Cân nhắc thận trọng việc cho tư nhân đầu tư truyền tải điện

0:00 / 0:00
0:00
Luật Điện lực được đề xuất chỉ sửa 1 Điều 4, cho phép tư nhân tham gia đầu tư vào lưới truyền tải điện, nhưng lại là sự thay đổi lớn về chính sách.
Phiên thảo luận sáng 10/1 của Quốc hội. Phiên thảo luận sáng 10/1 của Quốc hội.

Rất được quan tâm từ phiên thảo luận tại tổ, mở rộng cho tư nhân đầu tư truyền tải điện tiếp tục khiến đại biểu lo ngại khi thảo luận tại hội trường về dự án một luật sửa 8 luật, sáng 10/1.

Đầu phiên thảo luận đã có 67 đại biểu đăng ký phát biểu, và quy định phát biểu tối đa 5 phút, tranh luận không quá 2 phút tiếp tục được áp dụng.

Chỉ tham gia thảo luận một vấn đề, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách nói Luật Điện lực chỉ được đề xuất chỉ sửa 1 điều 4, cho phép tư nhân tham gia đầu tư vào lưới truyền tải điện, nhưng lại là sự thay đổi lớn về chính sách.

Khẳng định việc cho phép khối tư nhân được tham gia xây dựng hệ thống truyền tải điện là cần thiết, song theo đại biểu, thể chế hóa thế nào cho đúng, cho phù hợp thực tế lại là vấn đề cần được cân nhắc thận trọng để đảm bảo tính hợp lý, khả thi, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp và Nhà nước.

Đầu tiên, bà Mai đặt vấn đề về tính nghiêm minh trong thực thi pháp luật.

"Hôm nay, Quốc hội mới bàn về việc nên hay không nên cho phép tư nhân tham gia xây dựng hệ thống truyền tải điện, tuy nhiên trước đó, ngay cả khi chưa có Nghị quyết 55 thì một đơn vị tư nhân đã tham gia xây dựng hệ thống truyền tải điện, đó là Doanh nghiệp Trung Nam. Vào tháng 10/2020 đã khánh thành hơn 17 km đường dây 500 KV từ tỉnh Ninh Thuận đến Bình Thuận", đại biểu nêu trường hợp cụ thể để chứng minh.

Theo bà Mai, đóng góp của doanh nghiệp thực sự rất đáng trân trọng, nhưng "chúng ta phải hiểu rằng yêu cầu cấp bách của việc xây dựng Nhà nước pháp quyền là định hướng vô cùng quan trọng, phải được thể chế hóa bằng quy định của pháp luật thì mới được phép áp dụng. Việc áp dụng trước đó là chưa phù hợp với quy định của pháp luật", Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhấn mạnh.

Bàn cụ thể về đề xuất mở cửa cho tư nhân tại dự thảo, bà Mai phân tích, dự thảo luật quy định: “Nhà nước thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng lưới điện chuyển tải. Nhà nước vận hành lưới điện chuyển tải, trừ lưới điện do các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước đầu tư xây dựng”.

Quy định như trên là chưa rõ về nội dung, chưa quy định cụ thể giữa phạm vi độc quyền và không độc quyền, có thể dẫn đến tùy tiện trong áp dụng, đại biểu nhận xét.

Vì vậy, bà Mai đề nghị cần phân định rõ loại lưới điện truyền tải nào các loại hình kinh tế tư nhân được đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành và loại nào do Nhà nước quy hoạch và chuyển giao EVN thực hiện.

Hai là cần quy định rõ về thẩm quyền quyết định lựa chọn nhà đầu tư.

Ba là quy định cụ thể trách nhiệm của từng chủ thể trong quá trình vận hành, trách nhiệm quản lý Nhà nước và trách nhiệm của doanh nghiệp được phép đầu tư.

Về tính an toàn của hệ thống, đại biểu nói, luật quy định sau khi đầu tư xây dựng, tư nhân có thể tham gia vận hành, điều này dẫn đến trong cùng một hệ thống sẽ có chủ thể vận hành khác nhau. Tham khảo các chuyên gia cho thấy hệ thống lưới điện chuyển tải cần có sự vận hành thống nhất, đặc biệt với trình độ quản lý của Việt Nam hiện nay, nếu không thận trọng sẽ dẫn đến mất an toàn của hệ thống.

