Để không chọn nhầm dự án
Hai bộ tiêu chí, về thẩm định dự án đầu tư nước ngoài thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của UBND cấp tỉnh (gọi tắt là Bộ tiêu chí Thẩm định) và về giám sát, đánh giá hiệu quả đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh (gọi tắt là Bộ tiêu chí Giám sát), được Viện Nghiên cứu Đầu tư quốc tế (ISC) phối hợp với Đại sứ quán Australia tại Hà Nội công bố vào cuối tuần qua.
Trong 2 bộ tiêu chí này, Bộ tiêu chí Thẩm định có 10 tiêu chí. Trong đó, 8 tiêu chí mang tính chất sàng lọc dự án, chỉ ra các quy định pháp luật liên quan đến thẩm định dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, bao gồm: hồ sơ và tư cách pháp lý của nhà đầu tư, lĩnh vực đầu tư, phù hợp với quy hoạch, bảo đảm quốc phòng an ninh, bảo vệ môi trường, bảo đảm năng lực tài chính, bảo đảm hiệu quả sử dụng đất và hiệu quả sử dụng lao động, ứng dụng và chuyển giao công nghệ.
Hai tiêu chí còn lại chỉ ra các quy định về ưu đãi đầu tư đặc biệt đối với các dự án đầu tư nước ngoài chất lượng cao, đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, có sức lan tỏa lớn và ưu đãi đầu tư theo ngành nghề, địa bàn khuyến khích đầu tư.
Trong khi đó, Bộ tiêu chí Giám sát bao gồm 36 tiêu chí, phân thành nhiều nhóm tiêu chí khác nhau. Chẳng hạn, tiêu chí về thu hút, sử dụng vốn, tiêu chí về hiệu quả kinh tế của khu vực đầu tư nước ngoài, hay tiêu chí về hiệu quả xã hội, bảo vệ môi trường…, mà cụ thể là hiệu quả kinh doanh, xuất nhập khẩu, tác động lan tỏa, kiểm soát khí nhà kính, tiết kiệm năng lượng…
“Chúng tôi quyết định nghiên cứu và công bố các bộ tiêu chí này bởi thời gian qua, dù có nhiều văn bản quy phạm pháp luật về thu hút đầu tư nước ngoài được ban hành, trong đó có các điều khoản quy định về điều kiện, tiêu chí lựa chọn dự án đầu tư nước ngoài, nhưng lại phân tán ở các văn bản khác nhau, khi áp dụng vào thực tế có thể dẫn đến sai sót, lọt lưới các dự án không mong muốn”, ông Phan Hữu Thắng, Chủ tịch ISC nói.
Cũng theo ông Thắng, hai bộ tiêu chí do ISC công bố sẽ giúp việc ra quyết định của địa phương dễ dàng hơn, nhanh chóng hơn; từ đó thúc đẩy môi trường đầu tư - kinh doanh, gia tăng dòng vốn đầu tư nước ngoài. Điều này là quan trọng và cần thiết hơn bao giờ hết, nhất là sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 50/NQ-CP về Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, trong đó có yêu cầu về “nâng chất” dòng đầu tư nước ngoài.
Bày tỏ sự đồng tình cần có các bộ tiêu chí về thẩm định và giám sát, đánh giá hiệu quả dự án đầu tư nước ngoài, một cán bộ của Sở Kế hoạch và Đầu tư Vĩnh Phúc cho biết, việc thiếu bộ tiêu chí chung khiến việc kiểm soát chất lượng và tác động của các dự án đầu tư nước ngoài gặp nhiều trở ngại.
“Quy trình thẩm định không rõ ràng, minh bạch cũng ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, khiến các nhà đầu tư nước ngoài gặp khó khăn khi lựa chọn địa điểm đầu tư”, vị này nói và cho rằng, đứng ở góc độ chuyên môn, thì việc ban hành các bộ tiêu chí sẽ mang lại nhiều lợi ích với nhà đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước và lãnh đạo tỉnh trong việc ra quyết định đầu tư, thẩm định, cũng như quản lý dự án.
Xây bộ lọc để chọn dự án tốt
Điều mà Việt Nam cần là một bộ tiêu chí dùng chung cho cả nước và mang tính “pháp lệnh”.
Việc ISC công bố hai bộ tiêu chí thẩm định và giám sát, đánh giá hiệu quả dự án đầu tư nước ngoài, có thể nói, là một động thái tích cực và đáng ghi nhận. Tuy vậy, ông Nguyễn Công Thành, Phó chủ tịch Hội đồng Thành viên ISC cho biết, các bộ tiêu chí này chỉ mang ý nghĩa là “tài liệu tham khảo” trong quá trình quản lý, chỉ đạo điều hành hoạt động hợp tác đầu tư nước ngoài của các địa phương, chứ không mang tính chất văn bản quy phạm pháp luật hay văn bản chỉ đạo điều hành.
“Bộ tiêu chí này sẽ giúp việc ra quyết định của địa phương dễ dàng hơn, nhanh chóng hơn; từ đó thúc đẩy môi trường đầu tư - kinh doanh, gia tăng dòng vốn đầu tư nước ngoài”, ông Thành nói và cho rằng, hai bộ tiêu chí này cần được phổ biến rộng rãi tới các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Ông Cosimo Thawley, Tham tán công sứ, Trưởng đại diện khu vực Đông Nam Á (Bộ Ngân khố Australia) cũng cho rằng: “Hai bộ tiêu chí về đầu tư nước ngoài mà ISC đề xuất sẽ là các công cụ hữu ích hỗ trợ, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài ở các địa phương theo tinh thần Nghị quyết 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị”.
Tuy nhiên, điều mà Việt Nam cần là một bộ tiêu chí dùng chung cho cả nước và mang tính “pháp lệnh”. Cuối năm 2022, một bộ công cụ sàng lọc dự án đầu tư nước ngoài đã được xây dựng và công bố dựa trên cơ sở hợp tác giữa Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP). Tuy vậy, trên thực tế, bộ công cụ này cũng không khác “tài liệu tham khảo”. Một bộ tiêu chí được Chính phủ Việt Nam công bố và áp dụng chung cho cả nước mới là điều quan trọng.
Để tối ưu hóa lợi ích dòng vốn đầu tư nước ngoài, hai năm trước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng và báo cáo Chính phủ hai bộ tiêu chí, một là để lựa chọn dự án đầu tư nước ngoài, một là để đánh giá hiệu quả của dự án đầu tư nước ngoài.
Theo đó, để chọn lọc dự án, có 7 tiêu chí đã được đặt ra, bao gồm suất đầu tư, lao động, công nghệ, chuyển giao công nghệ, tính liên kết và tác động lan tỏa, môi trường và quốc phòng, an ninh. Đây đều là các tiêu chí đã được thể chế hóa trong nhiều
Trong khi đó, với bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất tới 36 chỉ tiêu, trong đó có 25 chỉ tiêu về kinh tế, 7 chỉ tiêu về xã hội và 4 chỉ tiêu về môi trường.
Thời điểm đó, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, việc nghiên cứu, xây dựng tiêu chí đánh giá hiệu quả đầu tư nước ngoài là “cấp thiết” khi Việt Nam đang chuyển sang chính sách hợp tác đầu tư nước ngoài, chú trọng tới yếu tố chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường. Tuy vậy, cho đến nay, bộ tiêu chí vẫn chưa chính thức được thông qua.
Theo thông tin từ Cục Đầu tư nước ngoài, cơ quan này đang hoàn thiện bộ tiêu chí này để trình Chính phủ thông qua. Khi ấy, Việt Nam sẽ có “bộ lọc” chính thức để lựa chọn dự án tốt và để đánh giá hiệu quả đầu tư nước ngoài.