EVFTA tiếp lửa cho M&A vào bán lẻ

0:00 / 0:00
0:00
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú nhận định, khi EVFTA đi vào thực thi, thời gian tới, làn sóng mua bán - sáp nhập (M&A) tiếp tục bùng nổ trong lĩnh vực bán lẻ.
EVFTA tiếp lửa cho M&A vào bán lẻ

Ngày 1/8, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực, kỳ vọng mở ra nhiều cơ hội cho ngành bán lẻ Việt Nam, song cũng là thách thức khi hàng hóa EU tràn vào thị trường nội địa, cộng thêm tâm lý sính ngoại của người tiêu dùng, liệu hàng Việt Nam có bị lép vế, thưa ông?

Chúng ta mở cửa thương mại với các nước đã ký FTA, hàng hóa các nước chắc chắn sẽ vào Việt Nam, EVFTA cũng không phải ngoại lệ. Hiệp định mang lại cơ hội mua sắm cho người tiêu dùng, nhưng lại là sức ép với hàng Việt.

Hàng hóa EU có chất lượng cao, mẫu mã đẹp, cộng thêm tâm lý ưa chuộng hàng ngoại của nhiều người tiêu dùng, trong khi vẫn có một số hàng nội đang bị làm giả, chất lượng kém, dẫn đến mất niềm tin của khách hàng.

Thực tế trên kệ hàng ở các siêu thị, chỉ có các mặt hàng tươi sống thì hàng nội mới chiếm tỷ lệ cao, còn các mặt hàng như điện máy, hàng tiêu dùng cao cấp thì hàng ngoại chiếm tỷ lệ nhiều hơn.

Theo ông, doanh nghiệp Việt cần làm gì để có thể giữ vững thị phần?

Thị trường nội địa với quy mô hơn 96 triệu dân, thu nhập ngày càng tăng, kênh siêu thị hiện đại mới chiếm 25%, là mảng đất màu mỡ các nhà đầu tư đều muốn nhảy vào. Do đó, các doanh nghiệp Việt muốn giữ thị trường nội, theo tôi, cần làm những việc sau.

Thứ nhất, phải cải thiện quy mô. Hiện nay, doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, các doanh nghiệp lớn chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Thứ hai, thay đổi năng suất thương mại và phương thức quản trị doanh nghiệp, đào tạo đội ngũ nhân lực.

Thứ ba, thay đổi khâu tập trung nguồn hàng. Hiện doanh nghiệp bán lẻ vẫn còn thông qua nhiều khâu trung gian khiến giá bán vẫn còn chênh lệch lớn.

Thứ tư, các doanh nghiệp cần thay đổi phương thức bán hàng khi chúng ta đã có lúc lãng quên kênh bán lẻ truyền thống, “bán lẻ bỏ quên chợ”.

Thứ năm, các doanh nghiệp phải liên kết với nhau, mua chung, bán chung sẽ được nhiều cái lợi. Phải chấm dứt tình trạng các nhà bán lẻ lớn có thế mạnh chèn ép nhà cung ứng, nhà sản xuất về chiết khấu.

Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp sản xuất hàng Việt Nam cũng được đánh giá có nhiều lợi thế đưa hàng vào hệ thống bán lẻ của EU nhờ ưu đãi thuế quan, nhưng để bán được hay không lại là chuyên khác. Theo ông, các doanh nghiệp phải làm gì để giải bài toán mở cửa thị trường EU?

Thị trường EU với quy mô 500 triệu dân, thu nhập ở mức cao, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bình quân khoảng 18.000 tỷ euro/năm. Tiềm năng với ngành hàng Việt Nam là rất lớn.

Từ ngày 1/8, EVFTA có hiệu lực, nhưng theo thống kê chỉ có 10% doanh nghiệp biết tương đối kỹ về Hiệp định, 60% doanh nghiệp mới đọc qua, 20% doanh nghiệp chưa biết đến EVFTA.  Do vậy, theo tôi, trước tiên là doanh nghiệp phải tìm hiểu kỹ các ưu đãi thuế quan, tiến độ giảm thuế với từng mặt hàng. 

Tiếp theo phải tìm hiểu nguyên tắc thâm nhập thị trường. Trong đó, chú trọng nguyên tắc chung của EU là phát triển bền vững, điều kiện lao động khi sản xuất, minh bạch về nguồn gốc… Đặc biệt, hàng hóa Việt phải lấy được lòng tin của người tiêu dùng trong nước, cạnh tranh được ngay ở thị trường nội địa, thì mới có thể xuất khẩu sang thị trường khó tính như EU.

Nhiều ý kiến cho rằng, khi EVFTA có hiệu lực sẽ là sức hút các doanh nghiệp lớn của EU đẩy mạnh đầu tư vào ngành bán lẻ của Việt Nam, đặc biệt là khi bỏ chốt chặn “kiểm tra nhu cầu kinh tế” vào năm 2025, sẽ mở toang cánh cửa bán lẻ. Với sự hấp dẫn từ thị trường và ưu đãi như vậy, trong thời gian tới liệu có làn sóng FDI vào ngành hàng bán lẻ hay không?

Tôi phải khẳng định rằng, thực thi EVFTA, các doanh nghiệp lớn từ EU đẩy mạnh đầu tư vào ngành bán lẻ của Việt Nam là điều tất yếu. Đặc biệt làn sóng M&A trong ngành hàng bán lẻ sẽ bùng nổ mạnh mẽ.

Những doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ, nhu cầu về vốn rất lớn, cũng như kỳ vọng tăng cường năng lực phân phối, nên sẽ sẵn sàng mời đối tác đầu tư để phát triển nhanh và bền vững, tiếp cận công nghệ từ nước ngoài để hai bên cùng có lợi... thì M&A là con đường ngắn và nhanh nhất.

Trên thị trường bán lẻ những năm gần đây chứng kiến rất nhiều thương vụ M&A của công ty nước ngoài. Trong đó, hai thương vụ M&A đình đám liên quan đến Sabeco và BigC là ví dụ rõ ràng nhất về quyết tâm chiếm lĩnh thị trường bán lẻ Việt Nam của các doanh nghiệp ngoại.

Thu Phương
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục