Không để người dân sống dưới gầm thảm họa - Bài 4: Cuộc sống đang dần hồi sinh

0:00 / 0:00
0:00
Trên những đống đổ nát và bùn lầy, cuộc sống mới của người dân thoát nạn từ các vụ sạt lở đất, biển lấn làng đã bắt đầu hồi sinh và đi vào ổn định.
Làng mới của người dân nóc Ông Đề, xã Trà Leng (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) Làng mới của người dân nóc Ông Đề, xã Trà Leng (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam)

Bài 4: Cuộc sống đang dần hồi sinh

Trên những đống đổ nát và bùn lầy, cuộc sống mới của người dân thoát nạn từ các vụ sạt lở đất, biển lấn làng đã bắt đầu hồi sinh và đi vào ổn định.

Dựng lại từ những hoang tàn

Ông Nguyễn Thành Sơn, ở xã Trà Leng (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) khoe cuốn sổ đỏ, chỉ tay vào những dòng chữ ghi rõ ràng tên chủ hộ, diện tích đất và địa chỉ.

“Gần 60 năm cuộc đời, lần đầu tiên tôi được cầm sổ đỏ. Nhà nước cấp cho cái này chứng tỏ đất đai, tài sản và nhà cửa chính danh là của mình rồi đó. Trước sống trên đất khai hoang, tự dựng nhà để ở, không có sổ, nhưng nay có thể an tâm để sống và an toàn trước những trận lũ”, ông Sơn cười rạng rỡ, gương mặt ánh lên niềm vui.

Ông Sơn bị mất người thân trong vụ sạt lở núi tại làng cũ nóc Ông Đề tháng 10/2020. “Vợ mất tích trong trận lũ, căn nhà cũng bị vùi lấp hoàn toàn. Được sự quan tâm của Nhà nước, tôi được nhận nhà mới. Nếu không có sự giúp đỡ thì không biết đến lúc nào tôi mới có chốn nương thân ổn định”, ông tâm sự.

Thảm khốc hơn ông Sơn, ông Hồ Văn Đề trắng tay sau vụ sạt lở đất, không chỉ nhà cửa, tài sản, mà mất luôn cùng lúc 8 người thân. Nỗi đau đã vơi bớt phần nào sau 1 năm ông Đề về nhà mới, cuộc sống ở bản làng mới khang trang và an toàn. Được sự quan tâm, động viên, sẻ chia và cưu mang đùm bọc của xã hội, ông Hồ Văn Đề đã gượng dậy.

Thấu hiểu những mất mát mà người dân trên dãy Trường Sơn phải gánh chịu sau thiên tai, nên ngay trong mưa lũ, để có chỗ ở cho bà con, đảm bảo cái ăn, cái mặc, bên cạnh việc kêu gọi sự góp sức của cộng đồng, huyện Nam Trà My đã bắt tay khảo sát và chọn địa điểm xây dựng khu tái định cư cho đồng bào. Khu tái định cư có diện tích 6 ha, thuộc thôn 2, xã Trà Dơn, cách làng Ông Đề 5 km. Mỗi hộ được cấp 200 m2 đất, bao gồm cả xây nhà, vườn tược để họ sản xuất, chăn nuôi.

“Bà con nay đã khôi phục sản xuất, thu hoạch được một mùa lúa rẫy, cuộc sống đã dần ổn định rồi”, ông Lưu Huyền Thoại, Chủ tịch UBND xã Phước Lộc (huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam) khoe qua điện thoại.

Mùa mưa lũ năm ngoái, đất đá trên núi xã Phước Lộc sạt lở, cuốn trôi 97 ngôi nhà, 13 người dân bị thiệt mạng. Bắt tay vào tái thiết sau thiên tai khi tất cả đều không: không đường, không nhà, không điện, không liên lạc thông tin… Bằng sự chung tay của cả nước, Phước Lộc đã sớm cải tạo mặt ruộng bị sa bồi, thủy phá; nối lại hệ thống điện, nước, thông tin liên lạc; tái định cư các hộ dân.

Thời gian là liều thuốc chữa lành những vết thương nhức nhối. Mới đó mà đã 1 năm sau thảm họa kinh hoàng tại thủy điện Rào Trăng 3 (Phong Điền, Thừa Thiên Huế). Căn nhà nhỏ có vườn rau đã mọc lên xanh tốt là của công nhân Nguyễn Bá Tuyến bị thiệt mạng. Từ ngày anh Tuyến mất, bà Bình (mẹ anh Tuyến), vợ và con anh Tuyến nhận được nhiều sự quan tâm của xã hội. “Tinh thần đã cân bằng, vật chất cũng đủ đầy hơn, mất mát đã nguôi ngoai”, bà Bình nói.

