Bài 2: Biển xé bờ, làng mạc bị xóa sổ
Đất bị biển ngoạm sâu, làng mạc bị xóa sổ, bãi biển hoang tàn, cửa sông bồi lấp, người dân ở những ngôi làng ven biển miền Trung vẫn đang tiếp tục bị đẩy lùi sâu vào bên trong...
Những ngôi làng bị “gạch tên” và xé nát
Đầu tháng 11/1999, Thừa Thiên Huế mưa trắng trời, xối xả ngày này qua ngày khác. Nước từ thượng nguồn sông Hương đổ về, TP. Huế chìm sâu cả mét nước. Lũ lụt vây quanh tất cả khu dân cư, trường đại học, bệnh viện, bến xe, chỉ có nhà ga cao hơn, nên nước chưa chạm đến. Năm đó, khi nước rút, chúng tôi - những sinh viên năm thứ 2, Trường đại học Khoa học Huế - chia nhau đi dọn lũ giúp dân, dọn bùn ở các trường học và tình nguyện quyên góp ủng hộ chi phí đưa những nạn nhân bị tử vong bởi nước lũ đặt tạm trước Công viên Hai Bà Trưng (ven bờ sông Hương) chờ được nhận dạng để đưa về mai táng.
Khi cuộc sống dần trở lại bình thường, quay lại giảng đường, các giảng viên Khoa Báo chí đưa chúng tôi đi thực tế tại nơi thiệt hại nặng nề nhất do lũ - làng Hải Thành (Phú Vang). Hải Thành, chỉ còn cái tên, không thấy làng. Nước biển dâng, nước lũ thượng nguồn đổ xuống đập Hòa Duân phía trên làng Hải Thành vỡ toác, cuốn phăng làng Hải Thành với 64 ngôi nhà, 14 người dân ra biển. “Giảng đường” đó ám ảnh tôi cho đến hôm nay.
Hai mươi hai năm sau cơn địa chấn ấy, chúng tôi quay lại, đất đai, nhà cửa và nhiều người dân năm đó có lẽ đã hòa vào lòng biển, cập vào nơi nào đó... vô định. Người dân làng chài Hải Thành còn sống sót di dời, lập làng mới. Lúc đó, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu về thăm và đặt tên làng mới là làng Rồng.
Chúng tôi gặp lại bà Trịnh Thị Điểm, người dân ở làng chài Hải Thành năm xưa, nay đã gần 50 tuổi. Nhớ lại trận lũ, bà vẫn không khỏi hãi hùng.
“Từ khi sinh ra ở Hải Thành, người dân chưa bao giờ thấy nước nhiều đến thế. Nước dâng cao chóng mặt, những tiếng kêu thét giữa đêm khuya rồi im bặt. Nước ào ào, sóng biển vỗ ầm ầm vào bờ cát. Nước tràn vào nhà, hai mẹ con tôi bị dòng nước hất tung lên, rồi rơi xuống. Tôi quơ tay bám được thân cây phi lao. Sau hơn 5 giờ bị ngâm dưới nước, hai mẹ con kiệt sức. Tôi thấy le lói ánh sáng, loáng thoáng bóng dáng bộ đội và người dân chạy tới, rồi lịm đi. May mắn còn sống…”, bà Điểm bùi ngùi kể.
Hải Thành là điển hình cho những ngôi làng chênh vênh ven biển, bên cạnh những ngôi làng luôn bị thiên tai đe dọa.
Ở huyện Phú Lộc (Thừa Thiên Huế), Giang Hải là xã bãi ngang ven biển, nằm ngay cửa biển Tư Hiền bên lở, bên bồi. 10 năm trở lại đây, ở Giang Hải chứng kiến “biển đánh bờ”. Chỉ tay vào phần biển ngày xưa là đất ruộng sản xuất, ông Nguyễn Quang Tăng (thôn Mỹ Cảnh) nói: “Ngay chỗ đó, trước kia, bên ngoài còn có một dải đồi cát che chắn, nhưng đến nay thì mất hết. Biển xâm thực, có năm lấn vào đất liền hai chục mét, hàng quán trước đây bị đánh sập hoàn toàn; tuyến tỉnh lộ 21 cách biển hơn 50 m cũng bị sóng đánh gây xói lở, đứt gãy cả cây số”.
Trong khi đó, tại huyện Phú Vang, dù đã xây dựng kè biển, nhưng tình trạng biển ngoạm vào đất liền đang diễn ra cực kỳ nghiêm trọng. Gần 4.300 hộ dân ở các thôn An Dương 1, An Dương 2 và An Dương 3 thấp thỏm với sạt lở, nước biển dâng. Ông Phan Thanh Hùng, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế cho hay, trên địa bàn tỉnh có 10 điểm bị sạt lở với chiều dài hơn 14 km ven biển, “ăn” vào đất liền từ 5 đến 20 m.
