Không chuyên nghiệp, nhà đầu tư sẽ không được mua trái phiếu

(ĐTCK) Theo đề xuất mới nhất của Bộ Tài chính, nhà đầu tư không chuyên nghiệp sẽ bị “cấm cửa” tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN). Báo Đầu tư Chứng khoán ghi nhận những ý kiến trái chiều xung quanh đề xuất này.
Năm 2019, các doanh nghiệp phát hành trên 315.000 tỷ đồng trái phiếu. Năm 2019, các doanh nghiệp phát hành trên 315.000 tỷ đồng trái phiếu.

Nhà quản lý cảnh báo và lo ngại rủi ro

Theo Bộ Tài chính, quy mô thị trường TPDN có sự tăng trưởng nhanh thời gian qua. Theo đó, nếu như cuối năm 2017, quy mô thị trường đạt 6,29% GDP, thì đã tăng lên 9,01% GDP khi hết năm 2018 và đạt 10,38% GDP vào cuối năm 2019 (tương đương khoảng 640.000 tỷ đồng). Riêng trong năm 2019, các doanh nghiệp phát hành trên 315.000 tỷ đồng trái phiếu.

Tỷ lệ thuận với chiều tăng của quy mô thị trường, theo đánh giá của Bộ Tài chính, là việc nhà đầu tư cá nhân mua TPDN tăng mạnh.

Nếu như cả năm 2019, trên thị trường sơ cấp TPDN, tổng dư nợ trái phiếu mà nhà đầu tư cá nhân mua chỉ chiếm 8,8% giá trị toàn thị trường, thì 4 tháng đầu năm 2020, con số này đã tăng lên 26,8%.   

Cụ thể, nếu như cả năm 2019, trên thị trường sơ cấp TPDN, tổng dư nợ trái phiếu mà nhà đầu tư cá nhân mua chỉ chiếm 8,8% giá trị toàn thị trường, thì 4 tháng đầu năm 2020, con số này đã tăng lên 26,8%.

Qua quá trình giám sát, Bộ Tài chính nhận thấy có hiện tượng “lách” quy định về phát hành ra công chúng thông qua phát hành riêng lẻ, sau đó phân phối rộng rãi trên thị trường thứ cấp.

Sự gia tăng lượng nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường khi chưa tiếp cận đầy đủ thông tin về mục đích phát hành, tình hình tài chính, khả năng trả nợ của doanh nghiệp, đồng thời hạn chế về khả năng phân tích, đánh giá doanh nghiệp... sẽ là rủi ro cho chính các nhà đầu tư này.

Trường hợp doanh nghiệp phát hành không thực hiện được các cam kết với nhà đầu tư, phạm vi bị ảnh hưởng sẽ lớn, gây bất ổn cho thị trường tài chính và xã hội.

Để chấn chỉnh tình trạng trên, một điểm mới tại Dự thảo Nghị định quy định về phát hành và giao dịch TPDN mà Bộ Tài chính vừa công khai lấy ý kiến, đó là đối tượng tham gia phát hành trái phiếu riêng lẻ phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo quy định của Luật Chứng khoán.

Điều này có nghĩa là nhà đầu tư không chuyên nghiệp sẽ bị “cấm cửa” tham gia thị trường này.

Theo quy định tại Luật Chứng khoán năm 2019 có hiệu lực từ ngày 1/1/2021, nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là nhà đầu tư có năng lực tài chính hoặc có chuyên môn về chứng khoán, bao gồm cả nhà đầu tư tổ chức và cá nhân.

Về tổ chức gồm ngân hàng thương mại, công ty tài chính, tổ chức kinh doanh bảo hiểm, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán, quỹ đầu tư chứng khoán, tổ chức tài chính quốc tế, quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, tổ chức tài chính nhà nước được mua chứng khoán theo quy định của pháp luật có liên quan...

Còn nhà đầu tư cá nhân được coi là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp khi thỏa mãn các điều kiện: Người có chứng chỉ hành nghề chứng khoán, cá nhân nắm giữ danh mục chứng khoán niêm yết, đăng ký giao dịch có giá trị tối thiểu là 2 tỷ đồng theo xác nhận của công ty chứng khoán, cá nhân có thu nhập chịu thuế năm gần nhất tối thiểu là 1 tỷ đồng...

Theo ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó vụ trưởng Vụ Tài chính - Ngân hàng (Bộ Tài chính), dự thảo nghị định trên sẽ được Chính phủ xem xét ban hành để có hiệu lực cùng thời điểm 1/1/2021 với Luật Chứng khoán. Điều đó có nghĩa là nếu Chính phủ đồng ý với đề xuất của Bộ Tài chính, thì từ đầu năm 2021, nhà đầu tư cá nhân không chuyên nghiệp sẽ bị dừng cuộc chơi trên thị trường TPDN.

Những ý kiến trái chiều

Sau khi được đưa ra, có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh với đề xuất mới này. Chia sẻ quan ngại của cơ quan quản lý, ông Trần Tiến Dũng, nhà đầu tư cá nhân ở Hà Nội cho rằng, do TPDN tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt trong bối cảnh việc quản lý chất lượng hàng hóa phát hành chưa chặt chẽ như hiện nay, nếu để nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ đẩy mạnh đầu tư với mục đích hưởng lãi suất cao, thì rủi ro cho chính họ cũng như cả thị trường là rất lớn.

“Bây giờ gửi vào ngân hàng, người gửi tiền được hưởng lãi suất khoảng 6-7%/năm, trong khi mua TPDN được hưởng lãi gấp đôi khoảng 11-13%/năm.

Đây là điều đang hút nhà đầu tư cá nhân lao vào TPDN, nên tiềm ẩn nhiều rủi ro. Gửi ngân hàng, người gửi tiền chắc chắn nhận được tiền gốc và lãi, bất chấp tổ chức tín dụng làm ăn lãi hay lỗ.

Tuy nhiên, TPDN thì khác, một khi doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, nhà đầu tư có nguy cơ đối mặt với việc không nhận được tiền lãi và tiền gốc từ doanh nghiệp. Để phòng tránh rủi ro, theo tôi, lẽ ra việc cấm nhà đầu tư cá nhân không chuyên nghiệp tham gia thị trường TPDN nên làm từ lâu, nhưng dẫu sao muộn còn hơn không”, ông Dũng nói.

Dưới góc nhìn của một nhà đầu tư tổ chức, phó tổng giám đốc một công ty quản lý quỹ có vốn đầu tư nước ngoài chia sẻ, tại Việt Nam, TPDN phát hành riêng lẻ có mức độ rủi ro khá cao do không được định mức tín nhiệm, đồng thời việc công khai thông tin của tổ chức phát hành cũng hạn chế.

Do vậy, nhà đầu tư cá nhân không nghiệp nghiệp khó có khả năng tiếp cận thông tin về đợt phát hành nói riêng, về hoạt động, khả năng trả nợ của doanh nghiệp nói chung, nên sản phẩm này không phù hợp.

Do đó, việc Bộ Tài chính đề xuất không cho phép nhà đầu tư cá nhân không chuyên nghiệp tham gia thị trường TPDN là cần thiết và hợp lý.

Ở chiều ngược lại, lãnh đạo một công ty chứng khoán cho rằng, để có cơ sở thuyết phục cho đề xuất trên, Bộ Tài chính cần công khai số liệu hiện nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ không chuyên nghiệp nắm giữ tỷ trọng giá trị TPDN trên tổng dư nợ thị trường, đồng thời đánh giá rõ ràng về những rủi ro nhà đầu tư này cũng như toàn thị trường phải đối mặt.

Việc cấm cửa nhà đầu tư cá nhân không chuyên nghiệp tham gia sẽ ảnh hưởng đến sự thành công của doanh nghiệp trong các đợt phát hành cũng như thanh khoản của thị trường TPDN nên cần cân nhắc kỹ lưỡng.

“Để kiểm soát rủi ro thị trường, thay vì cấm nhà đầu tư cá nhân không chuyên nghiệp tham gia, tại sao nhà quản lý không nghiên cứu một hướng khác là kiểm soát tốt hơn chất lượng trái phiếu của các tổ chức phát hành?

Điều này có nghĩa là vấn đề rủi ro nằm ở chất lượng hàng hóa và chủ thể bán hàng, chứ không phải người mua hàng, nên cần kiểm soát thật tốt chất lượng hàng hóa để khi bán ra thị trường ai mua cũng an toàn, lành mạnh”, vị lãnh đạo công ty chứng khoán nêu quan điểm.

Theo vị này, với những doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả, quản trị rủi ro và sức khỏe tài chính tốt, tỷ lệ giá trị trái phiếu phát hành so với vốn tự có cần được cho phép cao hơn so với những doanh nghiệp kinh doanh kém hiệu quả, năng lực tài chính thấp, rủi ro hoạt động cao.

Mục tiêu của việc này chính là đảm bảo khả năng trả nợ gốc và lãi trái phiếu của doanh nghiệp đối với nhà đầu tư. Khi lời giải cho bài toán nâng cao chất lượng hàng hóa thực sự được tối ưu thì rủi ro thị trường sẽ được giảm thiểu.

Khi một chính sách mới được đưa ra, việc xuất hiện những ý kiến đa chiều là bình thường. Với riêng giao dịch TPDN, điều mà các thành viên thị trường trông đợi là cơ quan quản lý tiếp thu một cách hợp lý, qua đó làm mới luật chơi cho thị trường sao cho vừa lành mạnh, bảo vệ nhà đầu tư, vừa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp huy động vốn.

Liên quan đến đầu mối xử phạt các vi phạm hành chính trên thị trường TPDN, tại dự thảo Nghị định, Bộ Tài chính đề xuất cơ quan chịu trách nhiệm là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Ngoài ra, cơ quan này còn theo dõi, quản lý việc phát hành trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm theo chứng quyền của doanh nghiệp phát hành là công ty đại chúng và việc chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu, thực hiện chứng quyền theo quy định của pháp luật chứng khoán...

Nguyễn Hữu

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,290.18 7.09 0.55% 258,687 tỷ
HNX 243.92 1.07 0.44% 1,863 tỷ
UPCOM 91.48 0.35 0.39% 587 tỷ