"Vì vậy, tôi cho rằng, cần cân nhắc thận trọng để tránh hệ lụy nghiêm trọng về sau này", bà Lưu Mai phát biểu.

Vấn đề tiếp theo được đại biểu đề cập là việc hạch toán và định giá chuyển giao, theo dự thảo luật thì sau khi xây dựng, đầu tư, doanh nghiệp có thể chuyển giao cho Nhà nước quản lý vận hành.

Tuy nhiên, về cơ chế, theo đại biểu, thì phương pháp định giá chưa được quy định cụ thể trong dự thảo luật. Hệ thống lưới điện chuyển tải là một trong những loại tài sản mà trên thực tế thời gian qua đã có trường hợp định giá chưa chuẩn xác dẫn đến thiệt hại rất lớn cho Nhà nước nên cần quy định cụ thể để có căn cứ thực hiện.

Về lựa chọn nhà đầu tư, để đảm bảo tính công khai, minh bạch, cạnh tranh bình đẳng, đại biểu đề nghị cần xây dựng cơ chế, tiêu chuẩn cụ thể để tất cả doanh nghiệp có thể cạnh tranh, tham gia.

"Từ chính sách, chủ trương đến cuộc sống là cả một khoảng cách, và để pháp luật thực sự đi vào cuộc sống thì rất cần thiết có quy định cụ thể, kín kẽ, đảm bảo hiệu quả quản lý. Trong trường hợp chúng ta chuẩn bị chưa đồng bộ, đầy đủ, chặt chẽ thì có thể tiếp tục nghiên cứu và trình Quốc hội ở kỳ họp sau", vị đại biểu Hà Nội thể hiện chính kiến.

Cũng tham gia thảo luận cùng nội dung, đại biểu Vũ Huy Khánh (Bình Dương), Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh phân tích theo quy định hiện hành, Nhà nước độc quyền trong truyền tải hệ thống điện quốc gia, sự độc quyền này dựa trên nhiều cơ sở, trong đó yếu tố quan trọng là đảm bảo an ninh, an toàn thông suốt của hệ thống truyền tải điện, mà sự an toàn đó tác động trực tiếp đến đảm bảo an toàn, an ninh của đất nước.

Để hiện thực hóa Nghị quyết 55 của Đảng về việc từng bước xã hội hóa việc truyền tải điện là cần thiết và có cơ sở thực tiễn nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hiện nay, bảo đảm hiệu quả hoạt động của truyền tải điện quốc gia. Tuy nhiên, theo đại biểu Vũ Huy Khánh, việc thiết lập cơ chế để các tổ chức hoạt động điện lực ngoài Nhà nước tham gia vào khâu này đến đâu và vai trò kiểm soát, điều tiết của Nhà nước thế nào thì cần tính toán thận trọng và chắc chắn.

"Theo quy định dự thảo luật, Nhà nước độc quyền vận hành lưới điện chuyển tải, trừ lưới điện do các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước xây dựng. Quy định như vậy theo tôi chưa chặt chẽ, chưa thể hiện được vai trò cần và đủ của Nhà nước trong việc kiểm soát và đảm bảo an ninh, an toàn truyền tải điện trong mọi tình huống, do đó tôi đề nghị quy định này chỉnh lại theo hướng Nhà nước không độc quyền nhưng có kiểm soát và thực hiện quyền vận hành truyền tải điện trong những trường hợp có nguy cơ tác động, ảnh hưởng đến an ninh, an toàn hệ thống truyền tải điện, kể cả công trình đó là do các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước đầu tư xây dựng, đại biểu Khánh nói.

Bên cạnh quy định tại Luật Điện lực, vấn đề được các vị đại biểu quan tâm thảo luận trong đầu giờ sáng là quy định về chuyển đổi đất đai được đề nghị sửa theo hướng, ngoài đất ở hợp pháp, nhà đầu tư có quyền sử dụng các loại đất khác để đầu tư xây dự án nhà ở thương mại.

Vào chiều mai (11/1), trong phiên bế mạc, dự án một luật sửa 8 luật sẽ được Quốc hội bấm nút.

Nguyễn Lê
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục