Tư duy cải cách mạnh mẽ…
Một thông điệp mạch lạc, nhất quán được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc luôn nhấn mạnh trong các phiên họp Chính phủ, cũng như khi làm việc với các bộ, ngành là quyết tâm của Chính phủ, của Thủ tướng trong việc xây dựng Chính phủ hành động, liêm chính, kiến tạo phát triển, nói đi đôi với làm, tập trung hoàn thiện thể chế theo tinh thần thượng tôn pháp luật, chuyển mạnh từ quản lý hành chính cứng nhắc sang phục vụ người dân và doanh nghiệp vì sự phát triển.
Tư tưởng cải cách trên đã được thể chế hóa tại nhiều quy định, cụ thể tại Nghị quyết 19/2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016 - 2017, định hướng đến năm 2020; Nghị quyết 35/2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Đó là chưa kể, trên tinh thần cải cách của Luật Đầu tư, trong thời gian ngắn, Chính phủ đã ban hành một loạt nghị định về đầu tư, kinh doanh thuộc các lĩnh vực, để vừa “dọn dẹp” giấy phép con, vừa tạo ra môi trường mới thuận lợi hơn cho tinh thần khởi nghiệp, cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Chưa dừng lại ở đó, để tiếp tục tạo đột phá về đổi mới hệ thống pháp lý, phục vụ hiệu quả cho cải cách môi trường kinh doanh, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2016, Chính phủ đã thảo luận dự án Luật sửa đổi, bổ sung các Luật về đầu tư kinh doanh (một luật sửa nhiều luật), với nhiều tư tưởng cải cách, theo kế hoạch sẽ trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp tháng 10 tới đây.
…nhưng chưa “ngấm” xuống dưới
Theo cảm nhận của các doanh nghiệp, những cải cách trên đang khơi dậy tinh thần kinh doanh trong dân, cũng như cộng đồng doanh nghiệp.
“Sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 35/2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, các doanh nghiệp đã hồ hởi xung trận. Tuy nhiên, trong khi mức độ cải cách bước đầu ngấm đến các bộ, ngành ở trung ương, thì chưa ngấm xuống cấp địa phương”, chủ tịch hội đồng quản trị một tập đoàn chia sẻ. Hệ quả là doanh nghiệp vẫn bị… “hành”, bị cán bộ các sở ngành gợi ý “chung chi” trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính. Thái độ tiếp xúc của cán bộ, công chức với người dân và doanh nghiệp vẫn theo kiểu… bề trên, chưa hề cầu thị, phục vụ người dân và doanh nghiệp như yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ. Bức xúc trước tình trạng này, doanh nghiệp phản ánh lên các cấp chính quyền, thì bị cán bộ, công chức trù dập, tìm cách gây khó dễ cho doanh nghiệp. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp nản, mất niềm tin, khiến nhiều chính sách cải cách về môi trường đầu tư, kinh doanh mà Chính phủ đang nỗ lực triển khai khó đi vào cuộc sống.
Không chỉ doanh nghiệp, bản thân lãnh đạo quản lý cũng ghi nhận được sự phàn nàn của người dân về tính hình thức trong cải cách hành chính do yếu tố con người chưa có những thay đổi theo kịp đổi mới về cơ chế, chính sách.
“Một số thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tài chính còn phiền hà, khiến người dân và doanh nghiệp kêu”, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa cho biết.
Cộng đồng doanh nghiệp đang nóng lòng chờ được hưởng “quả ngọt” từ quá trình cải cách môi trường kinh doanh
Nói đi đôi với làm
Thực trạng trên cho thấy, dù tư duy cải cách là mạnh mẽ và được cụ thể hóa tại các văn bản pháp quy, nhưng để triển khai vào cuộc sống, qua đó thực sự tạo ra những chuyển biến rõ nét về cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh vẫn đang là thách thức lớn. Bởi vậy, khi chủ trì họp phiên Chính phủ thường kỳ tháng 7/2016 - phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao ngay nhiệm vụ cho các thành viên Chính phủ khóa mới với tinh thần “Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp”.
Dẫn lại phát biểu của một đại biểu Quốc hội cho rằng, “con đường dài nhất ở Việt Nam là từ lời nói đến hành động”, Thủ tướng nhắc các thành viên Chính phủ phải nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, nhân dân, hành động quyết liệt, nói đi đôi với làm, đồng thời yêu cầu thành lập ngay Tổ công tác theo dõi thực hiện kết luận, chỉ đạo của Thủ tướng, các Phó Thủ tướng.
Ngay sau thông điệp mạnh mẽ trên, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1642/QĐ-TTg về thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng làm Tổ trưởng. Bước đi mới này của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho thấy quyết tâm lớn của ông trong việc đưa các quyết sách của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về cải cách môi trường kinh doanh vào cuộc sống, không để các cải cách nằm “trên giấy”.
Hoạt động dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ, Tổ công tác trên có nhiệm vụ kiểm tra việc phân loại văn bản, cập nhật nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao trên Hệ thống Quản lý cơ sở dữ liệu theo dõi tại Văn phòng Chính phủ; việc cập nhật kết quả thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao trên Hệ thống Quản lý cơ sở dữ liệu theo dõi tại các bộ, cơ quan, địa phương. Định kỳ hàng tháng hoặc sau mỗi đợt kiểm tra, Tổ công tác sẽ báo cáo đầy đủ và chính xác tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; kiến nghị các biện pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế của các bộ, cơ quan, địa phương được kiểm tra; kiến nghị các biện pháp xử lý vi phạm theo quy định (nếu có) với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Ngay sau khi được thành lập, Tổ công tác đã khẩn trương kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại hai bộ kinh tế tổng hợp là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính.
Nhấn mạnh nội dung mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ truyền đạt tới lãnh đạo Bộ Tài chính khi kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại Bộ Tài chính mới đây, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, tuy Bộ Tài chính đã có nhiều tiến bộ trong cải cách hành chính thuế, hải quan, giảm thủ tục, thời gian cho doanh nghiệp, người dân và đã đạt nhiều kết quả, nhưng Thủ tướng cho rằng, so với yêu cầu của người dân và doanh nghiệp, thì phải tiếp tục rà soát, xem xét kiểm điểm kỹ, nhất là cán bộ thực thi các cấp, bởi nhiều nơi doanh nghiệp vẫn kêu ca, phàn nàn.
Nhận diện cải cách yếu tố cán bộ, công chức có ý nghĩa quyết định đến chất lượng cải cách thể chế, thủ tục hành chính, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, thời gian qua, Bộ đã mạnh tay xử lý vi phạm hành chính với các cán bộ, công chức trong ngành thuế, hải quan vi phạm trong thực thi công vụ. Ngoài quan tâm đào tạo lại đội ngũ cán bộ, công chức để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới, Bộ Tài chính luôn coi trọng chấn chỉnh thái độ, tác phong của cán bộ, công chức. Ngành tài chính đã và tiếp tục mời Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giám sát việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm cải thiện môi trường kinh doanh và thủ tục thuế, hải quan.
Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng khẳng định chỗ nào còn vướng, khó khăn, xung đột giữa các bộ, Văn phòng Chính phủ sẽ trực tiếp thảo luận cùng các bộ để đi đến thống nhất. Việc gì không thống nhất thì kịp thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, tinh thần là không đẩy việc lên Chính phủ, Thủ tướng; hạn chế việc lãnh đạo Chính phủ phải giải quyết các việc chi tiết, để dành thời gian cho chỉ đạo vĩ mô, qua đó giảm áp lực lên Thủ tướng.
Với những bước đi quyết liệt trên của Chính phủ, Thủ tướng, cộng đồng doanh nghiệp đang nóng lòng chờ được hưởng “quả ngọt” từ quá trình cải cách môi trường kinh doanh, từ đó tạo ra làn sóng khởi nghiệp, cũng như “làm mới” tinh thần kinh doanh trong đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân hiện tại, qua đó ngày càng có đóng góp quan trọng cho sự nghiệp kiến quốc.