Việc đích thân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo thời hạn cụ thể mà Sabeco và Habeco phải lên sàn mang lại niềm tin và kỳ vọng lớn trong giới đầu tư. Điều này giải thích tại sao gần đây, giá cổ phiếu Sabeco liên tục tăng.
Trả lời báo giới tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2016 vừa diễn ra, Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, Bộ đã thành lập Ban chỉ đạo và đang chỉ đạo quyết liệt để đưa cả Sabeco và Habeco lên sàn trong thời gian sớm nhất (Bộ Công thương hiện đang đại diện phần vốn nhà nước tại Sabeco). Tuy nhiên, khi triển khai thực hiện thì các thủ tục mất rất nhiều thời gian. Thủ tục liên quan đến lên sàn theo quy định phải mất 12 - 14 tuần, do đó khả năng lên sàn của hai doanh nghiệp này trong năm nay là khó khăn, có thể phải lùi sang quý I/2017.
Không chấp nhận sự trễ hạn lên sàn của Sabeco và Habeco, Người phát ngôn Chính phủ - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh: “Sabeco và Habeco lên sàn chứng khoán chậm là lỗi của hai doanh nghiệp này vì đã cổ phần hóa từ lâu nhưng không lên sàn. Thủ tướng giao hai doanh nghiệp này phải niêm yết trên sàn chứng khoán và thực hiện trong năm 2016, nếu thực hiện chậm, Bộ Công thương có trách nhiệm kiểm điểm trước Thủ tướng. Habeco và Sabeco có trách nhiệm kiểm điểm trước Bộ Công thương về việc chậm trễ, không minh bạch. Lên sàn chứng khoán là tạo ra sự minh bạch nhất, mọi nhà đầu tư có thể theo dõi, xem xét”.
Thực tế cho thấy, một trong những lý do mà nhiều doanh nghiệp, trong đó có những “ông lớn” như: Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines)…, “trốn” nghĩa vụ lên sàn là do chưa có chế tài xử phạt. “Khoảng trống” này đang chờ được khỏa lấp khi Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định 108/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.
Giới đầu tư cho rằng, điều quan trọng là phải có chế tài xử lý lãnh đạo doanh nghiệp để xảy ra vi phạm về thời hạn lên sàn theo các hình thức như: cách chức, thuyên chuyển vị trí làm việc…, nhằm hạn chế nguy cơ doanh nghiệp tiếp tục chây ì lên sàn. Mặt khác, không thể vì vi phạm của doanh nghiệp mà lấy tiền của cổ đông để nộp phạt.
Sau những chỉ đạo quyết liệt, nhất quán của Chính phủ, giới đầu tư đang trông đợi sự xuất hiện làn sóng lên sàn mới, trong đó có sự góp mặt của nhiều doanh nghiệp lớn, chất lượng hoạt động tốt. Khi có hàng tốt, sẽ không lo dòng tiền không tìm đến TTCK Việt Nam.