Không để mắc kẹt với nhiệt điện than

Nếu dừng đầu tư các nhà máy nhiệt điện than mới, tổng tiêu thụ than của Việt Nam có thể giảm 221 triệu tấn vào năm 2050.
Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương (Quảng Ninh). Ảnh: T.H Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương (Quảng Ninh). Ảnh: T.H

Cận kề “mắc kẹt”

Việt Nam có thể giảm bớt lượng lớn than tiêu thụ, giảm phụ thuộc vào nguồn than nhập khẩu, nếu dừng đầu tư thêm các nhà máy nhiệt điện than ngay từ bây giờ.

Ông Jakon Stenby Lundsager, cố vấn dài hạn Chương trình hợp tác Đối tác năng lượng Việt Nam - Đan Mạch cho rằng, Việt Nam nên sớm dừng đầu tư các nhà máy nhiệt điện than, bởi chỉ có hành động như vậy mới có thể giúp Việt Nam tránh được hiệu ứng mắc kẹt với nhiệt điện than và phụ thuộc vào than nhập khẩu trong dài hạn.

Theo ông Jakob, tiêu thụ điện than đang tăng nhanh chóng ở Việt Nam và sẽ tăng gấp đôi trong giai đoạn 2020 - 2030. Cụ thể, Việt Nam đã nhập khẩu thuần than từ năm 2015 và nguồn than nhập khẩu ngày càng tăng.

Trong 10 năm tới, lượng than nhập khẩu phục vụ các nhà máy nhiệt điện sẽ tăng gấp 3 và sẽ tăng gấp 8 lần hiện nay vào năm 2050. Điều này cho thấy, 3/4 lượng than tiêu thụ tại Việt Nam là từ nguồn nhập khẩu.

Như vậy, nếu không có hành động nào được thực hiện, thì Việt Nam sẽ bị phụ thuộc nặng nề vào than nhập khẩu từ năm 2030, vì các nhà máy nhiệt điện than đã xây dựng cho đến nay sẽ tiếp tục vận hành thêm 30 năm nữa.

Báo cáo Triển vọng Năng lượng Việt Nam 2019 (Báo cáo EOR19) đã đưa ra một kịch bản không đầu tư vào nhiệt điện than mới sau năm 2025. Kịch bản này chứng minh rằng, có thể giảm 42 triệu tấn than trong tổng tiêu thụ than vào năm 2030.

“Nếu dừng đầu tư vào các nhà máy nhiệt điện than mới, tổng tiêu thụ than của Việt Nam có thể giảm 221 triệu tấn vào năm 2050”, Báo cáo EOR19 nêu rõ.

Việc giảm tiêu thụ than chỉ đòi hỏi tăng khoảng 2% tổng chi phí của hệ thống năng lượng vào năm 2030 và 5% vào năm 2050, nhưng lợi ích mang lại là giảm đáng kể phát thải CO2, giảm ô nhiễm không khí và giảm phụ thuộc vào nhập khẩu than.

Báo cáo EOR19 cũng cho thấy, sự phụ thuộc vào nhập khẩu nhiên liệu trong tương lai có thể giảm từ 60% xuống 51% vào năm 2030 và từ 71% xuống 58% vào năm 2050, nếu đồng thời phát triển năng lượng tái tạo, sử dụng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) và các biện pháp tiết kiệm năng lượng nhằm thay thế hầu hết các nhà máy nhiệt điện than.

Vòng luẩn quẩn

Việt Nam đang ngày càng tăng nhập khẩu than do nhu cầu tăng nhanh hơn tăng trưởng của ngành sản xuất năng lượng. Trong mấy năm gần đây, than lọt vào nhóm hàng nhập khẩu lớn của Việt Nam. Nếu năm 2016, kim ngạch nhập khẩu than là 927 triệu USD, thì năm 2017 đã tăng lên 1,52 tỷ USD và 2018 vượt 2,25 tỷ USD. Dự kiến, nhập khẩu than năm 2019 sẽ vượt mốc 3 tỷ USD.

Theo Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020, có xét đến năm 2030 (Quy hoạch Phát triển điện VII), tổng công suất lắp đặt của hệ thống năm 2030 khoảng 129.500 MW. Trong đó, thủy điện chiếm gần 16,9%, nhiệt điện than 42,6%, nhiệt điện khí khoảng 14,7%, tỷ lệ của thủy điện nhỏ và năng lượng khoảng 21%, nhập khẩu điện khoảng 1,2%.  

Việt Nam hiện có 28 nhà máy nhiệt điện than đang vận hành, với tổng công suất khoảng 18.000 MW, chiếm 39% trong cơ cấu nguồn điện. Trong năm 2018, lượng tro, xỉ, phát sinh từ các nhà máy điện than khoảng 13 triệu tấn, nhưng tro xỉ tiêu thụ chỉ đạt khoảng 5,4 triệu tấn, chiếm 41% lượng phát thải.

Nguồn: Bộ Công thương    

Với nhu cầu điện thương phẩm năm 2030 ở mức trên 500 tỷ kWh (gấp gần 3 lần năm 2018), việc đảm bảo đủ điện là sức ép lớn trong đầu tư nguồn điện, lưới điện.

Theo quan điểm của Bộ Công thương, vẫn phải phát triển các nguồn điện than để đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển, để giá điện phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và thu nhập của người dân.

Câu hỏi đặt ra, vì sao lại là nhiệt điện than, mà không phải là thủy điện hay điện khí, điện gió?

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lý giải, các dự án thủy điện lớn và vừa trên các dòng sông đã được quy hoạch, về cơ bản đã được đầu tư và khai thác hết. Trong khi đó, điện gió và điện mặt trời chỉ tập trung ở một số tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, không đảm bảo ổn định cấp điện, do phụ thuộc vào điều kiện thời tiết. Thêm vào đó, giá điện năng lượng tái tạo như hiện nay (điện mặt trời khoảng 2.100 đồng/kWh và điện gió 1.900 - 2.200 đồng/kWh) khá cao.

“Dự kiến trong giai đoạn tới, mỗi năm, hệ thống cần bổ sung 8.000 - 10.000 MW, thì nhiệt điện than cần bổ sung 3.200 - 4.500 MW”, Bộ Công thương tính toán.

Tuy nhiên, kịch bản nhập khẩu than với khối lượng lớn để phục vụ sản xuất điện trong thời gian tới được nhận định là gặp nhiều khó khăn và thách thức trước sự cạnh trạnh rất lớn của các nước nhập khẩu than với khối lượng lớn trên thế giới như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc…

Trong khi thế giới đang cắt giảm điện than do chi phí cao và ô nhiễm môi trường, thì tại Việt Nam, nhiệt điện than vẫn được xem là nguồn năng lượng quan trọng.

TS. Đào Trọng Tứ, Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và Thích nghi biến đổi khí hậu từng nêu quan điểm, việc dừng hẳn các nhà máy nhiệt điện than thời điểm này sẽ là quyết định khó khăn, nhưng cần xem xét giảm dần để đảm bảo sự bền vững của môi trường.

Thế Hoàng
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục