Tư nhân khát khao đầu tư vào truyền tải điện

0:00 / 0:00
0:00
Nhiều nhà đầu tư tư nhân bày tỏ mong muốn được làm đường dây truyền tải điện bởi cho rằng, đây là điểm nghẽn chính trong phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam.
Hệ thống truyền tải điện hiện nay do Nhà nước đầu tư Hệ thống truyền tải điện hiện nay do Nhà nước đầu tư

Hăm hở muốn làm truyền tải điện

Dư luận thời gian gần đây đã chứng kiến mối quan tâm của nhiều doanh nghiệp tư nhân muốn được tham gia đầu tư lưới truyền tải điện như một đòn bẩy để tham gia nhiều hơn vào ngành điện.

Ông Nguyễn Bá Sản đến từ Ban Quản lý năng lượng thuộc Tập đoàn T&T Group cho hay, trong bối cảnh hiện nay và xu thế phát triển, thì tỷ trọng nguồn điện từ năng lượng tái tạo ngày càng lớn và tiếp tục gia tăng trong tổng công suất nguồn điện ở Việt Nam, nhưng lại tập trung chủ yếu ở một số vùng nhu cầu tiêu thụ điện (phụ tải) thấp.

Hơn thế nữa, lưới truyền tải chưa được phát triển đồng bộ với tốc độ phát triển nguồn điện từ năng lượng tái tạo cả hiện tại cũng như trong tương lai, nên việc cho phép và thu hút doanh nghiệp tư nhân làm hạ tầng truyền tải điện được coi là một trong những giải pháp đột phá để tháo gỡ điểm nghẽn trong các tuyến đường dây truyền tải điện.

“Luật Điện lực đang được xem xét hiệu chỉnh. Do vậy, việc sớm ban hành các hành lang pháp lý sẽ giúp xóa bỏ rào cản/điểm nghẽn này để thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư hệ thống truyền tải điện gắn với phát triển năng lượng bền vững”, ông Sản nhận xét.

Đồng tình và ủng hộ quan điểm tư nhân tham gia làm đường dây truyền tải điện, ông Phạm Như Ánh, thành viên Ban Điều hành Ngân hàng MB cho hay, việc tài trợ vốn trong lĩnh vực năng lượng tái tạo sẽ hanh thông và thuận lợi hơn nếu việc triển khai đầu tư đối với lĩnh vực truyền tải điện được cải thiện.

Theo ông Ánh, thực trạng độc quyền đầu tư trong lĩnh vực truyền tải của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tạo gánh nặng quá lớn cho EVN trong huy động vốn, trong khi giới hạn cấp tín dụng cho EVN không vượt quá 25% vốn tự có của các tổ chức tín dụng. Vì vậy, Chính phủ cần tính toán đến giải pháp xã hội hóa truyền tải điện như giao thông đang làm, hoặc cơ chế kết hợp đầu tư đồng bộ truyền tải và nguồn điện.

“Thực hiện theo phương thức này, thì các tổ chức tín dụng có thể sẵn sàng cung cấp tín dụng cho cả 2 phương án đầu tư nguồn điện và lưới điện. MB cũng đã cho Trungnam Group vay để làm đường truyền tải 500 kV”, ông Ánh nói và cho biết, tổng quy mô tài trợ cho ngành điện hiện tại của MB đạt 50.000 tỷ đồng, trong đó, lĩnh vực năng lượng tái tạo chiếm 40.000 tỷ đồng.

Với góc nhìn của chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực cũng thống nhất quan điểm ủng hộ tư nhân tham gia truyền tải điện. “Luật Điện lực quy định Nhà nước độc quyền trong truyền tải điện, nhưng các khâu như vận hành, bảo dưỡng đường dây thì cũng liên quan đến truyền tải điện, nên phải có quy định rõ ràng. Đó là chưa kể, thực tế hiện nay, nhiều dự án đầu tư vào truyền tải điện bị chậm tiến độ, nên việc nâng cấp hệ thống lưới điện để có dự phòng theo tiêu chí N-1 nhằm đảm bảo an ninh năng lượng sẽ gặp khó khăn nhất định”, ông Lực nói.

Còn nhiều điểm chưa rõ

Thực tế thời gian qua cũng cho thấy, nhiều dự án năng lượng tái tạo được bổ sung quy hoạch và tiến hành đầu tư thì mới quan tâm đến lưới truyền tải, nên các công việc để đầu tư lưới truyền tải như bổ sung quy hoạch và xin chủ trương đầu tư sẽ chậm hơn ít nhất 5 - 6 tháng - bằng thời gian để hoàn thành đầu tư một dự án điện mặt trời trang trại cỡ 50 MW. Thực tế đó đã dẫn đến tình trạng dự án không thể bán điện vì thiếu đường truyền tải.

Ở góc nhìn này, điểm nghẽn của phát triển các dự án năng lượng tái tạo chính là thiếu lưới truyền tải. Vì vậy, nhiều chủ đầu tư dự án đề nghị được chủ động đầu tư đường dây tải điện để bán điện lên lưới.

Ủng hộ tư nhân tham gia đầu tư lưới truyền tải điện, ông Bùi Văn Kiên, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) cũng cho hay, theo quy định hiện nay, việc phê duyệt chủ trương đầu tư lưới truyền tải 110 kV là Bộ Công thương, còn đường dây 220 kV trở lên thì thẩm quyền thuộc Thủ tướng Chính phủ.

Dẫn chứng trường hợp có trạm biến áp 110 kV được 3 nhà đầu tư tư nhân chung vốn ban đầu đã kiên quyết không cho dự án của các nhà đầu tư khác đấu nối để bảo vệ việc bán điện ổn định cũng như đảm bảo lợi nhuận của mình, ông Kiên cho rằng, từ góc độ an ninh năng lượng, phải có những quy định rõ ràng về việc được đấu nối và mức độ tư nhân đầu tư vào truyền tải đến đâu để tránh tình trạng khi cần huy động thì nhà đầu tư tư nhân không hợp tác.

Trên góc độ an ninh năng lượng quốc gia và đảm bảo tính ổn định quản lý của Nhà nước với hệ thống điện quốc gia, thì các đường trục quốc gia và đường trục khu vực nên để doanh nghiệp nhà nước đầu tư.

- Ông Bùi Văn Kiên, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia

Theo đó, hệ thống đường truyền tải điện quốc gia nên chia làm 3 mức độ, gồm đường trục xương sống quốc gia (thường là 500 kV), trục của hệ thống điện quốc gia khu vực (cả 500/200/110 kV) và các đường truyền tải phục vụ đấu nối cho các nhà máy điện nói chung. Trong đó, đường truyền mức độ thứ nhất và thứ hai nên để doanh nghiệp nhà nước đầu tư.

Đồng thời, vị này cũng kiến nghị, khi phê duyệt Quy hoạch Điện VIII, nên ghi rõ nhà đầu tư để đỡ mất thêm thời gian đấu thầu chọn nhà đầu tư, bởi các quy định hiện nay khá phức tạp và mất rất nhiều thời gian.

“Tỷ trọng các đường dây và trạm biến áp có thể giao tư nhân đầu tư chiếm khoảng 20% tổng quy mô hệ thống điện”, ông Kiên nhận xét.

Dẫu vậy, đó mới là phần trách nhiệm, còn phần lợi ích kinh tế dường như chưa được nhà đầu tư lẫn các chuyên gia kinh tế nào tính toán cụ thể một cách độc lập khi cổ vũ việc tư nhân tham gia làm điện.

Trên thực tế, nhiều cơ quan thanh kiểm tra đã yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước giải trình về hiệu quả đầu tư đường truyền tải ở các khu vực chỉ có điện mặt trời vì hệ số sử dụng chỉ là 1.200-1.500 giờ/năm, so với tổng thời gian khoảng 8.600 giờ cả năm. Như vậy, hiệu quả rất thấp, đồng nghĩa với việc chi phí sản xuất điện gia tăng, kéo theo áp lực tăng giá điện lên rất cao.

Ngay cả đường dây và trạm biến áp 500 kV của Trungnam Group đầu tư thời gian qua cũng bởi kỳ vọng sẽ được hưởng giá điện 9,35 USCent/kWh cho 450 MW điện mặt trời của mình, chứ không hề độc lập và thuần túy như các đường dây mà EVNNPT đầu tư.

Cần nói thêm, cụm từ “tăng giá điện” luôn bị các doanh nghiệp ngành khác cũng như người dân bài xích, nên giá điện cũng đang không vận hành theo đúng cơ chế thị trường và tần suất điều chỉnh giá hiện nay là khoảng 2 năm/lần.

Bởi vậy, không loại trừ khả năng khi tính đúng, tính đủ chi phí truyền tải điện cùng tỷ suất lợi nhuận đủ hấp dẫn nhằm tạo cơ chế thu hút tư nhân, thì cuộc chơi vẫn không có ai tham gia một cách sòng phẳng vì mục tiêu đảm bảo an ninh, an toàn cho hệ thống điện.

Thanh Hương
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục