Không có việc siết margin như tin đồn

(ĐTCK) Sáng 18/11/2014, TTCK bỗng xuất hiện tin đồn dòng tiền cho vay đầu tư chứng khoán từ phía các ngân hàng có nguy cơ nhỏ lại. Tin đồn lan đi với nội dung các ngân hàng có thể sẽ bị khống chế tỷ lệ cho vay đầu tư chứng khoán ở mức 5% vốn chủ sở hữu theo quy định tại một văn bản pháp quy được ban hành vào cuối tuần qua.
Không có việc siết margin như tin đồn

Tìm hiểu của ĐTCK cho thấy, chưa có văn bản nào siết margin như tin đồn tính đến thời điểm này. Tuy nhiên, ý định quản dòng vốn tín dụng từ các ngân hàng vào chứng khoán, nhất là các ngân hàng có nợ xấu lớn là có, nhưng đó không phải là câu chuyện đáng ngại với nhà đầu tư chứng khoán.

Trao đổi với ĐTCK mới đây, ông Phạm Hồng Sơn, Vụ trưởng Vụ Quản lý kinh doanh, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cho biết, tổng lượng tiền margin mà các công ty chứng khoán cung ứng cho nhà đầu tư, tính đến tháng 10 năm nay, vào khoảng 17.000 tỷ đồng. Số tiền này có xu hướng tăng dần kể từ hồi tháng 7/2014, nhưng mức tăng khá ổn định, từ 10-15%/tháng.

Dòng tiền margin mà UBCK đong đếm được là dòng tiền có nguồn gốc từ vốn chủ sở hữu của các CTCK hoặc dòng tiền các CTCK đứng tên vay ngân hàng, rồi cho vay lại nhà đầu tư.

UBCK không quản lý dòng tiền cho vay trực tiếp từ ngân hàng đến nhà đầu tư theo cách CTCK chỉ là trung gian, nhưng theo UCBCK, con số này không lớn, dao động  8 - 10% tổng lượng tiền margin trên TTCK Việt Nam.

Cũng trao đổi với ĐTCK, ông Phạm Hồng Sơn khẳng định, các quy định hiện hành điều chỉnh hoạt động của khối CTCK đang được áp dụng trong thực tế để hướng các CTCK hoạt động minh bạch, nâng cao khả năng an toàn tài chính. Ít nhất từ nay đến cuối năm, UBCK chưa có ý định điều chỉnh điểm nào trong văn bản pháp quy, nhưng cơ quan này luôn theo dõi sát sao thị trường và sẽ xử lý nghiêm khắc các hành vi sai phạm, dù là nhỏ.

Trong thời gian qua, trước hiện tượng một số CTCK nhỏ có doanh số cho vay margin lên đến hàng trăm tỷ, thậm chí cả nghìn tỷ đồng, UBCK đã tiến hành kiểm tra, xử phạt, buộc các CTCK này phải tuân thủ đúng quy định pháp lý.

“Khoảng 3 năm trước, UBCK chưa đủ công cụ để hiểu rõ sức khỏe tài chính của từng CTCK, nhưng hiện nay thì khác”, ông Trần Hải Hà, Tổng Giám đốc CTCK MB (MBS) cho biết. “Với việc ban hành và buộc các CTCK tuân thủ 3 văn bản quan trọng (Thông tư 226/2012/TT-BTC, Thông tư về quản trị rủi ro và Quy chế về xếp loại CTCK theo CAMEL), đồng thời với việc yêu cầu các CTCK báo cáo định kỳ một số hoạt động, đặc biệt là hoạt động margin, hiện nay, UBCK đủ công cụ để đánh giá sức khỏe tài chính của khối CTCK”.

Khi UBCK đặt mục tiêu an toàn tài chính của khối CTCK lên hàng đầu, các CTCK đã buộc phải củng cố và nâng cấp chất lượng quản trị rủi ro tại mỗi công ty. Đánh giá về việc thực thi các văn bản pháp lý “quản” khối CTCK, lãnh đạo nhiều CTCK cho biết, lúc đầu, họ rất không thoải mái khi bị gò ép theo các quy chuẩn về an toàn tài chính, về quản trị rủi ro, nhưng càng làm, càng thấy, đây là hàng lang rất hữu ích, giúp CTCK hoạt động trong không gian lành mạnh, an toàn và cạnh tranh bình đẳng hơn.

Việc tuân thủ quy định về margin tại các CTCK được thực hiện nghiêm túc, khiến nhiều lãnh đạo CTCK cho rằng, hoạt động môi giới hiện nay không còn dựa được vào công cụ cạnh tranh là margin cao nữa, mà các CTCK đang cạnh tranh bằng chất lượng tư vấn cho nhà đầu tư. CTCK nào có đội ngũ tư vấn tốt, đem lại sự hài lòng cho nhà đầu tư sẽ ngày càng đông khách và ngược lại. Các công cụ kỹ thuật như lãi suất, margin… đã tương đối đồng đều.

Năm 2014, TTCK đã trải qua khủng hoảng tâm lý khi sự kiện tranh chấp trên biển Đông diễn ra căng thẳng kéo dài từ tháng 5-7. Tuy nhiên, TTCK đã không xảy ra đợt giải chấp ồ ạt nào, bởi một mặt, các CTCK chủ động kiểm soát tốt dòng tiền margin, mặt khác, bản thân nhà đầu tư, trải qua thăng trầm của thị trường, đã có nhiều kinh nghiệm, không dễ dàng ào ào vay tiền để đầu tư chứng khoán.

Cũng liên quan đến margin, nhìn lại 15 năm hoạt động của ngành dịch vụ chứng khoán tại Việt Nam, chuyên gia Phạm Kinh Luân cho rằng, một trong những điều ông tâm đắc là ngành chứng khoán đã quản được dòng tiền vay đổ vào thị trường. “Trước đây, khi chưa có quy định pháp lý, các CTCK cho vay dễ dàng, không theo quy chuẩn nào cả. Tuy nhiên, mấy năm gần đây, quy định về margin của UBCK đã rất rõ, cổ phiếu nào được cho vay, mức cho vay tối đa được quy định”, ông Luân nói. Cách quản margin này có 2 tác dụng. Một là giúp các CTCK quản trị tốt về an toàn tài chính và hai là giúp chính nhà đầu tư bình tĩnh hơn, tỉnh táo hơn mỗi khi ra quyết định đặt lệnh.

Trong kinh doanh, sử dụng tiền vay để gia tăng lợi nhuận là tất yếu, nhưng “nếu tất cả là tiền vay, nhà đầu tư sẽ rất dễ mất tinh thần khi TTCK suy giảm, bán tháo và hoảng loạn là tất yếu”, ông Luân nói.

Về dòng tiền cho vay từ ngân hàng chảy thẳng đến nhà đầu tư, cuối tuần qua, Ngân hàng Nhà nước chưa ban hành văn bản mới nào về nội dung này. Tuy nhiên, ý định quản dòng tiền chảy sang TTCK ở mức 5% vốn chủ sở hữu là có thật. Theo ý kiến của một số CTCK, ý định này đáng ủng hộ, vì hai lý do. Thứ nhất, dòng tiền trong các ngân hàng sẽ chảy nhiều hơn vào các DN, chảy nhiều hơn vào hoạt động sản xuất. Thứ hai, việc “quản” ở mức trên, nếu có, sẽ không hoặc ảnh hưởng không đáng kể đến dòng tiền vay của nhà đầu tư chứng khoán. Lý do là vốn chủ sở hữu của các ngân hàng hiện lên đến 450.000 tỷ đồng, ngoại trừ một số ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao, 5% con số đó lên đến 20.000 tỷ đồng - lớn hơn tổng số tiền margin trên toàn TTCK hiện nay.

Từ phân tích trên, xem ra, nỗi lo siết tỷ lệ 5% của các ngân hàng, dòng tiền vay sẽ chảy nhỏ hơn vào TTCK là không đáng ngại.

Tường Vi

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục