Cổ phiếu cần quan tâm ngày 19/11

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 19/11 của các công ty chứng khoán.
Cổ phiếu cần quan tâm ngày 19/11

TCL: Khuyến nghị mua vào

CTCK FPT (FPTS)

Với thế mạnh là công ty thành viên của Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn và cung cấp dịch vụ xếp dỡ, kho bãi, logistics tại cảng Cát Lái, khu vực Nhơn Trạch Đồng Nai có lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu cao nhất phía Nam, 9 tháng đầu năm 2014, doanh thu thuần hợp nhất của TCL đạt 626.04 tỷ đồng gia tăng 21.1% so với cùng kỳ.

Lợi nhuận sau thuế hợp nhất của cổ đông công ty mẹ đạt 74.56 tỷ đồng tăng 32% so với cùng kỳ. Ước tính doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế cả năm 2014 của TCL lần lượt là 872.49 tỷ đồng (+21.62% so với cùng kỳ năm ngoái) và 100.72 tỷ đồng (+18.23% so với cùng kỳ năm ngoái), tương đương với mức EPS forward 2014 đạt 4,800 đồng. Sử dụng phương pháp định giá so sánh P/E, giá trị P/E trung bình của các công ty tương đương trong ngành Logistics là 7.95x. Do đó, mức giá hợp lý của TCL là 38,200 đồng/cp, tăng 31.72% so với mức giá 29,000 đồng hiện tại. Do đó, chúng tôi khuyến nghị MUA cổ phiếu TCL cho mục tiêu đầu tư dài hạn.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2014, doanh thu thuần hợp nhất của TCL là 626.04 tỷ đồng gia tăng 21.1% so với cùng kỳ do công ty đã không ngừng đầu tư phát triển năng lực xếp dỡ và kho bãi tại khu vực cảng Cát Lái, đồng thời hoạt động kinh doanh tại khu vực Hải Phòng, Đồng Nai và tuyến vận tải biển nội địa sau khi được đầu tư đã bước đầu tạo ra nguồn thu cho TCL.

Trong kỳ, TCL đã đầu tư mới và đưa vào hoạt động 2 cẩu RTG 6+1 với số vốn đầu tư là 66.28 tỷ đồng, đồng thời công ty đầu tư cải hoán một số thiết bị xếp dỡ khác để gia tăng hiệu quả hoạt động xếp dỡ tại bãi.

Đối với hoạt động vận tải biển, ngày 26/03/2014 TCL thuê khai thác tàu Biển Đông Trader. Ngày 22/09/2014, TCL đầu tư mới tàu Tan Cang Pioneer với số vốn gần 80 tỷ đồng.

Cũng trong năm 2014, TCL đã góp vốn bổ sung 10 tỷ đồng vào CTCP Vận tải biển Tân Cảng nhằm mở rộng hoạt động tuyến vận tải biển Bắc Nam, đồng thời tiến hành góp vốn 4 tỷ đồng thành lập CTCP Tiếp vận Tân Cảng Đồng Nai.

HOM: Tăng trưởng mạnh, lợi nhuận 2014 ước đạt 55 tỷ đồng

CTCK Rồng Việt (VDSC)

Chúng tôi đã có buổi trao đổi với NĐT về diễn biến ngành xi măng trong 10 tháng đầu năm 2014. Cụ thể, nhu cầu xi măng của cả nước đang dần hồi phục nhờ sự ấm lên của ngành bất động sản đi cùng với hai yếu tố then chốt là Chính phủ đang tập trung phát triển hạ tầng và vốn FDI giải ngân tăng khá với nhiều dự án lớn. Lũy kế 10 tháng, tiêu thụ xi măng cả nước đạt 53 triệu tấn, tăng 6% so với cùng kỳ, trong đó tiêu thụ nội địa đạt 41,5 triệu tấn, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước.

Đánh giá triển vọng của ngành trong thời gian tới, chuyên viên ngành cũng cho biết, bên cạnh các yếu tố trên, quy hoạch ngành của Chính Phủ cũng đang có lợi cho các doanh nghiệp đang hoạt động do (1) loại bỏ những dự án có quy mô <2.500 tấn clinker/ngày; (2) khắt khe hơn trong các tiêu chuẩn về tiêu hao điện năng, nhiệt năng và bụi thải; (3) đến năm 2016, sẽ không còn nhà máy lò đứng. Điều này sẽ gia tăng rào cản gia nhập ngành đối với những doanh nghiệp nhỏ đồng thời giảm áp lực dư cung cho các nhà máy hiện hữu.

Bên cạnh các câu chuyện đã cũ như HT1 hoặc BCC, chúng tôi nhận thấy HOM cũng là một cổ phiếu đáng chú ý với điểm nhấn vị trí địa lý thuận lợi và thị trường tiêu thụ tiềm năng. Đặt nhà máy tại Nghệ An, một địa phương giàu có về khoáng sản, HOM sở hữu nguồn nguyên liệu dồi dào với Mỏ đá vôi Hoàng Mai và Mỏ sét Quỳnh Vinh có trữ lượng đủ khai thác đến 70-80 năm.

Bên cạnh chất lượng ổn định, cả hai nguồn nguyên liệu này đều rất gần nhà máy HOM, giúp Công ty tiết kiệm đáng kể chi phí vận chuyển. Nhà máy xi măng Hoàng Mai nằm giữa cảng Cửa Lò, Nghi Sơn và Cảng Đông Hồi đang phát triển và gần nhiều khu công nghiệp trọng điểm của khu vực Nghệ An – Hà Tĩnh (KCN Becamex VSIP, KKT Vũng Áng, KKT Đông Nam Nghệ An…). Điều này đem lại nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp trong vấn đề tiêu thụ không chỉ ở trong địa bàn Nghệ An mà còn ở khắp các tỉnh thành khác. Hiện HOM một trong những doanh nghiệp xi măng có thị phần lớn nhất ở khu vực miền Trung với thị phần là 11,5%.

Tận dụng nguồn nguyên liệu và thị trường sẵn có, HOM đang thực hiện những khảo sát bước đầu cho việc xây dựng nhà máy Xi măng Hoàng Mai 2, công suất 4,5 triệu tấn/năm. Nằm sát cạnh cảng nước sâu Đông Hồi với nhà máy nhiệt điện 1.200MW và một phân khu dành riêng các loại VLXD từ khâu nhập nguyên vật liệu đến xuất thành phẩn trong lòng KCN Đông Hồi (451 ha), nhà máy Hoàng Mai 2 có những điều kiện lý tưởng để phát triển. Chúng tôi cho rằng, nhà máy Hoàng Mai 2 sau khi hoàn thành sẽ tạo ra sự chuyển biến đáng kể trong hiệu quả kinh doanh của HOM. Tuy nhiên, với tầm nhìn ít nhất là 3-5 năm, lộ trình xây dựng của dự án này vẫn còn khá xa.

So với các doanh nghiệp xi măng niêm yết thuộc Tập đoàn Vicem, HOM là một trong những công ty có tỷ lệ Nợ/VCSH thấp nhất nhưng đồng thời có tỷ lệ ROE cao nhất. Tính đến quý III/2014, sản lượng tiêu thụ của HOM đạt hơn 1,1 triệu tấn, doanh thu đạt 1.301,9 tỷ đồng (+25,9% so với cùng kỳ năm ngoái) và lợi nhuận sau thuế đạt 30,2 tỷ đồng. Ngoài tăng trưởng về doanh thu, có thể thấy lợi nhuận của Công ty cải thiện đáng kể khi cùng kỳ năm 2013 lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 0,2 tỷ đồng. Chuyên viên ngành dự báo năm 2014, doanh thu của HOM ước đạt 1.967 tỷ đồng (+26% so với năm ngoái) và lợi nhuận sau thuế đạt 55 tỷ đồng, EPS tương ứng là 763 đồng/cp. Theo ước tính, tỷ số EV/EBITDA forward của HOM chỉ khoảng 5,7x, thấp hơn nhiều so với HT1, BCC và BTS.

GHC: Lợi nhuận năm 2015 dự phóng 70 tỷ đồng

CTCK MB (MBS)

GHC công bố kết quả kinh doanh quý 3 2014. Doanh thu đạt mức 26.8 tỷ VNĐ tương đương cùng kỳ với lợi nhuận ròng đạt mức 9.3 tỷ VNĐ, tăng gấp 3 lần cùng kỳ. Trong 9 tháng đầu năm 2014, lợi nhuận ròng đạt mức 38 tỷ VNĐ, tăng 13% so với cùng kỳ.

GHC sở hữu hai nhà máy thủy điện nhỏ trên địa bàn tỉnh Gia Lai là H’Chan với công suất 12MW và H’Mun có công suất là 16.2 MW. Điện lượng trung bình sản xuất hàng năm là 130 triệu Kwh điện.

Doanh thu của Công ty hàng năm khá ổn định do giá bán điện đã được ký kết và giữ ổn định. Doanh thu của Công ty thường giao động quanh mức 130 tỷ VNĐ.

Công ty có lợi nhuận ổn định ở mức cao và dòng tiền lành mạnh. Chi phí chủ yếu của Công ty là chi phí khấu hao (khoảng 20 tỷ /năm) và chi phí lãi vay. Chi phí lãi vay có xu hướng ngày càng giảm khi Công ty trả bớt nợ vay nhờ dòng tiền từ hoạt động kinh doanh khá dồi dào của mình (khoảng 80 tỷ VNĐ/năm). Trong năm 2014, Công ty vừa tiến hành tăng vốn lên 205 tỷ VNĐ, qua đó huy động được nguồn vốn lớn và giảm đáng kể nợ vay. Chúng tôi dự đoán, Công ty sẽ hết sạch nợ trong năm 2015.

Nhờ có dòng tiền tốt và ổn định Công ty luôn trả cổ tức cao cho các cổ đông. Chúng tôi dự kiến cổ tức năm sau khoảng 2500 VNĐ/cp.

Chúng tôi dự phóng lợi nhuận ròng năm 2015 là 70 tỷ VNĐ, EPS dự phóng là 3450 VNĐ/cp.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục