chối đấu nối thì thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công thương”.
Dẫu bấm nút thông qua, nhưng các đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, cần rà soát toàn bộ Luật Điện lực để xem xét đẩy nhanh việc sửa đổi toàn diện, bảo đảm tính ổn định của hệ thống pháp luật, vì Luật Điện lực có nhiều nội dung cần sửa đổi như cơ cấu ngành điện, năng lượng tái tạo, truyền tải điện, điện gió ngoài khơi.
Các chuyên gia của Tổ chức Sáng kiến về chuyển dịch năng lượng Việt Nam (VIET SE) cho rằng, đầu tư hệ thống hạ tầng truyền tải bắt kịp tiến độ xây dựng các nhà máy điện mới đang là một thách thức lớn đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trong bối cảnh giới hạn nguồn vốn tự có; không có bảo lãnh Chính phủ do giới hạn của trần nợ công và các vấn đề đền bù giải phóng mặt bằng hoặc dự án đầu tư có sử dụng đất rừng.
“Nguyên tắc các thành phần kinh tế được phép kinh doanh những lĩnh vực mà pháp luật không cấm vốn là nguyên tắc nền tảng của quá trình xây dựng các luật liên quan tới doanh nghiệp, đầu tư, kinh doanh trong thời gian gần đây”, Báo cáo của VIET SE nhận xét.
Bởi vậy, Luật Điện lực 2004 được sửa đổi, bổ sung đã nêu rõ lĩnh vực truyền tải mà Nhà nước nắm giữ độc quyền đầu tư và các không gian mà các nhà đầu tư khác có quyền đầu tư là rất đáng hoan nghênh.
Dẫu vậy, trong Báo cáo Tiếp thu, chỉnh lý, giải trình Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 luật vừa được thông qua của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục thực hiện các giải pháp cần thiết trong thực tế để vừa thu hút các thành phần kinh tế ngoài nhà nước, vừa bảo đảm quốc phòng, an ninh, an toàn hệ thống điện, nhất là vấn đề quản lý, vận hành lưới điện truyền tải theo thẩm quyền quy định tại Điều 42 và Điều 70 của Luật Điện lực hiện hành.
Giá mua điện là mấu chốt
Theo ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, dự án truyền tải là một dự án quan trọng của đất nước, góp phần vào đảm bảo điện và an ninh năng lượng quốc gia. Tuy nhiên, xét dưới góc độ kinh tế thuần tuý và giới hạn của phí truyền tải trong quá khứ, thì đây là một dự án có tính khả thi thấp, nên sẽ không thể huy động được vốn từ bất kỳ tổ chức tài chính nào. Vì vậy, nền tảng để huy động vốn và triển khai dự án là phải đưa ra các giải pháp tài chính hấp dẫn để tăng tính khả thi của dự án.
Nhìn vào các dự án truyền tải do tư nhân đầu tư trong thời gian qua, có thể thấy rõ vấn đề nổi lên là các đường dây này không tách rời các dự án nguồn điện cụ thể.
Hiện có 5 đường truyền tải cấp 500 kV do tư nhân đầu tư. Tuy nhiên, tất cả các dự án này đều được đầu tư trong giai đoạn giá mua điện mặt trời và điện gió rất hấp dẫn, nên khi về đích đúng thời gian quy định, thì lợi nhuận mà doanh nghiệp có được đủ sức để nhà đầu tư vung tay bỏ ra vài ngàn tỷ đồng để làm đường dây và sau đó sẵn sàng bàn giao 0 đồng cho ngành điện. Còn nếu chỉ chờ trông vào phí truyền tải sản lượng điện đi qua đường dây, thì dự án chắc chắn không có tính kinh tế với các nhà đầu tư tư nhân.
Đó là chưa kể, một số dự án truyền tải này chỉ mất 4-6 tháng để thi công, nhờ bỏ qua được nhiều khâu xét duyệt, thẩm định theo đúng quy trình như khi được đầu tư bởi doanh nghiệp nhà nước.
Việc tư nhân đầu tư đường truyền tải trên thực tế cũng đã diễn ra tại nhiều dự án thủy điện nhỏ ở vùng sâu, vùng xa từ nhiều năm trước đây. Để sớm thu được bộn tiền từ dự án thủy điện nhỏ với giá bán điện tốt, thay vì chờ vốn nhà nước đầu tư đường dây mà chưa biết đến bao giờ mới có, các nhà đầu tư tư nhân đã làm luôn đường dây từ nhà máy đến điểm đấu nối của hệ thống điện quốc gia.
Thực tế này cho thấy, nếu không có các dự án nguồn điện với giá bán điện hấp dẫn hoặc không cải thiện chi phí truyền tải lên đủ tạo ra lợi nhuận hấp dẫn cho các nhà đầu tư, thì việc kêu gọi vốn đầu tư tư nhân vào ngành điện dù “cửa đã mở”, nhưng sẽ khó có người vào.
Theo tính toán của các chuyên gia VIET SE, việc đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư là cần thiết để bù đắp cho nguồn vốn thiếu hụt. Tuy nhiên, để thu hút được vốn ngoài nhà nước, thì mức phí truyền tải cần tăng từ 22,1% lên 24,64% để đảm bảo tỷ suất sinh lời của dòng vốn này đạt từ 10% đến 15%.