Không dễ tăng tỷ trọng nhà đầu tư tổ chức

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo kinh nghiệm từ nhiều thị trường đi trước, thị trường chứng khoán sẽ khó phát triển bền vững nếu hơn 90% tỷ trọng giao dịch nằm trong tay nhà đầu tư cá nhân. Tuy nhiên, đẩy mạnh phát triển nhà đầu tư tổ chức là công việc không dễ thực hiện.
Nhà đầu tư cá nhân hiện chiếm tỷ lệ quá lớn trên thị trường chứng khoán Nhà đầu tư cá nhân hiện chiếm tỷ lệ quá lớn trên thị trường chứng khoán

Cá nhân tự tin vào bản thân

Số liệu từ Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC) cho thấy, tính đến cuối tháng 12/2023, toàn thị trường ghi nhận tổng cộng 7,25 triệu tài khoản chứng khoán trong nước, đầu tư cá nhân chiếm 99,7%; chỉ có 20.000 tài khoản của nhà đầu tư tổ chức. Trong khi đó, số lượng tài khoản giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài là 45.384 tài khoản.

Với số lượng đông đảo và tỷ lệ chênh lệch quá lớn, nhà đầu tư cá nhân là động lực chính thúc đẩy các xu hướng của thị trường chứng khoán Việt Nam, ngược với xu hướng của các thị trường phát triển trên thế giới là nhà đầu tư tổ chức làm nhiệm vụ dẫn dắt thị trường.

Điều này cũng cho thấy, nhà đầu tư cá nhân Việt Nam vẫn thích tự đầu tư hơn là thông qua các tổ chức, bao gồm quỹ đầu tư.

Anh Trần Cường, một nhà đầu tư tham gia thị trường chứng khoán từ năm 2018 chia sẻ, mọi người xung quanh đều tự đầu tư thì anh tin mình cũng có thể làm được.

“Trừ khoản để riêng gửi tiết kiệm của hai vợ chồng thì tiền của mình, mình vẫn thích tự quản lý, tự đầu tư hơn là gửi chỗ này, chỗ kia”, anh Cường nói và cho biết, sau vài năm đầu tư, anh đã tích luỹ được cả kinh nghiệm và tiền bạc.

Nhưng nhà đầu tư này thừa nhận, nhìn lại thời gian đầu tập tành mua bán, anh thấy tự “nể” bản thân vì độ liều lĩnh và lì lợm, cũng trải qua nhiều “sứt sẹo” mới đổi lại được một chút thành quả.

Tương tự, nhà đầu tư An Nguyễn cũng thích tự đầu tư khi cho rằng, hàng ngày nhìn thấy tiền của mình “chuyển động” vẫn kích thích hơn là uỷ thác cho tổ chức đầu tư, cả năm không biết “mặt mũi” đồng tiền ra sao. Tự đầu tư có mức độ rủi ro cao, nhưng “liều ăn nhiều”, vì cơ hội gia tăng giá trị tài khoản nhanh hơn so với tổ chức đầu tư.

PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường tài chính, Trường đại học Kinh tế TP.HCM lý giải, quan điểm trên của các nhà đầu tư cá nhân xuất phát từ tâm lý quá tự tin vào bản thân. Họ tham gia thị trường với tâm lý chứng khoán là nơi dễ kiếm tiền cùng kỳ vọng giàu nhanh, dễ nhân đôi, nhân ba giá trị tài khoản - điều mà các quỹ đầu tư ưu tiên sự an toàn không làm được. Các quỹ đầu tư thường đạt mức sinh lời trên 10%/năm, không thực sự hấp dẫn nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Theo Techcom Capital, tổng tài sản quản lý của các công ty quản lý quỹ Việt Nam cuối năm 2023 đạt khoảng 23,25 tỷ USD, chiếm 2,44% GDP. Nếu so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia đã chạm mức 30% GDP thì con số này rất khiêm tốn.

“Cũng có một số nước mà nhà đầu tư cá nhân chiếm tỷ trọng cao trên thị trường chứng khoán, điển hình như Trung Quốc có nền văn hoá, tư tưởng gần với Việt Nam, nhưng không có thị trường nào trên thế giới mà giao dịch của nhà đầu tư cá nhân chiếm quá lớn, đến trên 90% như Việt Nam cả”, PGS.TS Nguyễn Hữu Huân đánh giá.

Ở một khía cạnh khác, cơ quan quản lý khuyến khích người dân tham gia thị trường chứng khoán, dẫn đến cuộc đua thị phần giữa các công ty chứng khoán luôn nóng. Hầu hết công ty chú trọng vào phân khúc nhà đầu tư cá nhân, triển khai các chương trình miễn, giảm phí giao dịch, lãi suất giao dịch ký quỹ thấp (margin), nâng cao chất lượng dịch vụ… nhằm thu hút khách hàng.

Nhân viên bộ phận ngân hàng đầu tư (IB) của một công ty chứng khoán thuộc Top 10 về thị phần môi giới năm 2023 nhận xét, số lượng và nhu cầu của nhà đầu tư cá nhân ngày càng tăng nên các công ty chứng khoán cũng phải đưa ra các chương trình, dịch vụ, gói khuyến mãi hấp dẫn để đáp ứng nhu cầu và thu hút nhà đầu tư.

“Nếu khách hàng có nhu cầu mà mình không thể cung cấp dịch vụ thì không khác nào tự nhường khách cho đối thủ”, anh nhân viên IB nói.

Cần thu hút nhà đầu tư tổ chức

Với tâm lý tự đầu tư đã ăn sâu, thị trường cần thời gian và hiệu quả thực tế cao của các quỹ để thay đổi lối tư duy cũ của nhà đầu tư cá nhân.

Nhà đầu tư cá nhân chiếm tỷ lệ quá lớn nên thị trường thường xuyên chịu tác động bởi tâm lý của nhóm đối tượng này, nhất là khi thị trường xuất hiện các tin đồn thất thiệt.

Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, rất nhiều nhà đầu tư cá nhân Việt Nam khi tham gia đầu tư chứng khoán chỉ là “tay mơ”, chưa hiểu sâu về thị trường nên gặp khó khăn trong việc kiểm soát tâm lý. Do đó, vai trò của nhà đầu tổ chức càng được được khẳng định là trụ cột vững chắc để thị trường phát triển. Nhìn trong vài năm trở lại đây, số lượng nhà đầu tư tổ chức gia tăng, nhưng ở mức độ khiêm tốn, chủ yếu đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, các quỹ châu Âu, Mỹ, mà hầu hết có quy mô không lớn.

Thực tế, thị trường chứng khoán Việt Nam mới chỉ phát triển hơn hai thập kỷ, chưa có thời gian đủ lâu để thu hút và phát triển mạnh mẽ các nhà đầu tư tổ chức. Trong khi đó, các thị trường chứng khoán phát triển đã tồn tại trong nhiều thập kỷ, có thời gian phát triển hệ thống tài chính và cơ sở hạ tầng để hỗ trợ các nhà đầu tư tổ chức.

Để đẩy mạnh số lượng nhà đầu tư tổ chức, góp phần giúp thị trường phát triển bền vững, PGS.TS Nguyễn Hữu Huân cho rằng, cần có biện pháp từ hai phía. Từ phía nhà đầu tư cá nhân thiếu nguồn lực, thông tin và kiến thức, cơ quan quản lý cần đẩy mạnh giáo dục, tuyên truyền nhiều hơn về tầm quan trọng của quỹ đầu tư và lợi ích của việc uỷ thác đầu tư hơn là tự giao dịch.

“Nhà đầu tư nhỏ lẻ xuất phát từ nhiều ngành nghề, tầng lớp khác nhau, chỉ có ít trong số đó là được đào tạo bài bản về tài chính, nên khả năng chiến thắng thị trường rất thấp. Thay vì tự mình đầu tư khi không có kiến thức, kinh nghiệm, nhà đầu tư cá nhân nên tiếp cận phương pháp uỷ thác vào các tổ chức, quỹ đầu tư chuyên nghiệp”, PGS.TS Nguyễn Hữu Huân khuyến nghị, nhưng cũng nhấn mạnh, với tâm lý tự đầu tư đã ăn sâu, thị trường cần thời gian và hiệu quả thực tế cao của các quỹ để thay đổi lối tư duy cũ của nhà đầu tư cá nhân.

Từ phía các nhà đầu tư tổ chức, cơ quan quản lý cần nhanh chóng hiện thực mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán, qua đó có thêm các sản phẩm mới và thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài. Nhiều nhà đầu tư tổ chức, quỹ đầu tư nước ngoài có định hướng đầu tư vào các thị trường mới nổi, nên ở thị trường cận biên có mức độ rủi ro cao như Việt Nam hiện nay, họ hạn chế đầu tư. Cùng với việc nâng hạng thị trường, Nhà nước nên có chính sách thu hút dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài như nới “room” ngoại, hỗ trợ thuế, đồng thời phát triển các quỹ hưu trí, quỹ đầu tư.

Theo bà Phạm Huyền Trang, Giám đốc Phân tích cổ phiếu, Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research), thường xuyên gặp gỡ các nhà đầu tư tổ chức để xúc tiến cơ hội đầu tư, SSI Research nhận thấy sự quan tâm cũng như dòng tiền tiềm năng muốn đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam là rất lớn. Khi được nâng hạng, những cổ phiếu vốn hóa nhỏ có tiềm năng tăng trưởng mà còn “room” ngoại có thể thu hút mạnh mẽ nhà đầu tư nước ngoài.

Với các nhà đầu tư tổ chức trong nước, những năm gần đây có không ít quỹ đầu tư tự động, quỹ ETF có dòng tiền đến từ Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc) và giao dịch theo các chỉ số do Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM xây dựng.

Theo Quyết định số 1726/QĐ-TTg ngày 29/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030, mục tiêu số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán đạt 9 triệu tài khoản vào năm 2025 và 11 triệu tài khoản vào năm 2030. Trong đó, Chiến lược nhấn mạnh vào việc tập trung phát triển nhà đầu tư có tổ chức, nhà đầu tư chuyên nghiệp và thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài.

Kiều Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,209.52 0.0 0.0% 154,884 tỷ
HNX 226.82 0.0 0.0% 1,394 tỷ
UPCOM 88.76 0.1 0.11% 447 tỷ