Một năm sau những thảm họa sạt lở đất qua đi, những làng tái định cư, những ngôi nhà mới ở Trà Leng, Trà Vân, Phước Lộc (Quảng Nam), Hướng Phùng (Hướng Hóa, Quảng Trị), Rào Trăng (Thừa Thiên Huế)… được dựng lên. Quá khứ đau thương đã lùi về phía sau. Ám ảnh về sạt lở, thiên tai và mất mát mờ dần, người dân đã bắt nhịp với cuộc sống hiện tại, hy vọng về tương lai mới mở ra.

Còn đó trăn trở

Ông Đặng Thế Nhân, Trưởng phòng Chương trình sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu và cộng đồng an toàn (ActionAid Quốc tế tại Việt Nam - AAV) khi nhắc lại thảm họa thiên tai năm 2020 đã không giấu cảm xúc: “Trăn trở lớn nhất luôn bám chặt lấy tâm trí tôi là câu hỏi về cuộc sống tiếp theo của người dân miền Trung mà họ đã trải qua. Sạt lở đất cuối năm 2020 là tình trạng tồi tệ nhất được ghi nhận trong 100 năm qua. Người dân trong nước, kiều bào nước ngoài đều hướng về miền Trung, đồng cảm sâu sắc với nỗi đau và mất mát của đồng bào mình”.

Từ cuối tháng 11/2020, AAV và Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội (AFV) đã có dịp làm việc với Hội Nhà báo tại 4 tỉnh: Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Nam và Quảng Ngãi để triển khai chương trình “Hỗ trợ khắc phục hậu quả và phục hồi sinh kế sau bão lũ tại miền Trung - Giai đoạn I”.

“Trăn trở nữa là sau những lần hỗ trợ khẩn cấp cho người dân nơi đây ứng phó với thiên tai, đâu mới là cách tốt nhất để giúp họ thực sự làm chủ cuộc sống của mình trước những thảm họa từ biến đổi khí hậu”, ông Nhân chia sẻ.

Cũng theo ông Nhân, nhìn lại câu chuyện cứu trợ, trên thực tế, nhu cầu của người dân ở mỗi nơi, mỗi giai đoạn sau thiên tai là khác nhau. Vì vậy, ứng phó và hỗ trợ phục hồi sinh kế cho người dân hậu thiên tai là hoạt động phức tạp, cần sự tham gia của các tổ chức chuyên nghiệp trong và ngoài nước. “Tôi có nỗi lo rằng, biến đổi khí hậu và những ảnh hưởng nặng nề của nó tới miền Trung Việt Nam mới chỉ bắt đầu”, ông Nhân nói thêm.

Tại cuộc họp trực tuyến chỉ đạo ứng phó với áp thấp nhiệt đới và mưa lũ do Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai tổ chức mới đây, ông Trần Quang Hoài, Phó trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết, mỗi khi có thiên tai, hoạt động cứu trợ được tổ chức rất nhiều và thực tế đã phát huy hiệu quả tốt. Riêng năm 2020, quốc tế đã hỗ trợ cho người dân khu vực miền Trung hơn 25 triệu USD. Nguồn lực này đã giúp các địa phương xây dựng lại các công trình, dựng lại nhà cửa, tạo sinh kế và đầu tư xây dựng, phát triển các mô hình thích ứng thiên tai.

Tuy nhiên, thiệt hại do thiên tai là vô cùng lớn, vượt mọi tính toán, dự lượng của người dân và đẩy chính quyền địa phương rơi vào thế bị động, lúng túng. Để sớm đưa người dân trở lại trạng thái “bình thường mới”, những địa phương miền Trung đã đưa ra các giải pháp cụ thể, nhưng vấn đề lại là… tiền đâu để tái thiết.

“Cần có chính sách tín dụng ưu đãi theo hình thức cho vay vốn hoặc một gói vốn ODA để xử lý khẩn cấp, khôi phục công trình phòng chống thiên tai, đường giao thông và các công trình kết cấu hạ tầng thiết yếu sau thiên tai”, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, ông Võ Văn Hưng đề xuất.

“Trước thiên tai, không ai biết sẽ thiệt hại bao nhiêu. Thiên tai qua đi rồi mới thống kê được. Năm 2020, thiệt hại hơn 11.000 tỷ đồng, bằng 2/3 thu ngân sách của Quảng Nam trong năm. Cứu trợ cấp bách thì cơ bản ổn, còn lâu dài, bền vững thì địa phương rất đau đầu. Đây là bài toán tổng hợp cần nhiều phương án từ các bộ, ngành Trung ương để đưa ra đáp án cuối cùng, không chỉ cho Quảng Nam”, ông Hồ Quang Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam phân tích.

“Kinh phí thiệt hại do thiên tai có bao giờ nằm trong kế hoạch tài chính của địa phương nào đâu. Mà khoản này chỉ có chi, chứ không có thu. Chi thì địa phương không có nguồn, nên lại đành phải đi xin Trung ương cho những giải pháp dài hơi”, ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi nói thêm.

Để tái thiết sau thiên tai miền Trung, giữa tháng 12/2020, Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan và các địa phương vận động các nhà tài trợ (ADB, WB, JICA...) và lập đề xuất một số dự án vay vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài để thực hiện dự án cấp bách khắc phục bão, lũ.

Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang cùng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai đề xuất Chính phủ đầu tư có trọng tâm, trọng điểm ở các địa phương, lồng ghép với Chương trình Di dân vùng núi (kinh phí 100.000 tỷ đồng), Chương trình xây dựng nông thôn mới, cùng các chương trình khác để huy động tổng hợp các nguồn lực tái thiết, phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền Trung nói chung và các vùng thiên tai nói riêng để thích ứng, sống chung với thiên tai, phát triển bền vững.

Đồng thời, thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tích cực xúc tiến các dự án ODA gồm: Dự án Khắc phục khẩn cấp kết cấu hạ tầng một số tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai (Nghệ An đến Phú Yên) do ADB tài trợ khoảng 5.750 tỷ đồng; Dự án Tăng cường khả năng chống chịu khu vực ven biển của WB tài trợ khoảng 6.900 tỷ đồng và vận động Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ Dự án Tư vấn, đánh giá toàn diện tình hình thiên tai và các tác động đến Việt Nam.

Theo Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) năm 2020, cả nước xảy ra 16 loại hình/576 đợt, trận thiên tai, gồm: 14 cơn bão trên biển Đông; 265 trận dông, lốc, mưa lớn trên 49 tỉnh/thành phố, trong đó 9 đợt trên diện rộng tại 21 tỉnh Bắc bộ và Trung bộ; 120 trận lũ, lũ quét, sạt lở đất; đặc biệt là đợt mưa lũ lớn lịch sử từ ngày 6-22/10 tại khu vực Trung bộ, nhất là tại các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế...

- 357 người chết, mất tích và 876 người bị thương.

- 3.429 nhà ở bị sập, 333.084 nhà bị hư hại; 511.172 lượt nhà bị ngập.

- 144.000 ha lúa và 54.000 ha hoa màu bị thiệt hại; 51.923 con gia súc và 4,11 triệu con gia cầm chết, bị cuốn trôi.

- 787 km đê kè, kênh mương bị sạt lở, hư hỏng; 272,5 km bờ biển, sông bị sạt lở.

- Ước tính thiệt hại về kinh tế hơn 37.400 tỷ đồng (mưa lũ miền Trung là 32.900 tỷ đồng).

lĐể khắc phục hậu quả, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định hỗ trợ các địa phương số tiền 2.161,8 tỷ đồng. Trong đó, khắc phục hậu quả mưa lũ miền Trung là 1.250 tỷ đồng; cấp cho miền Trung 19.396 tấn gạo cứu đói.

- 55 quốc gia và tổ chức quốc tế hỗ trợ với tổng kinh phí là 25,06 triệu USD (tương đương 583,5 tỷ đồng) cho các tỉnh miền Trung khắc phục hậu quả thiên tai.

lCác địa phương đề nghị tiếp tục hỗ trợ về kinh phí: 9.226 tỷ đồng; trong đó Nghệ An (978 tỷ đồng); Hà Tĩnh (200 tỷ đồng); Quảng Bình (383 tỷ đồng); Quảng Trị (1.718 tỷ đồng); Thừa Thiên Huế (1.005 tỷ đồng); Quảng Nam (1.570 tỷ đồng); Quảng Ngãi (1.500 tỷ đồng); Kon Tum (1.306 tỷ đồng); Gia Lai (145 tỷ đồng); Đắc Lắc (94 tỷ đồng); Đắc Nông (93 tỷ đồng); Lâm Đồng (235 tỷ đồng).

- Về giống cây trồng: hỗ trợ 615,8 tấn giống lúa; 130,48 tấn giống ngô; 1,48 tấn giống rau cho 3 tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi.

Hà Minh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục