Doanh nghiệp cười nụ
Trước đây, quy định về điều kiện tổ chức ĐHCĐ lần 1 khi có số cổ đông dự họp đại diện ít nhất 65% tổng số phiếu biểu quyết theo Luật Doanh nghiệp 2005 đã khiến nhiều doanh nghiệp “đứng ngồi không yên” mỗi mùa đại hội. Thực tế, đã có nhiều doanh nghiệp không thể tổ chức được ĐHCĐ lần 1 do không đủ tỷ lệ cổ đông dự họp theo quy định, như TLH, BMC, KSQ…
Thậm chí, có không ít doanh nghiệp nhiều năm liên tiếp không thể tổ chức được ĐHCĐ thường niên trong lần đầu tiên như CTCP Khí hóa lỏng miền Bắc (PVG), CTCP Viglacera Từ Sơn (VTS), CTCP Xây dựng Sông Hồng (ICG)…
Để có thể đủ điều kiện tổ chức ĐHCĐ, nhiều doanh nghiệp đã phải làm đủ mọi cách, từ việc cử nhân viên điện trực tiếp đến từng cổ đông để mời hoặc gom ủy quyền, đến việc dùng quà tặng để “dụ” cổ đông…
Tuy nhiên, năm nay, với việc Luật Doanh nghiệp 2014 (có hiệu lực từ 1/7/2015) quy định: “Cuộc họp Đại hội đồng cổ đông được tiến hành khi có số cổ đông dự họp đại diện ít nhất 51% tổng số phiếu biểu quyết; tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định” (Khoản 1, Điều 141), đã giúp cho doanh nghiệp dể thở hơn.
Dù mùa ĐHCĐ năm nay mới đi được 1/2 chặng đường, nhưng có thể thấy rằng, số doanh nghiệp tổ chức ĐHCĐ lần 1 bất thành chỉ đếm trên đầu ngón tay, chẳng hạn như CTCP Đầu tư F.I.T (FIT), CTCP Thuận Thảo (GTT). Ngay cả các doanh nghiệp thường tổ chức ĐHCĐ lần 1 bất thành trước đây như ICG, VTS cũng đã tổ chức ĐHCĐ thường niên 2016 thành công. Trong đó, VTS tổ chức thành công ĐHCĐ thường niên năm nay thành công ngay trong lần 1 với tỷ lệ cổ đông tham dự đạt 58%.
Ông Nguyễn Văn Cơ, Chủ tịch VTS cho biết, Công ty tổ chức thành công ngay trong lần đầu một phần do tỷ lệ cổ đông tham dự đã được giảm từ 65% xuống còn 51%.
Điều này cho thấy, Luật Doanh nghiệp 2014 với những sửa đổi, bổ sung đã khắc phục hạn chế của luật cũ, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi hơn rất nhiều cho doanh nghiệp.
Cổ đông nhỏ khóc thầm
Quy định mới tiến bộ của Luật Doanh nghiệp 2014 trong khi giúp doanh nghiệp dể thở hơn mỗi khi mùa ĐHCĐ về, thì cũng vô hình trung đẩy các cổ đông nhỏ ra rìa.
Với tỷ lệ 51%, lãnh đạo doanh nghiệp chỉ tập trung “chăm sóc” một số cổ đông lớn, thậm chí với những doanh nghiệp mà nhóm cổ đông, hoặc Nhà nước sở hữu trên 51%, thì các cổ đông nhỏ sẽ đừng mơ được “chiều chuộng” mỗi mùa ĐHCĐ như trước.
Anh Cường, cổ đông của một doanh nghiệp mà gia đình Chủ tịch HĐQT sở hữu trên 51% cho biết, khi đến dự ĐHCĐ, thậm chí doanh nghiệp còn không có bàn đón tiếp cổ đông. “Đúng là công ty kiểu gia đình”, anh Cường chán nản.
Không chỉ công ty gia đình, các doanh nghiệp mà Nhà nước sở hữu 51%, các cổ đông khác bên ngoài dù không bị rẻ rúng như trường hợp trên, nhưng cũng không còn được coi trọng.
Ông Lê An, người được ủy quyền của nhóm cổ đông sở hữu 5,72% vốn điều lệ của CTCP Than Cao Sơn - Vinacomin (TCS - HNX), doanh nghiệp đang có 51% vốn của Nhà nước cho biết, năm ngoái, trước ngày tổ chức ĐHCĐ, doanh nghiệp còn gọi điện thăm hỏi có xuống tham dự không, còn năm nay họ chẳng quan tâm.
Không chỉ bị “bỏ quên” khi tiến hành ĐHCĐ, quyền lợi của các cổ đông nhỏ, lẻ cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bởi gần như quyền tự quyết nằm trong tay cổ đông lớn.
Chẳng hạn, tại ĐHCĐ thường niên của TCS diễn ra ngày 26/4, dù các cổ đông nhỏ lẻ bên ngoài (không phải là cán bộ nhận viên Công ty) bức xúc về việc HĐQT trình Đại hội trích lập quỹ phúc lợi tới 46% lợi nhuận sau thuế 2015, trong khi chỉ trích chia cổ tức 34,3%, nhưng cuối cùng, với việc Nhà nước sở hữu tới 51%, mọi tờ trình đều đã được thông qua.
Tình trạng trích lập quỹ phúc lợi lớn cũng diễn ra tại CTCP Than Cọc 6 -Vinacomin (TC6), doanh nghiệp cũng do Nhà nước nắm giữ 51%.
Trao đổi với ĐTCK, ông An cho biết, dù biết tiếng nói của mình không thể làm thay đổi kết quả đại hội, nhưng cũng nêu ý kiến để mong công tác quản trị của doanh nghiệp cải thiện hơn.
Cũng theo ông An, một số cổ đông nhỏ khác sở hữu cổ phiếu của TC6 cũng muốn ủy quyền cho ông tham dự ĐHCĐ của TC6 để phản ánh vấn đề trên, nhưng bản thân ông không muốn tham dự, vì cũng không giải quyết được việc gì.