Thưa ông, có thể nói, kể từ khi đại dịch Covid-19 xảy ra, chưa quý I nào hoạt động sản xuất, kinh doanh lại thuận lợi như năm nay?
Tôi cũng nghĩ vậy, các con số thống kê sơ bộ đã nói lên điều này. Cụ thể, theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 3 tháng đầu năm nay (tính đến ngày 20/3), tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký đạt hơn 6,17 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, vốn đăng ký mới đạt trên 4,77 tỷ USD, tăng gần 58% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng lưu ý là, ngành kinh doanh bất động sản thu hút hơn 1,58 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), chiếm 25,6% tổng vốn FDI đăng ký mới, gấp gần 2,1 lần so với cùng kỳ, báo hiệu thị trường bất động sản bước vào giai đoạn phục hồi và tăng trưởng sẽ kéo theo hàng loạt ngành nghề, lĩnh vực, kinh doanh khác phát triển.
Vốn FDI thực hiện vẫn tiếp tục đà tăng trưởng, tăng hơn 7% so với cùng kỳ năm 2023, với 4,63 tỷ USD đã được giải ngân trong 3 tháng đầu năm nay.
Hoạt động xuất - nhập khẩu tiếp tục được cải thiện. Số liệu của Tổng cục Hải quan cho biết, trong quý I năm nay (tính đến ngày 15/3), xuất khẩu tăng 20,6% với 5,88 tỷ USD; nhập khẩu tăng 16,2% với 69,71 tỷ USD.
Đó chỉ là những con số thống kê chung, còn thực tế có thể không như vậy?
Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là xương sống của nền kinh tế do Tổng cục Thống kê thực hiện cho thấy, có 31,6% số doanh nghiệp cho biết hoạt động sản xuất, kinh doanh quý I/2024 tốt hơn quý IV/2023; 40% cho rằng “giữ được phong độ” và chỉ có 28,4% cho rằng có thể gặp khó khăn.
Đáng lưu ý là, có tới 72,3% doanh nghiệp tư nhân lạc quan, nếu không tăng trưởng thì cũng giữ được nhịp độ như quý IV/2023. Xin lưu ý là, hoạt động của doanh nghiệp trong quý IV/2023 rất tốt, tốt nhất cả năm 2023, nên quý I/2024 chỉ cần giữ được nhịp độ như 3 tháng cuối năm 2023 đã là rất tốt rồi.
Là nền kinh tế hướng về xuất khẩu, nên đơn hàng có ý nghĩa sống còn với ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Điều tra của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy kết quả hết sức đáng mừng, khi có tới 72,7% số doanh nghiệp trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo nhận định, quý I năm nay tăng hoặc ít nhất giữ được đơn hàng như quý IV/2023.
Nhưng thực tế còn sáng sủa hơn rất nhiều. Rất nhiều doanh nghiệp cho biết đã ký được đơn hàng xuất khẩu, bảo đảm hoạt động sản xuất cho đến hết tháng 6/2024, không ít doanh nghiệp đã có đủ đơn hàng đến hết quý III năm nay. Cứ nhìn vào hiện tượng doanh nghiệp đang thiếu lao động, lao động được làm tăng ca, sẽ thấy bức tranh kinh tế quý I năm nay trái ngược hoàn toàn với bối cảnh diễn ra từ tháng 7/2022 đến tận tháng 4/2023.
Nhưng thưa ông, điểm mờ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh 3 tháng đầu năm nay là số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường rất lớn?
Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (khoảng 63.000 doanh nghiệp) nhiều hơn số doanh nghiệp gia nhập thị trường (khoảng 41.100) như trong 2 tháng đầu năm 2024 là việc rất ít khi xảy ra. Tuy nhiên, cán cân này vẫn không thể đảo ngược trong 3 tháng.
Theo số liệu từ Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong quý I/2024, có khoảng 59.850 doanh nghiệp thành lập mới, quay trở lại hoạt động, nhưng có tới gần 74.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
“Điểm mờ” nữa, nếu có thể kể ra, là tín dụng tăng trưởng rất thấp. Hầu như chưa bao giờ chứng kiến hiện tượng tín dụng tăng trưởng âm như trong 2 tháng đầu năm nay, trong khi mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước đặt ra cho hoạt động tín dụng năm nay là tăng 15%.
Ông có nghĩ là có sự mâu thuẫn khi kinh tế tăng trưởng, nhưng tín dụng tăng trưởng thấp và số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường nhiều hơn số gia nhập?
Tôi nghĩ không có gì mâu thuẫn ở đây cả. Kinh tế tăng trưởng do khu vực nông nghiệp được “cả mùa lẫn giá” nhờ thiên nhiên, thời tiết ủng hộ và việc tái cấu trúc hoạt động sản xuất đạt được kết quả nhất định. Tất nhiên, không thể không kể đến thị trường nông sản, thủy sản thế giới tăng giá liên tục.
Kinh tế tăng trưởng phụ thuộc rất lớn vào hoạt động xuất khẩu, nhưng xuất khẩu hiện tại vẫn do khu vực FDI “cầm trịch”. Trong 3 tháng đầu năm nay, khu vực FDI xuất khẩu (không kể dầu thô) 67,2 tỷ USD, chiếm gần 73% kim ngạch xuất khẩu cả nước, xuất siêu trên 11,7 tỷ USD, trong khi khu vực doanh nghiệp trong nước nhập siêu hơn 5,6 tỷ USD.
Có tình trạng kể trên là do thị trường trong nước vẫn yếu, trong khi tuyệt đại đa số doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp nhỏ, chỉ khai thác thị trường nội địa. Thị trường nội địa yếu, nên doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường nhiều, doanh nghiệp nào vẫn tiếp tục hoạt động thì cũng không biết vay vốn để làm gì do đầu ra không có.
Nghĩa là muốn phát triển doanh nghiệp, tăng trưởng tín dụng, phải tìm cách tăng cầu nội địa, thưa ông?
Quy mô dân số nước ta hơn 100 triệu người, chưa kể năm nay đặt mục tiêu đón 17-18 triệu lượt khách du lịch quốc tế và hiện có hàng triệu người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam. Có thể nói, quy mô thị trường nội địa rất lớn, vì vậy, bên cạnh vẫn chú trọng, quan tâm đến hoạt động xuất khẩu, cần quan tâm hơn nữa đến việc phát triển thị trường nội địa.
Cùng với việc phát triển thị trường nội địa, phải có chính sách thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, trước hết là ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp. Trước ngày 1/1/2016, doanh nghiệp phải đóng thuế thu nhập phổ thông là 22%, nhưng doanh nghiệp nhỏ và vừa (có doanh thu dưới 20 tỷ đồng/năm) được hưởng thuế suất 20%. Nhưng kể từ ngày 1/6/2016 trở đi, tất cả doanh nghiệp, không phân biệt quy mô, đều phải đóng thuế thu nhập 20%.
Như vậy, không còn chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thậm chí, những doanh nghiệp này còn bất lợi hơn so với doanh nghiệp lớn, đặc biệt là doanh nghiệp FDI, do không được hưởng các chính sách ưu đãi.
Để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, theo tôi, nên đưa ra mức thuế phổ thông 10% cho doanh thu 20 tỷ đồng/năm và từ mức này trở đi đánh thuế lũy tiến tương tự cách đánh thuế thu nhập cá nhân. Như vậy sẽ tạo động lực phát triển doanh nghiệp, là nền tảng để kinh tế tăng trưởng bền vững.