Nhà đầu tư phải có vốn chủ sở hữu tối thiểu 20% tổng vốn đầu tư dự án. Đây là yêu cầu của Quốc hội và Chính phủ, nêu trong nghị quyết trước đó, nhằm ngăn chặn nhà đầu tư "tay không bắt giặc", Thứ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông trả lời trong cuộc họp báo quý III, chiều 27/9.
Ngoài ra, Nghị quyết của Quốc hội xác định không bảo lãnh doanh thu, khoản vay nên nhà đầu tư "lời ăn lỗ chịu".
Để hỗ trợ nhà đầu tư trong nước, theo ông Đông, Bộ Giao thông Vận tải sẽ kiến nghị Chính phủ, Quốc hội điều chỉnh một số tiêu chí, như kinh nghiệm nhà đầu tư. Việt Nam mới có khoảng 900 km cao tốc, nhiều nhà đầu tư chưa tham gia các dự án này, song họ vẫn có thể là nhà đầu tư tốt.
Lãnh đạo Bộ khẳng định không chia nhỏ dự án cao tốc để phù hợp với năng lực nhà đầu tư. Quốc hội quyết định cao tốc Bắc - Nam có 11 dự án thành phần, trong đó 8 dự án theo hình thức PPP hợp đồng BOT. Các dự án này đã chốt điểm đầu và cuối nên không thể chia nhỏ để đấu thầu lại, tốn thêm thời gian.
"Chúng tôi đã tính toán dự án dài từ đâu đến đâu thì mới có hiệu quả tài chính nên không chia nhỏ gói thầu", ông Đông nói.
Trả lời việc hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn tín dụng ngân hàng do ngân hàng đang siết chặt cho vay dự án giao thông, Thứ trưởng Đông cho biết, các dự án cao tốc có vốn lớn đến hàng nghìn tỷ đồng nên việc huy động rất khó khăn.
Bộ đã làm việc với Ngân hàng Nhà nước về số vốn các đoạn cao tốc và kiến nghị Chính phủ các giải pháp để ngân hàng có thể cung cấp vốn.
Trường hợp không có nhà đầu tư tham gia dự án và việc đấu thầu trong nước không thành công, Bộ Giao thông Vận tải sẽ báo cáo Quốc hội để quyết định chuyển sang đầu tư công. "Chúng tôi khẳng định không chỉ định thầu các dự án cao tốc Bắc Nam", Thứ trưởng Đông nói.
Ngày 24/9, Bộ Giao thông Vận tải công bố quyết định hủy sơ tuyển theo hình thức đấu thầu rộng rãi quốc tế chọn nhà đầu tư thực hiện 8 dự án thành phần theo hình thức đối tác công - tư (PPP) của dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông, giai đoạn 2017-2020.
Nguyên nhân 4 dự án không có nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển; 2 dự án chỉ một nhà đầu tư vượt qua; một dự án có từ 2 nhà đầu tư và một dự án có 3 nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển.
Thay vào đó, Bộ Giao thông Vận tải sẽ điều chỉnh hồ sơ mời sơ tuyển phù hợp với hình thức đấu thầu trong nước lựa chọn nhà đầu tư thực hiện 8 dự án trên. Dự kiến Bộ sẽ phát hành hồ sơ vào tháng 10.
Thứ trưởng Đông thừa nhận việc thay đổi này sẽ làm tiến độ triển khai dự án chậm hơn khi mất thêm thời gian sơ tuyển nhà đầu tư trong nước.
Tuy nhiên, Bộ đang cố gắng rút ngắn tiến độ các khâu để có thể lựa chọn nhà đầu tư và khởi công dự án cao tốc Bắc Nam vào năm sau.