Động lực để năm 2024 tăng trưởng GDP đạt 6,0-6,5%

0:00 / 0:00
0:00
Ông Lê Trung Hiếu, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận định, hoạt động sản xuất, kinh doanh đang tốt dần lên là động lực để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 6,0-6,5% trong năm 2024.
Ông Lê Trung Hiếu, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Ông Lê Trung Hiếu, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê

Kết thúc năm 2023 - một năm kinh tế thế giới đối mặt với quá nhiều thách thức, ông có nghĩ rằng, cuối cùng, Việt Nam cũng đã vượt qua khó khăn một cách khá ngoạn mục?

Ngay từ quý IV/2022, Chính phủ, các bộ, ngành, chuyên gia đã mường tượng ra khó khăn của năm 2023, nhưng thực tế còn khó khăn hơn rất nhiều so với dự tính.

Bước vào năm 2023, thế giới tiếp tục trải qua nhiều khó khăn, bất ổn, kinh tế toàn cầu tiếp tục chịu ảnh hưởng của nhiều cú sốc tiêu cực như xung đột địa chính trị giữa Nga và Ukraine ngày càng phức tạp, sau đó là là xung đột Israel - Hamas và gần đây nhất là bất ổn trên Biển Đỏ - con đường vận tải hàng hải huyết mạch của thế giới.

Đi cùng với bất ổn về chính trị là lạm phát tăng cao, ngân hàng trung ương nhiều nước thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt nhằm kiềm chế lạm phát; nợ công thế giới đã tăng lên mức kỷ lục; nhu cầu thế giới giảm; chi phí nguyên, nhiên, vật liệu tăng cao; chuỗi cung ứng thiếu ổn định…

Trước những khó khăn, bất ổn của kinh tế thế giới, các tổ chức quốc tế đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 thấp hơn so với năm 2022. Trong đó, EU đưa ra mức dự báo cao nhất, với tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 đạt 3,1%; Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo thấp nhất, với mức tăng trưởng 2,1%.

Đối mặt với những khó khăn, thách thức từ tình hình thế giới, cùng với những trở ngại của yếu tố nội tại, khi Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế trong quá trình chuyển đổi và hội nhập, quy mô kinh tế ở mức khiêm tốn, độ mở của nền kinh tế lớn, năng lực cạnh tranh và sức chống chịu trước các cú sốc từ bên ngoài còn hạn chế, nhưng Việt Nam vẫn đạt kết quả đáng khích lệ với mức tăng trưởng 5,05% trong năm 2023. Đặc biệt, tăng trưởng GDP đã đi vào “quỹ đạo” vốn có là quý sau tăng trưởng cao hơn quý trước (quý I tăng 3,41%, quý II tăng 4,25%, quý III tăng 5,47% và quý IV ước tăng 6,72%).

Công nghiệp phục hồi tích cực trong những tháng cuối năm 2023 tạo động lực cho kinh tế tăng trưởng cao hơn trong năm 2024. Ảnh: Đ.T

Công nghiệp phục hồi tích cực trong những tháng cuối năm 2023 tạo động lực cho kinh tế tăng trưởng cao hơn trong năm 2024. Ảnh: Đ.T

Có thể coi tốc độ tăng trưởng GDP năm 2023 đạt 5,05% là khá ấn tượng, mặc dù không đạt mục tiêu đặt ra, thưa ông?

Nhìn ra khu vực, Báo cáo Triển vọng phát triển châu Á tháng 12/2023 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo, tăng trưởng kinh tế năm 2023 của Indonesia, Philippines, Singapore tăng lần lượt 5,0%, 5,7%, và 1,0%, Malaysia tăng 4,2%, Thái Lan tăng 2,5%, thì tốc độ tăng trưởng 5,05% của Việt Nam thuộc dạng cao nhất nhì khu vực. Tốc độ tăng trưởng 5,05% của năm nay so với mức tăng rất cao của năm 2022 (8,12%), nên càng có ý nghĩa.

Đóng góp vào tốc độ tăng chung, trước hết, ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục là “bệ đỡ” của nền kinh tế. Ngành này đang tích cực đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu, vừa đảm bảo nguồn cung và an ninh lương thực, vừa gặt hái được nhiều kết quả tích, cực tạo nên tăng trưởng ổn định trong thời gian qua.

Trong khi đó, ngành công nghiệp có xu hướng phục hồi tích cực trong những tháng cuối năm, đặc biệt, ngành công nghiệp chế biến - chế tạo tăng 7,97% trong quý IV/2023. Ngành xây dựng có tốc độ tăng trưởng vượt bậc do thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, giá một số nguyên vật liệu chủ yếu phục vụ cho xây dựng (sắt, thép, xi măng…) hạ nhiệt sau thời gian dài tăng giá, lãi suất thấp và hoạt động thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là điểm sáng.

Cuối cùng, một số ngành dịch vụ thị trường trong quý IV/2023 tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định kể từ đầu năm, như bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác tăng 9,88%; vận tải kho bãi tăng 9,97%; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 8,85%. Tính chung cả năm 2023, các ngành này tăng trưởng khá tốt, là điểm sáng của khu vực dịch vụ, đặc biệt là vận tải kho bãi (tăng trên 9,18%), dịch vụ lưu trú và ăn uống (tăng 12,24%).

Thưa ông, cụ thể, lĩnh vực nào là đầu tàu dẫn dắt tăng trưởng kinh tế năm qua?

Trước những bất ổn khó lường của kinh tế thế giới, tổng cầu giảm, dấu hiệu suy thoái kinh tế ngày càng rõ nét, kinh tế Việt Nam đã trải qua năm 2023 đầy khó khăn, thách thức và kết quả tăng trưởng 5,05% là một nỗ lực rất lớn, đáng được ghi nhận nếu so sánh với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Dẫn dắt nền kinh tế trong năm 2023 không phải là các động lực tăng trưởng truyền thống như công nghiệp chế biến, chế tạo; xuất nhập khẩu; khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài, mà đến từ khu vực dịch vụ, đầu tư công, du lịch nội địa, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản.

Một số động lực mới thúc đẩy tăng trưởng kinh tế chưa rõ rệt và hiệu quả, như khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa phát huy tác dụng nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế và tăng năng suất lao động xã hội; việc tham gia các hiệp định thương mại chưa thực sự hiệu quả do còn nhiều thách thức về thuế quan, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước; năng lực của khu vực kinh tế tư nhân chưa đủ mạnh để trở thành động lực mới như kỳ vọng. Đây là những điểm đáng lưu ý của nền kinh tế trong năm 2024, nếu muốn có sự phát triển đồng đều và ổn định hơn.

Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã bắt đầu triển khai kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm 2024. Ông có những dự liệu gì về nền kinh tế trong năm nay?

Năm 2024, dự báo các rủi ro tiềm ẩn từ môi trường kinh tế thế giới vẫn hiện hữu và tiếp tục tác động tiêu cực lên triển vọng phục hồi tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Hậu quả của đại dịch Covid-19 vẫn còn dai dẳng. Lạm phát ở một số nền kinh tế lớn nhiều khả năng vẫn ở mức cao, nợ công tiếp tục gia tăng. Tăng trưởng thương mại toàn cầu tiếp tục xu hướng thấp, chịu ảnh hưởng từ cạnh tranh địa chính trị diễn biến căng thẳng, khó lường. Áp lực từ giá dầu thô, lương thực biến động mạnh, tăng lãi suất kéo dài ở nhiều quốc gia… Khả năng phục hồi của kinh tế toàn cầu chưa rõ ràng.

Ở trong nước, tuy thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng động lực truyền thống còn yếu, động lực mới chưa rõ ràng, nên năm 2024, dự báo kinh tế Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tác động từ sự suy giảm của kinh tế thế giới dồn nén từ thời đại dịch tới nay nhiều khả năng sẽ tiếp tục tác động đến nền kinh tế Việt Nam, ít nhất trong nửa đầu năm 2024, trước khi đón nhận những dấu hiệu tích cực, khả quan hơn.

GDP năm 2023 tăng đều từng quý, quý sau tăng cao hơn quý trước. Với đà phục hồi này, năm 2024 liệu có hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 6,0 - 6,5% không, thưa ông?

Đối mặt nhiều khó khăn, thách thức, song kinh tế Việt Nam vẫn có cơ hội phục hồi tích cực hơn nếu các chính sách hỗ trợ ban hành trong năm 2023 có tác động rõ nét hơn vào nền kinh tế; các động lực về đầu tư (bao gồm cả đầu tư tư nhân, đầu tư trực tiếp nước ngoài, đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước), tiêu dùng, du lịch và xuất khẩu tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ; các vấn đề tồn đọng, bất cập kéo dài được tập trung tháo gỡ, chuyển biến tích cực hơn trong năm 2024, nhất là vướng mắc của doanh nghiệp, dự án đầu tư, thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp…

Quốc hội đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP đạt 6 - 6,5%. Trước bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước đầy khó khăn như phân tích ở trên, đây là một thách thức rất lớn cho kinh tế Việt Nam.

Năm 2024 cũng là năm bứt phá của chặng đường kinh tế 5 năm 2021-2025. Do đó, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương sẽ dốc toàn lực cho chặng đường về đích này. Đây có thể là những thuận lợi mang tính chủ quan, nhưng cũng là áp lực lớn cho hoạt động kinh tế của đất nước. Trong bối cảnh thế giới nhiều bất định, Việt Nam cần tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô. Đây là nền tảng quan trọng để có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng như kỳ vọng.

Mạnh Bôn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục