Nguyễn Thị Thùy Dương, Chuyên viên Tư vấn QTDN- Phụ trách sản phẩm EzGSM (ĐHCĐ trực tuyến) CTCP Chứng khoán FPT:
Theo quy định tại khoản 1, Điều 141, Luật DN 2014 về điều kiện tiến hành họp ĐHĐCĐ: “Cuộc họp ĐHĐCĐ được tiến hành khi có số cổ đông dự họp đại diện ít nhất 51% tổng số phiếu biểu quyết; tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định”. Như vậy, Luật DN 2014 trao quyền cho DN trong việc quyết định tỷ lệ cổ đông tham dự tối thiểu để tiến hành Đại hội, tuy nhiên tỷ lệ này không được thấp hơn 51%.
Luật DN 2014 có hiệu lực từ 1/7/2015, nhiều doanh chưa kịp sửa đổi điều lệ (điều lệ cũ đều theo Luật DN 2005, quy định tỷ lệ cổ đông tham dự ĐHĐCĐ tối thiểu là 65%) nên để góp phần tháo gỡ băn khoăn, vướng mắc của DN khi tổ chức ĐHĐCĐ năm 2016, thực hiện đúng theo tinh thần của Luật DN 2014, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có Công văn số 1183/UBCK-QLCB ngày 15/3/2016 - Một số vấn đề cần lưu ý khi tổ chức ĐHĐCĐ 2016. Theo đó, với những DN chưa tổ chức ĐHĐCĐ 2016, chưa sửa đổi điều lệ, muốn áp dụng tỷ lệ cổ đông dự họp 51% ngay tại mùa đại hội này thì cần công bố công khai, cụ thể:
“Trước khi khai mạc cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2016, Công ty phải công bố cụ thể về tỷ lệ tối thiểu để tổ chức cuộc họp và tỷ lệ biểu quyết theo quy định tại Luật DN 2014, cụ thể như sau:
Điều kiện tiến hành họp ĐHĐCĐ phải đảm bảo có số cổ đông dự họp đại diện ít nhất 51% tổng số phiếu có quyền biểu quyết theo quy định tại khoản 1, Điều 141, Luật DN”.
Trong trường hợp trên, DN đã tổ chức ĐHĐCĐ 2016 và vẫn giữ nguyên tỷ lệ 65% là không sai. Tuy nhiên, để đảm bảo đúng thông lệ quản trị công ty tốt, công khai, minh bạch, cũng như tránh các tranh chấp phát sinh không đáng có, thì trong các nội dung biểu quyết tại ĐHĐCĐ 2016, DN cần đưa vấn đề sửa đổi điều lệ (trong đó có nội dung liên quan đến tỷ lệ tham dự tối thiểu để tiến hành họp ĐHĐCĐ) để cổ đông trao đổi, biểu quyết, cổ đông sẽ là người lựa chọn giữ nguyên hay thay đổi tỷ lệ này.