Dọc dải ven biển về phía Nam, làng chài Phước Thiện, xã Bình Hải (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) từng được gọi là “làng nhô” (nhô ra biển), thì nay lại đảo chiều. Nơi đây, không năm nào là biển không lấn đất. Biển lấn, nhà dân lùi vào trong, lùi đến gần đường liên xã cách biển cả trăm mét, nay chỉ cách đúng một dãy nhà. Vậy nhưng, cuộc sống của người dân nơi đây vẫn đang từng ngày, từng giờ bất an, bởi lũ ống có thể xuất hiện bất cứ khi nào. Có những hộ gia đình đã “cưa đôi” căn nhà, một phần giữ để ở, phần còn lại để chờ… biển vào mang đi.
Đó là gia đình ông Phạm Tri. Ông Tri đã thuê nhóm thợ đến “cưa” ngôi nhà. “Nếu sóng biển có tràn vào, thì cuốn đi gian bếp, vợ chồng tôi còn lại gian nhà trên để nương thân”, ông Tri nói.
Cách nào để ngăn “cơn thịnh nộ” của biển?
Gần hai thập kỷ trước, biển Cửa Đại (Hội An, Quảng Nam) được vinh danh là một trong những bãi biển đẹp nhất hành tinh với hàng dừa soi bóng, bãi cát vàng thoai thoải ra xa gần 100 m. Bãi biển đẹp long lanh đó nay hoàn toàn biết mất, thay vào đó là những bao cát, cống bê tông, cọc tre cũ, mới cài răng lược được gia cố theo từng năm để hạn chế sóng biển; dừa ngã đổ bật gốc ngổn ngang; các khu nghỉ dưỡng đầu tư hàng trăm triệu USD nghiêng ngả theo cơn thịnh nộ của biển.
Theo ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, xói lở, sạt lở bờ biển Cửa Đại ngày càng nghiêm trọng. Đến nay, có vị trí bờ biển bị xói lở, ăn sâu vào đất liền 60 - 70 m. Bãi tắm Cửa Đại đã biến mất, không còn chút dấu vết.
Trong khi đó, chủ đầu tư dự án 5 sao Palm Garden Resort Hội An, ông Nguyễn Thành Sang bất lực: “Tôi không biết phải làm cách gì để cứu tài sản khỏi sự hung tợn của biển. Biển xé toạc bờ kè, xoáy vào nền móng biệt thự, đánh sập hạ tầng khu nghỉ dưỡng. Mỗi lần mưa bão tới, chúng tôi lại bất lực nhìn tài sản bị sóng vùi dập”.
Những năm qua, hàng trăm tỷ đồng đã được chính quyền Quảng Nam chi vào đây để giữ 7 km bờ biển Cửa Đại đang xói lở, nhưng biển vẫn không thấy “mệt nhoài” dù suốt ngày “ầm ĩ”. Tình trạng xâm thực, sạt lở tiếp tục nghiêm trọng, các khu nghỉ dưỡng cao cấp bị sóng biển đánh tan tành. Nhiều hội thảo quốc gia và quốc tế tìm kiếm nguyên nhân, giải pháp cho bờ biển Cửa Đại đã được tổ chức. Nhưng đến nay, nguyên nhân chính gây sạt lở bờ biển Cửa Đại vẫn đang trong tình trạng… phân tích nguyên nhân.
Là người đã có những đóng góp giải pháp khắc phục sạt lở Cửa Đại bằng phương pháp kè mềm bao cát, TS. Ngô Anh Đào (Công ty Tư vấn quy hoạch và thiết kế cảnh quan LAPAT International) cho rằng: “Tất cả phương án bảo vệ bờ biển Hội An khi được đưa ra đều phải hiểu về thiên nhiên và ứng xử phù hợp hơn với con nước tại đây; phải tiếp tục nghiên cứu tổng thể và có những đánh giá đầy đủ về dòng chảy; thường xuyên quan trắc để đưa ra giải pháp mang tính bền vững, lâu dài, thuận theo tự nhiên, chứ không nên hành động ngược lại với tự nhiên”.
Dù đã “ngọt đắng trùng khơi” trong một thời gian khá dài để “cứu” Cửa Đại, nhưng “chưa ra tấm, ra miếng”, Quảng Nam lại quyết tâm “gọi cát trở về” bằng việc chi thêm khoảng 1.200 tỷ đồng và sẽ tiến hành các giải pháp trong năm 2022 (chưa kể hơn 120 tỷ đồng đã đầu tư trước đó).
Kế bên Quảng Nam, tỉnh Quảng Ngãi cũng chi 100 tỷ đồng để đầu tư xây dựng công trình khẩn cấp - Dự án Chống sạt lở bờ biển thôn Phước Thiện (xã Bình Hải, huyện Bình Sơn). Ông Trần Phước Hiền, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi chia sẻ: “Ổn định bờ biển lâu dài, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản, đời sống cho khoảng 170 hộ dân ở 2 thôn Phước Thiện và An Cường là mục tiêu của Dự án”.
Trong khi làng mạc, đất đai, nhà cửa và con người bị nước lũ nhấn chìm, cuốn trôi ra biển, thì ở các bãi biển, cửa sông, tình trạng bồi lấp, sạt lở tiếp tục diễn ra trầm trọng hơn. Quanh năm suốt tháng, mùa gió Nam, gió Bấc, áp thấp nhiệt đới hay bão biển, Cửa Tùng (Quảng Trị), Nhật Lệ (Quảng Bình), Tư Hiền (Thừa Thiên Huế), Cửa Đại (Hội An, Quảng Nam), Cửa Đại, cửa Lở, cửa Sa Huỳnh (Quảng Ngãi), cửa Tam Quan (Bình Định), cửa Đà Rằng (Phú Yên)… vẫn đang tiếp tục “bị” gọi tên và chưa biết khi nào sẽ trở lại cân bằng.
Ý KIẾN - NHẬN ĐỊNH
"Kiến nghị bố trí gần 2.500 tỷ đồng để hỗ trợ địa phương xây dựng kè biển, đê biển."
- Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế
Sau lũ lịch sử năm 1999, Thừa Thiên Huế xảy ra sự kiện bất thường chưa từng ghi nhận trong lịch sử, có 6 cửa biển cùng lúc thông đầm phá Tam Giang tại Hải Dương (Hương Trà), Thuận An (Phú Vang), Vinh Hải, Tư Hiền, Lộc Thủy (Phú Lộc), đặc biệt là cửa biển Hòa Duân (Phú Vang). Từ đó đến nay, biến đổi khí hậu diễn ra cực đoan, tình trạng biển xâm thực mạnh vào bờ liên tục diễn ra, tần suất nhanh hơn, cường độ mạnh hơn.
Theo khảo sát, có 7 km ven biển thường xuyên bị sóng biển uy hiếp. Hiện hơn 4 km đã được kè bằng bê tông, hạn chế xói lở, còn khoảng 3 km bờ biển vẫn đang bị biển uy hiếp, đặc biệt nguy hiểm tại Phú Vang, Phú Lộc. Tỉnh đã kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét bố trí gần 2.500 tỷ đồng hỗ trợ địa phương xây dựng kè biển, đê biển và hậu cần nghề cá.
"Hợp tác doanh nghiệp đầu tư xây dựng kè biển."
- Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng
Là đô thị biển, Đà Nẵng thường xuyên chịu thiệt hại do xói lở bờ biển ở các đoạn tuyến: Nguyễn Tất Thành, Trường Sa - Võ Nguyên Giáp. Năm 2006, sóng biển từ bão Xangsane (bão số 6) tràn qua đường Nguyễn Tất Thành đánh sập nhiều đoạn kè trên tuyến, hàng trăm hộ dân tuyến ven biển Nam Ô (chưa xây dựng kè biển) phải bỏ nhà cửa chạy lên chân đèo Hải Vân để trú tránh.
Sau những thiệt hại, Đà Nẵng đã rà soát các đoạn xung yếu, xây dựng kè bê tông ven khu dân cư, công trình và cơ bản phát huy hiệu quả bảo vệ.
Hiện nay, còn khoảng 300 m ven biển Nam Ô (quận Liên Chiểu) có nguy cơ bị sóng biển xâm thực, Thành phố và một doanh nghiệp hợp tác đầu tư với kinh phí hơn 26 tỷ đồng để xây dựng kè bảo vệ.
"Chủ động phòng chống sạt lở."
- Ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên
Những diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu và triều cường đang khiến vùng biển dài gần 190 km của Phú Yên có nhiều đoạn bị nước biển xâm thực. Để hạn chế sạt lở, 2 công trình kè biển đã được đầu tư cấp bách với kinh phí hơn 100 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành trong năm 2021.
Những năm gần đây, nhằm chủ động phòng chống sạt lở, bảo vệ khu dân cư, hạ tầng, Phú Yên đã xây dựng khoảng 4,5 km kè biển và đang tiếp tục xây dựng các tuyến kè quan trọng. Tuy nhiên, đây chưa phải là phương pháp tối ưu, do việc đầu tư xây dựng kè biển cần kinh phí lớn, không thể đủ kinh phí làm bờ kè chạy theo diễn biến sạt lở. Những nơi thiết yếu, thật cần thiết phải bảo vệ về kinh tế, dân sinh, thì mới làm công trình đê kè. Những nơi khác, cần tìm giải pháp phi công trình và thích ứng với biến đổi khí hậu. Nếu cả giải pháp công trình và phi công trình không mang lại hiệu quả lâu dài, chúng ta phải chấp nhận di dân, để đảm bảo dòng chảy thuận theo hình thái tự nhiên.
(Còn tiếp)