Thị trường rộng lớn
Với EVFTA, dệt may, thủy sản, nông sản, gỗ... là những mặt hàng được xem là có thị trường rộng lớn nhất. Ðơn cử, quy mô thị trường dệt may EU vào khoảng 250 tỷ USD, trong khi năm 2019, xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang EU đạt 4,3 tỷ USD, chỉ chiếm 2% tổng lượng nhập khẩu của EU.
Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU cả năm 2019 mới đạt 1,25 tỷ USD trong hàng trăm tỷ USD giá trị tiêu thụ. Tôm, cá ngừ, cá tra, mực, bạch tuộc, chả cá surimi… được nhìn nhận có cơ hội rất lớn.
Tương tự, rau quả nhập khẩu từ Việt Nam mới chỉ chiếm 0,08% lượng nhập khẩu của EU. Hay nhu cầu tiêu dùng mặt hàng gỗ của EU lên tới 85 tỷ USD/năm. Vậy mà năm 2019, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ VN-EU chỉ đạt 847 triệu USD (chiếm khoảng 1%).
Với EVFTA, hàng Việt Nam được nhiều doanh nghiệp ngỡ rằng sẽ có lợi thế cạnh tranh hơn hàng của Trung Quốc, Thái Lan...
Ví dụ, 94% số dòng thuế rau quả và các sản phẩm từ rau quả, được giảm từ mức 10-20% xuống 0%. Hay 42,5% số dòng thuế hàng dệt may vào EU sẽ được giảm ngay về 0% ngay sau khi EVFTA có hiệu lực. 47,5% số dòng còn lại sẽ giảm dần về 0% trong 5-7 năm.
Nhưng đó chỉ là xét về thuế. Trên các khía cạnh khác, có rất nhiều thách thức buộc doanh nghiệp phải vượt qua.
Doanh nghiệp cần tập “nhảy sào”
Cho rằng cơ hội là rất lớn, một chuyên gia trong ngành chỉ ra nhiều hạn chế của các ngành sản xuất Việt Nam.
Ví dụ, đối với lĩnh vực nông sản, bảo quản sau thu hoạch còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu vận chuyển rau quả đi xa và xuất khẩu. Bên cạnh đó, doanh nghiệp thường sản xuất phân tán, tỷ lệ hao hụt lớn, giá thành sản phẩm cao, chất lượng không đồng đều, khó kiểm soát.
Còn TS. John Walsh, chuyên gia về kinh doanh quốc tế cho biết, EU áp dụng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và kiểm dịch động - thực vật thuộc hàng cao nhất trên thế giới.
Những tiêu chuẩn này có thể sẽ ngặt nghèo hơn nữa sau đại dịch Covid-19. EU cũng đề cao việc hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu và thuốc bảo vệ thực vật hơn nhiều khu vực khác.
Ngoài ra, một số chuỗi bán lẻ cao cấp có thể có tiêu chuẩn riêng, thậm chí còn cao hơn các tiêu chuẩn chung, bởi chất lượng sản phẩm là lợi thế cạnh tranh của họ.
Từ trải nghiệm của mình ở quê hương, chuyên gia này kể: “Nhiều người tiêu dùng châu Âu đưa ra quyết định mua hàng dựa trên các tiêu chí như mức sử dụng hóa chất, các vấn đề thương mại công bằng và đối xử nhân đạo với vật nuôi. Tất nhiên, số người mua hàng dựa trên giá cả vẫn đông đảo hơn và nhiều nhà bán lẻ giá rẻ đang phục vụ cho những khách hàng này. Song, những nhà bán lẻ như vậy không mang lại lợi nhuận cao cho các nhà cung cấp”.
“Ðể tránh bị coi là sản phẩm thô và chỉ cạnh tranh được bằng giá thành, sản phẩm phải được chế biến, đóng gói và có thương hiệu chuyên nghiệp, đồng thời phải đáp ứng được các tiêu chuẩn cần thiết. Mục đích cuối cùng là thu được lợi nhuận lớn hơn, bởi lẽ người tiêu dùng thường sẵn sàng trả giá cao hơn cho hương vị, hình ảnh và thương hiệu tốt”, TS. John Walsh nói và nhấn mạnh, để đáp ứng các tiêu chuẩn cần thiết cho xuất khẩu, nhà sản xuất Việt cần xem xét tất cả các khía cạnh của quá trình sản xuất.
Điều doanh nghiệp cần làm là hãy nhắm đến các tiêu chuẩn cao nhất để đảm bảo sản phẩm có thể cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Ðiều hợp lý cần làm là hãy nhắm đến các tiêu chuẩn cao nhất để đảm bảo sản phẩm có thể cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Doanh nghiệp cần thay đổi tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới, lấy sức ép về cạnh tranh là động lực để đổi mới và phát triển là khuyến nghị chung của nhiều chuyên gia.
Cụ thể là cần chú trọng vấn đề vệ sinh thực phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn và quy trình quản lý do EU quy định, đảm bảo quy tắc xuất xứ khi xuất khẩu vào EU.
Ðề cao yếu tố giá trị, giới chuyên gia khuyến nghị, biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng đến Việt Nam nên sẽ không bền vững về lâu dài nếu các nhà sản xuất vẫn duy trì sản xuất thực phẩm giá rẻ ở quy mô lớn, vì theo đà này đất đai sẽ rất dễ thoái hoá, bạc màu.
Tư duy và quản lý thông minh có thể giúp các vùng miền làm mới bản thân với những sản phẩm cao cấp. Ðảo Hokkaido ở Nhật Bản là một ví dụ.
Là vùng nông nghiệp, Hokkaido từng bị tụt hậu trong quá trình hiện đại hóa công nghiệp ở Nhật Bản.
Ðể thúc đẩy kinh tế địa phương, nền nông nghiệp cơ bản được bổ trợ bởi việc nghiên cứu những sản phẩm mới, trong đó có rượu vang, sô cô la, phô mai và các sản phẩm có giá trị gia tăng cao khác, điều chưa từng thấy ở Nhật Bản trước đó. Cũng nhờ vậy mà du lịch ở đây đã khởi sắc.
Tại Việt Nam, hiện đã có một số dự án sản xuất địa phương đáng chú ý và có tiềm năng cạnh tranh quốc tế như lĩnh vực nuôi trồng thủy sản và trồng nhân sâm.
“Các nhà sản xuất có thể vừa đổi mới sản phẩm, vừa thâm nhập mạnh mẽ hơn vào thị trường châu Âu, đồng thời tìm cách vượt qua những biến động của đại dịch”, TS. John Walsh khuyến nghị.
... Để hành trình không đơn độc
Trong quá trình lớn lên và thích ứng để có thể tận dụng cơ hội, bên cạnh nỗ lực tự thân của doanh nghiệp, hỗ trợ của Chính phủ và chính quyền địa phương là rất quan trọng để hiện thực hóa điều này.
“Chính phủ Việt Nam cần hợp tác với các trường đại học, trung tâm nghiên cứu cũng như doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước để giúp nâng cao tiêu chuẩn địa phương, điều chỉnh phương thức sản xuất nội địa và phát triển các sản phẩm giá trị gia tăng, thì mới có thể cạnh tranh trên trường quốc tế”, TS. John Walsh khuyến nghị.
Ông Nicolas Audier, Chủ tịch EuroCham nhìn nhận, để có thể khai thác hết tiềm năng cũng như tận dụng được các ưu đãi của EVFTA, sẽ có một số thách thức đối với các sản phẩm của Việt Nam khi muốn tăng xuất khẩu sang châu Âu.
Theo đó, các sản phẩm xuất khẩu sẽ cần phải đáp ứng các yêu cầu an toàn nghiêm ngặt của EU, bao gồm các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch thực vật. An toàn thực phẩm là rất quan trọng và người tiêu dùng phải tin tưởng rằng, sản phẩm được bán và tiêu thụ đáp ứng các tiêu chuẩn cao này.
“Các nhà sản xuất trong nước phải nhận thức được các tiêu chuẩn này, phải chia sẻ thông tin và xây dựng năng lực từ cả cơ quan quản lý và cộng đồng doanh nghiệp”, ông Nicolas Audier khuyến nghị.
Với các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam, chi phí logistic luôn là câu chuyện phải đong đếm và việc giải bài toán này cần sự quản lý ở tầm vĩ mô. Lãnh đạo CTCP Sản xuất và công nghệ Nhựa Pha Lê cho biết, giá sản phẩm hạt nhựa 200.000 đồng/tấn, vận tải từ Nghệ An - Sài Gòn để xuống cảng xuất khẩu mất 340.000 đồng cước vận tải.
Ðề cập đến sự vất vả của doanh nghiệp Việt trong công cuộc cạnh tranh quốc tế, ông Ngô Văn Tuyển, chuyên gia kinh tế cho biết, các doanh nghiệp xuất khẩu Trung Quốc được hỗ trợ rất lớn về mặt chính sách như được hoàn thuế, có trung tâm thanh toán tập trung toàn cầu...